Y tế

Sự sống vẫn lấp lánh nơi mặt trận phía Tây thành phố

31/01/2022, 06:30

TT Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM hình thành trong giai đoạn TP đối mặt với cuộc chiến chống dịch khốc liệt.

PGS. TS. Lê Minh Khôi, Phó giám đốc Trung tâm là người có mặt từ đầu cho đến khi “trận chiến” lắng xuống chia sẻ, “mặt trận phía Tây thành phố” là tên gọi quen thuộc của Trung tâm bởi cuộc chiến đấu ở đó, ngay từ giây phút đầu đã rất cam go và khó lường.

img

Bác sĩ Lê Minh Khôi

Nút “khai hỏa” đầu tiên

Xin được bắt đầu với cuốn tản văn “Phía Tây thành phố” vừa mới xuất bản của ông. Điều gì thôi thúc một bác sĩ tim mạch và hồi sức quyết định cầm bút?

Chính đại dịch và con người trong đại dịch đã khiến tôi phải viết những câu chuyện nhỏ, cảm nghĩ, những dòng cảm xúc để sẻ chia, động viên và tìm kiếm sự nâng đỡ về tinh thần cho bản thân.

Trước đó, tháng 1/2017, tôi có viết tập tản văn đầu tiên “Những sườn núi lấp lánh”. Từ đó đến nay, tôi vẫn viết, lúc thì ngắn, lúc thì dài. Tôi viết để sẻ chia cho chính mình và động viên các bạn trẻ đồng nghiệp.

Cuối tháng 9, khi dịch bắt đầu qua bên kia đỉnh dốc, nhà văn Hoàng Dạ Thư của Nhà xuất bản Trẻ có gợi ý rằng tôi nên tập hợp những bài viết tản mát đó đây thành tập sách để đánh dấu một quãng đời khốc liệt mà đáng sống nhất của mình và đồng đội.

Ở mặt trận phía Tây thành phố đó, hẳn sẽ là ký ức “muốn quên nhưng lại nhớ mãi” của nhiều người, trong đó có ông?

Tại mặt trận đó, tôi chia các khu vực điều trị thành các phân khu Lam Sơn, Bạch Đằng, Cửu Long, Hồng Hà, Hương Giang, Thu Bồn, Lâm Viên và Đồng Văn như một cách ẩn dụ rằng dù ở một chỗ nhưng luôn nhận được sự ủng hộ, yêu thương từ mọi miền của Tổ quốc.

Và chiến trường ác liệt nhất chính là 2 con sông Hồng Hà và Cửu Long - 2 khu vực dành cho các bệnh nhân nặng nề nhất, phải chạy ECMO (gọi nôm na là tim phổi nhân tạo), thở máy, lọc máu… nơi lằn ranh sự sống và cái chết mong manh, vô thường.

Đến giờ, hơn 4 tháng rưỡi, tôi cùng như nhiều đồng đội vẫn gắn bó với nơi đây như ngôi nhà của mình vậy.

Với tôi, giây phút đầu tiên ấn nút “khai hỏa” trận chiến đó là khi tiếp nhận “Bệnh nhân Covid đầu tiên của tôi”- như tên tản văn đầu tiên của cuốn sách, sau 12 giờ tiếp nhận và cải tạo một cơ sở hoàn toàn xa lạ. Sau bệnh nhân đầu tiên đó, chưa đầy 1 tuần chúng tôi quá tải.

Đáng tiếc, bệnh nhân đầu tiên ra đi sau một tuần nỗ lực điều trị, nhưng trong điện thoại luôn bên mình đây, tôi vẫn lưu giữ hình ảnh bệnh nhân đầu tiên đó.

Sống cùng nhịp đập của người bệnh

img

Các thầy thuốc BV Đại học Y Dược TP.HCM giành giật sự sống cho bệnh nhân nguy kịch ở Trung tâm Hồi sức tích cực

Đối diện cuộc chiến đầy khốc liệt, với ông câu chuyện nào thật sự ấn tượng?

Tôi nhớ mãi bệnh nhân đầu tiên ngoạn mục trở lại là chị chủ nhà trọ tốt bụng, bao bọc hết sinh viên, người nghèo ở trọ. Chị có thai nhưng vẫn chăm lo cho tất cả mọi người như chính người bà con của mình. Rồi chị nhiễm bệnh. Vì chưa được chích ngừa vaccine nên bệnh diễn tiến rất nặng và nhanh chóng.

Lúc đó, dù bệnh nhân đã vào tình trạng cận tử. Dù nghĩ rằng không còn hy vọng nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm tất cả những gì có thể… Hai ngày sau, ngay giữa lúc tuyệt vọng nhất, bệnh nhân lại có bắt đầu có những dấu hiệu rụt rè của sự hồi sinh.

Trong cuộc chiến cam go như vậy, những dấu hiệu như vậy chẳng khác nào một chiến thắng, khiến chúng tôi sung sức và vui đến mất ngủ. Và cuối cùng sản phụ sống, xuất viện khỏe mạnh. Đó là thời khắc rất không thể nào quên.

Trong giai đoạn ấy có rất nhiều câu chuyện cảm động về tình thầy trò, tình đồng nghiệp, tình đồng bào trong trận chiến đó. Có rất nhiều người vượt chốt đến hỗ trợ… rất tình cảm.

Có giây phút nào anh cùng đồng nghiệp thấy bất lực trước sự khốc liệt của dịch bệnh?

Thật sự cảm giác bất lực không có, dù trong giai đoạn đó, tất cả đều khó khăn, đều phải gồng mình lên để đảm đương mọi việc.

