Quản lý

Sự thật dự án BOT “ăn dày” thời gian thu phí

28/08/2016, 09:05

Báo Giao thông đã trao đổi, làm rõ một số thông tin cho rằng các dự án BOT “ăn dày” thời gian thu phí.

8

Cầu Cổ Chiên giảm thời gian thu phí do rút ngắn được 12 tháng thi công - Ảnh: Minh Tuấn

Vừa qua, một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư của 4 dự án BOT phải rút ngắn thời gian hoàn vốn so với kế hoạch kèm theo nội dung cho rằng, các trạm thu phí BOT “ăn dày” thời gian thu phí. Sự thật việc này ra sao, Báo Giao thông đã trao đổi với các cơ quan chức năng để làm rõ.

Vì sao giảm được thời gian thu phí hoàn vốn?

Theo các thông tin đăng tải, Kiểm toán Nhà nước đề nghị rút ngắn thời gian thu phí của 4 trạm BOT, trong đó, trạm BOT cầu Cổ Chiên giảm 5 năm 5 tháng, một dự án trên QL19 được kiến nghị giảm 7 năm 7 tháng, một dự án BOT ở khu vực Tây Nguyên được kiến nghị giảm thời gian thu phí đến 10 năm… Căn cứ để kiến nghị giảm thời gian thu phí các dự án dựa trên cơ sở chính sách, các quy định hiện hành của Nhà nước và kết quả kiểm toán phương án tài chính của các dự án BOT.

Chiều qua (25/8), trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, việc giảm thời gian thu phí của các dự án BOT là do chênh lệch giữa giá trị quyết toán công trình với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. “Tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là kinh phí dự tính của dự án làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình chứ không phải là giá trị cuối cùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, trong cơ cấu tổng mức đầu tư bao giờ cũng có phần chi phí dự phòng, gồm dự phòng về trượt giá và dự phòng khối lượng. Trong giai đoạn thiết kế cơ sở, đơn vị tư vấn sẽ không thể lường trước phần khối lượng phát sinh trong quá trình thi công thực tế tại hiện trường thế nào, trong khi chi phí dự phòng về trượt giá trong thời gian xây dựng được tính toán dựa trên các thông số vào thời điểm dự án điểm phê duyệt căn cứ mức độ trượt giá 3 năm hoặc 5 năm theo công bố của Tổng cục Thống kê. Con số chính xác chỉ xác định được khi công trình đã hoàn thành.

“Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê tại thời điểm trước năm 2012, có những năm chỉ số trượt giá tới 15-16% đẩy chi phí dự phòng của các dự án BOT lên rất cao. Tuy nhiên, thực tế sau năm 2012, mức độ trượt giá thấp hơn nhiều so với số liệu dự báo tại thời điểm xây dựng tổng mức đầu tư, cho nên thực chi phí dự phòng của dự án rất ít, thậm chí nhiều dự án còn không dùng đến phần kinh phí này. Đây là yếu tố chính kéo giảm giá trị thực tế của dự án so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu”, ông Huy nhấn mạnh.

Ông Huy cho biết thêm, theo quy định trong các hợp đồng BOT, sau khi dự án hoàn thành, giá trị quyết toán mới là giá trị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng xác định thời gian hoàn vốn cho dự án. “Thực tế, hiện nay, Bộ GTVT đang rà soát các dự án BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán nhà nước, các cơ quan thanh tra, sau đó mới lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí. Do vậy, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu. Đây là chuyện hết sức bình thường”.

“Tuy nhiên, thời gian thu phí của dự án được xác định qua giá trị quyết toán công trình cũng chỉ là con số chính thức đầu tiên. Theo quy định của hợp đồng BOT, trong quá trình thực hiện thu phí, cứ 3 năm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư sẽ rà soát và cập nhật các số liệu để tính toán, điều chỉnh thời gian hoàn vốn cho dự án. Chẳng hạn, căn cứ vào giá trị quyết toán thời gian thu phí của một dự án BOT được xác định là 15 năm, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm của dự án lớn hơn nhiều so với dự kiến thì phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí hoàn vốn xuống 14 hay 13 năm tùy tình hình thực tiễn”, ông Huy lấy ví dụ.

