Thế giới giao thông

"Sự sống rất quý giá, không dễ thay thế như phụ tùng một chiếc ô tô"

17/11/2019, 10:13

Đây là chủ đề lễ tưởng niệm 2019 được LHQ lựa chọn bởi vấn nạn ô tô gây TNGT là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng số người thiệt mạng mỗi năm.

img
Hoạt động tưởng niệm nạn nhân TNGT tại San Francisco phải chuyển vào trong nhà vì khói bụi

Kể từ năm 2005 đến nay, “Ngày Thế giới Tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ” (hay còn gọi là Ngày Tưởng niệm nạn nhân TNGT) liên tục được tổ chức trên toàn cầu vào Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm.

Sự kiện này đã trở thành dịp quan trọng nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế tới vấn nạn mà quốc gia nào cũng đang phải gánh chịu.

“Cuộc đời không phải phụ tùng ô tô”

Hơn một nửa số người thiệt mạng vì tai nạn đường bộ đều là những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương như người đi bộ, xe đạp và điều khiển xe máy.

Tỉ lệ người sử dụng đường bộ dễ bị tổn thương hoặc tử vong do TNGT tại các nước thu nhập thấp cũng cao hơn tại các nước có thu nhập cao.

Kể từ khi Đại hội đồng LHQ phê chuẩn tổ chức Ngày Tưởng niệm nạn nhân TNGT, số lượng các nước trên thế giới tham gia, hưởng ứng ngày càng cao và lan rộng ra khắp các châu lục.

Mỗi năm, toàn thế giới tưởng niệm theo một chủ đề riêng. Năm 2019, chủ đề là: “Mạng sống không phải là phụ tùng ô tô”.

Chủ đề này được Liên hợp quốc đưa ra dựa trên nội dung Mục 3, thuộc Kế hoạch Toàn cầu về Thập kỷ Hành động vì An toàn Đường bộ - Phương tiện An toàn hơn. Thực tế hiện nay, bất chấp nỗ lực toàn cầu để hạn chế TNGT, ô tô vẫn là nguyên nhân gây ra số lượng người thiệt mạng, bị thương nghiêm trọng và bệnh tật nhiều nhất mỗi năm, bao gồm cả hệ quả trực tiếp từ các vụ TNGT đường bộ và ô nhiễm không khí.

Để làm nổi bật mục tiêu và mong muốn của toàn thế giới với ngày tưởng niệm đặc biệt này, các quốc gia hưởng ứng đều tự xây dựng các chương trình riêng phù hợp với điều kiện và tình hình địa phương, phù hợp với chủ đề của từng năm mà Liên hợp quốc đề ra.

Năm nay, tại Nam Phi, nước này tổ chức hiến máu cho các nạn nhân TNGT và kêu gọi mọi người ký vào tuyên bố toàn dân chuẩn bị cho hội nghị các bộ trưởng về an toàn đường bộ toàn cầu sắp diễn ra tại Thụy Điển.

Nigeria đánh dấu ngày tưởng niệm bằng sự kiện leo núi vì ATGT. Chương trình này sẽ diễn ra vào ngày 16/11 tại núi Mpape.

Tại Mỹ, TP Philadelphia tổ chức sự kiện đạp xe để tưởng nhớ và nâng cao nhận thức về giao thông, thu hút sự ủng hộ chính trị của thành phố về vấn nạn mất an toàn khi tham gia giao thông.

Trong một sự kiện tưởng nhớ được tổ chức tại TP San Francisco, rất nhiều thân nhân của các nạn nhân bị TNGT không khỏi đau buồn khi nhớ lại người thân và tức giận trước nguyên nhân khiến họ ra đi mãi mãi.

Bà Estelle Oloresisimo, Chủ tịch Hệ thống Tình bạn Fil-Am, một trong những người hoạt động tích cực cho sự kiện tưởng nhớ này đã xúc động khi nhắc về người bạn của mình và nhấn mạnh: “Vấn nạn TNGT đang ngày càng trầm trọng và nó không chỉ là vấn đề tại Mỹ mà đang diễn ra hàng ngày trên toàn thế giới”.

Không chỉ vậy, sự kiện tưởng nhớ này ban đầu đáng lẽ được thực hiện ngoài trời với hoạt động đi bộ nhưng sau đó đã phải chuyển vào trong nhà vì khói bụi dày đặc trên đường phố.

Đây chính là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ảnh hưởng từ khói bụi vì khí thải giao thông đường bộ và lý giải vì sao Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề cho ngày tưởng niệm năm nay đó là “Cuộc sống không phải một phụ tùng ô tô”.

Hạ tầng kém khiến TNGT tăng

Theo báo cáo toàn cầu về an toàn đường bộ 2018 được WHO công bố tháng 12/2018, mỗi năm có 1,3 triệu người thiệt mạng vì TNGT. TNGT cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong với đối tượng trẻ từ 5-29 tuổi.


Bà Cathy DeLuca, Giám đốc Chương trình và Chính sách SF cho biết, một trong những nguyên nhân khiến TNGT xảy ra nhãn tiền là do thiết kế đường phố thiếu hợp lý (không dành không gian đủ cho người đi xe đạp, đi bộ), tốc độ chết người, hành vi vô trách nhiệm của người điều khiển phương tiện cũng như thiếu thực thi luật giao thông.