Không ai muốn trải qua một quãng đời hành nghề đầy đau thương, mất mát đến như vậy. Có lẽ những sang chấn tâm lý cho nhân viên y tế còn kéo dài và sẽ xuất hiện sau khi đại dịch đi qua.

Tuy nhiên, những ngày đêm gian khó, khốc liệt đã tạo cho tôi niềm tin mạnh mẽ vào đồng nghiệp, các tình nguyện viên. Họ đã làm việc “vượt qua giới hạn thông thường”.

Có những chuyến xe giải cứu bệnh nhân nguy kịch mà chúng tôi gọi là “bay đêm” do Hiệu “trọc” làm tổ trưởng, bất kể giờ giấc hay sức lực đã bị vắt khô kiệt trong phiên trực trước đó.

Hễ có bệnh nhân cần giải cứu là chúng tôi “bay”. “Bay” bằng sức trẻ và “bay” bằng đôi cánh hiến thân vì đồng bào.

Có những bạn tuổi còn rất trẻ, nghiêm cẩn lau rửa sạch sẽ chỉn chu bệnh nhân tử vong như là một người cháu tiễn chính ông bà mình lặng lẽ trong căn phòng Vĩnh Hằng của Trung tâm. Và rất rất nhiều chuyện khác nữa… Họ đã làm hơn thế rất nhiều.

Đến bây giờ khi ngồi lại với nhau chúng tôi nhận thấy rằng, cuộc chiến với dịch bệnh đã dạy cho mình một điều “khả năng của mình rất lớn”, vì khi nhìn lại chúng tôi cũng không nghĩ rằng mình có thể làm được những việc như vậy...

“Tổ bay đêm” tìm cơ hội sống cho người bệnh

Anh có nhắc tới những “chuyến bay đêm”, cụ thể là thế nào?

Khó khăn nhất với chúng tôi là việc chứng kiến bệnh nhân chết trước khi được vào trung tâm hoặc vừa lên thì ngưng tim.

Mỗi khi tiếp nhận những bệnh nhân như vậy, nơi đây giống như chiến trường với đủ tiếng la hét, bộ đàm, tiếng chạy rầm rập cấp cứu cho bệnh nhân… lúc đó tôi chỉ nghĩ không thể điều đó tiếp diễn nữa, mình phải điều phối, phải làm sao để cứu được bệnh nhân.

Đem việc này bàn với BS. Đặng Minh Hiệu, người có biệt danh là Hiệu “trọc” vì khi tình nguyện đi vào tâm dịch Bắc Giang, bác sĩ này đã cạo trọc đầu và “Tổ bay đêm” ra đời từ đó và miệt mài cho đến bây giờ.

Hễ nhận được điện tuyến dưới có bệnh nhân nặng, bất kể đêm hôm tổ lên đường tới hỗ trợ đón bệnh nhân về Trung tâm điều trị…

Suốt nhiều năm gắn bó với nghề y, những trận chiến tại “mặt trận phía Tây” để lại trong ông những cảm xúc gì nữa?

Tất cả giấy xuất viện hay báo tử đều một tay tôi ký, đến giờ là 290 hồ sơ báo tử trong hơn 4 tháng qua. Với tôi, cảm giác ký hồ sơ báo tử rất khó khăn, rất áp lực. Ở đây chưa bao giờ chúng tôi có tâm lý “buông” dù khó khăn đến mấy.

Trở lại với cuốn sách ông vừa phát hành, ông muốn gửi thông điệp gì qua đó?

Trong cuốn sách này, tôi chỉ kể những câu chuyện dung dị về tình đồng nghiệp, đồng đội, tình thầy trò, anh em và về những mất mát dẫu đã được làm nhẹ đi rất nhiều.

Tôi muốn nhìn nhân viên y tế bằng xương bằng thịt, qua những trăn trở, lo toan rất đời thường nhưng cũng thấy được cái vĩ đại của họ khi đứng trước hiểm nguy. Họ biết hy sinh chính mình khi đồng bào, Tổ quốc cần.

Người ta có thể tính bao nhiêu người được xuất viện, bao nhiêu ca bệnh nguy kịch được cứu sống, những nụ cười tươi rói khi xuất viện nhưng không biết được chỉ tính riêng ở “Mặt trận phía Tây thành phố” này thôi, đã có mấy chục nghìn bô nước tiểu; bao nhiêu nghìn bô phân; bao nhiêu nghìn tã giường vấy máu, vấy đàm bẩn; bao nhiêu nước mắt cùng mồ hôi của những chiến sĩ thầm lặng đã chảy xuống.

Cuốn sách này đơn giản chỉ là lời cảm ơn của tôi đối với đồng đội, đồng bào và với cuộc sống.

Toàn bộ tiền tài trợ từ bạn bè, nhuận bút và chiết khấu cho tác giả bán sách sẽ chuyển đến Quỹ “Cùng con đi tiếp cuộc đời” để ủng hộ cho trẻ em đã mất đi cha mẹ trong cuộc chiến Covid-19 tại TP.HCM.

Cảm ơn ông!

PGS. TS. BS. Lê Minh Khôi sinh năm 1973, quê Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ông là một trong những giáo sư đầu ngành về chuyên khoa Tim mạch, từng nhận Giải thưởng Luận án y khoa xuất sắc nhất năm do chính Hội đồng là các giáo sư của Đại học Heidelberg, Đức xét duyệt (ngày 23/6/2007).

Ông hiện là Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19. Ngoài chuyên môn, ông còn là một cây bút quen thuộc với nhiều độc giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.