Đẩy nhanh quyết toán để xác định thời gian thu phí chính thức

Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, công tác quyết toán các dự án, bao gồm cả công trình BOT đang được Bộ GTVT thực hiện rất quyết liệt. Cụ thể, Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác quyết toán do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Trưởng ban, các thành viên Ban Chỉ đạo gồm Vụ trưởng Vụ Tài chính, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, Tổng giám đốc các Ban QLDA.

“Bộ GTVT đang thẩm tra, thỏa thuận quyết toán với nhà đầu tư 16 dự án BOT theo quy định của Bộ Tài chính, còn lại những dự án khác, các nhà đầu tư đang lập báo cáo quyết toán và kiểm toán độc lập để trình Bộ GTVT thẩm tra thỏa thuận quyết toán trong thời gian tới”, đại diện Vụ Tài chính cho hay.

Thời gian qua, trong nhiều cuộc họp của lãnh đạo Bộ GTVT, công tác quyết toán công trình luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Thậm chí, ngay tại cuộc họp  Ban Cán sự đảng Bộ GTVT diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo các đơn vị phải cam kết về việc thực hiện quyết toán các dự án BOT, đồng thời phải có chế tài thích đáng với các đơn vị không hoàn thành.

“Cần phải có một báo cáo chính xác về tình trạng quyết toán của dự án. Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ cho phép Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh công tác quyết toán dự án, trong đó có việc phải quyết toán xong mới thu phí; Tuyệt đối không để tình trạng thu phí xong xuôi rồi mà vẫn không quyết toán được”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, suy cho cùng dự án BOT cũng là nguồn ngân sách nên phải làm thật chặt chẽ. Đòi hỏi của dư luận xã hội thời gian qua là tính minh bạch của các dự án BOT. Tuy nhiên, cũng có không ít người nhầm lẫn giữa tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu với giá trị quyết toán công trình. Nếu hoàn thành công tác quyết toán trước khi cho thu phí, mọi chuyện sẽ minh bạch, dư luận xã hội cũng sẽ đồng tình.

Rút ngắn thời gian thu phí cầu Cổ Chiên do thi công nhanh

Chiều 25/8 trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng giám đốc Ban QLDA7, đại diện chủ đầu tư dự án cầu Cổ Chiên cho biết, hiện nay dự án cầu Cổ Chiên vẫn chưa được quyết toán nên chưa có thời gian thu phí hoàn vốn chính thức. Tuy nhiên, qua tính toán lại sau quá trình thi công, Ban quản lý dự án, chủ đầu tư đã đưa ra con số và thời gian thu phí giảm so với ban đầu, không phải đợi đến khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra.

Ông Khánh cho biết, lúc đầu để triển khai dự án, Ban quản lý dự án, chủ đầu tư lập tổng mức đầu tư của dự án theo quy định, trong đó có các phần như phí dự phòng, trượt giá… được luật quy định. Nhưng trong quá trình thi công, nếu đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chặt khối lượng thì tổng mức đầu tư thực tế có thể giảm so với tổng mức đầu tư lập ban đầu.

Với cầu Cổ Chiên, có hai nguyên nhân chính khiến thời gian thu phí giảm là thời gian thi công rút được 12 tháng, do đó không cần sử dụng đến phí dự phòng. Cũng do thời gian thi công rút ngắn mà lãi vay ngân hàng trong thời gian thi công cũng ít đi. Tổng chi phí hai hạng mục này đã giảm được 318 tỷ đồng nên thời gian thu phí giảm là điều đương nhiên và đã được Ban quản lý dự án, chủ đầu tư báo cáo trong hồ sơ đang chờ quyết toán.

Thời gian thu phí đã được minh bạch trong hợp đồng BOT. Hợp đồng cũng nói rõ sau khi dự án quyết toán chính thức thì lấy giá trị sau kiểm toán để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng, thời gian thu phí chính thức. Vì vậy, sau quyết toán có một số dự án BOT giảm thời gian thu phí là bình thường. Thậm chí trong quá trình thu phí sau này, nếu lưu lượng phương tiện tăng cao so với dự báo ban đầu thì cũng có thể xem xét để tiếp tục giảm thời gian thu phí.

Phan Tư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.