Tại sự kiện tưởng nhớ nạn nhân TNGT tổ chức mới đay ở Mỹ, cô Julie Mitchell, thành viên sáng lập Những gia đình vì an toàn đường bộ khu vực vịnh San Francisco, mẹ của một nạn nhân qua đời vì TNGT cũng có ý kiến tương tự: “Cái chết của con tôi ở một góc độ nào đó không phải tai nạn. Sự ra đi của con tôi là điều hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu tài xế gây tai nạn hôm đó chậm lại vài giây để quan sát đường phố hoặc có những con đường có thiết kế an toàn cho người đi xe đạp”.

“Hãy đừng gọi những vụ việc như thế này là những vụ tai nạn mà gọi đó là những vụ việc hoàn toàn có thể ngăn chặn”, bà mẹ của thanh niên 21 tuổi bị thiệt mạng khi đang đi xe đạp, đã lên tiếng kêu gọi.

Bên cạnh các hoạt động tưởng niệm, nhiều nước coi trọng việc thực hiện chương trình “Vision Zero” ("Mục tiêu về không", tức là giảm đến không còn người bị TNGT đường bộ) để những ngày tưởng niệm vì nạn nhân TNGT không còn xót xa và đau buồn.

Chương trình ATGT đường bộ này bắt nguồn từ Thụy Điển, đã được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 10/1997. Nguyên tắc cốt lõi của tầm nhìn này đó là “Không bao giờ đánh đổi cuộc sống và sức khoẻ lấy các lợi ích khác trong xã hội”.

Hiện tại, đã có 5 quốc gia trên thế giới đang thực hiện chương trình này và điểm chung đó là tất cả các nước đều là những quốc gia phát triển như: Thụy Điển, Canada, Anh, Mỹ, Hà Lan.

Philippines gia nhập các nước công nhận ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT

Thượng viện Philippines vừa chấp thuận thông qua dự luật để tuyên bố công nhận ngày Tưởng niệm nạn nhân vì TNGT đường bộ và người thân của họ.

Theo dự luật này, ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm ở Philippines sẽ được coi là ngày Tưởng niệm Quốc gia đối với các nạn nhân TNGT đường bộ, những nạn nhân may mắn sống sót và thân nhân”.

Dự luật cho biết, sự kiện tưởng niệm có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức như các nghi thức tôn giáo hoặc các chiến dịch nâng cao nhận thức về ATGT.

Thượng Nghị sĩ Grace Poe người đề xuất dự luật này và cũng là Chủ tịch Ủy ban dịch vụ cộng đồng chia sẻ, với hành động này, chúng tôi sẽ tiến thêm một bước gần hơn để mang đến công lý cho các nạn nhân TNGT đường bộ. “Ngoài tưởng nhớ những người xấu số, nhiệm vụ của chúng tôi còn là nỗ lực ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự tiếp diễn”, bà Poe nói.

Số liệu từ Cơ quan Phát triển Trung tâm Manila (MMDA) cho thấy, khu vực trung tâm Thủ đô Manila của Philippines xảy ra 101.428 vụ TNGT đường bộ chỉ riêng trong năm 2018.

B.T

Nạn nhân TNGT chủ yếu đang ở độ tuổi đẹp nhất trong đời

Theo báo cáo của PWC, một tổ chức chuyên về lĩnh vực bảo hiểm lớn nhất ở Trung Đông, mỗi ngày trên thế giới có trung bình 3.400 người thương vong vì TNGT.

Đa số các nạn nhân này đều đang ở độ tuổi khỏe mạnh nhất trong đời (từ 15 - 29 tuổi), tỷ lệ người chết được nghi nhận cao nhất ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đặc biệt ở những nước kém hoặc đang phát triển.

Mỗi năm, trên quy mô toàn cầu, có khoảng 1,3 triệu người thiệt mạng vì TNGT đường bộ cùng hàng triệu người khác bị chấn thương hoặc mãi mãi phải sống với những hậu quả kéo dài về sức khỏe do TNGT gây ra.

PWC cho hay, các vụ va chạm giao thông trên đường bộ thường để lại hậu quả kinh tế rất lớn, trên quy mô quốc gia, đặc biệt là gánh nặng mà các lĩnh vực có liên quan như luật pháp, bảo hiểm, y tế phải gánh chịu.

Không những vậy, ảnh hưởng tiêu cực và hậu quả của những vụ việc nghiêm trọng đến người thân và gia đình của các nạn nhân TNGT cũng rất lớn, thậm chí không thể đo đếm được.

Báo cáo của PWC cũng chỉ ra các nhân tố chính dẫn đến các vụ TNGT đường bộ trên toàn cầu, được thu thập và ghi nhận trong nhiều năm qua gồm: Không làm chủ tốc độ phương tiện; Uống rượu bia khi lái xe; Bị phân tán khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; Không cài dây an toàn khi đi xe hơi và không đội mũ bảo hiểm.

Hòa Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.