Giao thông

Sự thật hai dự án BOT QL14 tính sai thời gian thu phí

01/12/2016, 12:35
image

Hai công trình này sau khi được quyết toán sẽ phải giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu.

Dự án BOT đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên từ Km 1

Dự án BOT đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên từ Km 1793+600 - Km 1824+00 (đoạn qua Đắk Nông)

Vừa qua, một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin kết luận của Kiểm toán Nhà nước về hai dự án BOT mở rộng QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) có nhiều sai sót, “ảo hóa” số liệu dẫn tới thời gian thu phí hoàn vốn nhiều hơn hàng chục năm so với thực tế. Báo Giao thông đã trao đổi với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.

Tại dự án nâng cấp, mở rộng QL14 đoạn Pleiku (Km1610) – cầu 110 (Km1667+570) do Công ty CP BOT&BT Đức Long Gia Lai là nhà đầu tư, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, thời gian thu phí hoàn vốn thực tế  của dự án chỉ khoảng hơn 13 năm, giảm 7 năm so với phương án tài chính dự tính ban đầu (20 năm 4 tháng). Ngoài ra, dự án này còn xuất hiện tình trạng chi tiêu “xông xênh” bất thường, khi nhà đầu tư huy động vốn vay tín dụng, nguồn vốn chủ sở hữu hơn 4,3 tỷ đồng để mua ô tô nhưng lại tính vào chi phí đầu tư dự án.

Tương tự, dự án mở rộng QL14 đoạn Km1793+600 – Km1824 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 (Công ty Toàn Mỹ 14) làm nhà đầu tư, thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính tạm tính ban đầu hơn 21 năm, tuy nhiên qua tính toán lại, cơ quan kiểm toán kết luận, thời gian thu phí chỉ với 9 năm, chênh lệch hơn 12 năm so với phương án ban đầu (21 năm 3 tháng)

Chiều qua (30/11), trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Hồ Minh, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại hai dự án trên) cho biết, việc giảm thời gian thu phí của hai dự án do chênh lệch giữa giá trị thực tế công trình với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

Theo ông Minh, tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là kinh phí dự tính của dự án làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình chứ không phải là giá trị cuối cùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.

“Trong cơ cấu tổng mức đầu tư bao giờ cũng có phần chi phí dự phòng, gồm dự phòng về trượt giá và dự phòng khối lượng. Trong giai đoạn thiết kế cơ sở, đơn vị tư vấn sẽ không thể lường trước phần khối lượng phát sinh trong quá trình thi công thực tế tại hiện trường thế nào, trong khi chi phí dự phòng về trượt giá trong thời gian xây dựng được tính toán dựa trên các thông số tại thời điểm phê duyệt căn cứ mức độ trượt giá 3 năm hoặc 5 năm theo công bố của Tổng cục Thống kê. Con số chính xác chỉ xác định được khi công trình đã hoàn thành”, ông Minh nói.

Ông Minh cho biết, cả hai dự án mở rộng QL14 đoạn Pleiku (Km1610) – cầu 110 (Km1667+570) và QL14 đoạn Km1793+600 – Km1824 đều được các đơn vị tư vấn khảo sát và lập dự án đầu tư vào năm 2012. Thời điểm đó, chi phí dự phòng trượt giá của hai dự án lên tới 27,4% và dự phòng khối lượng 10%, từ đó làm tổng mức đầu tư lên cao. Cụ thể, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu của dự án mở rộng QL14 đoạn Pleiku (Km1610) – cầu 110 (Km1667+570) là 1.775 tỷ đồng, còn dự án mở rộng QL14 đoạn Km1793+600 – Km1824 là 1.023 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi triển khai hai dự án trong khoảng thời gian 2013 – 2015, chỉ số trượt giá thực tế thấp hơn nhiều so với số liệu dự báo tại thời điểm xây dựng tổng mức đầu tư ban đầu. Hơn nữa, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, các nhà thầu đã đẩy nhanh thi công, hoàn thành trước tiến độ 6 tháng so với hợp đồng BOT, từ đó kéo theo phần lãi suất trong thời gian xây dựng của cả hai dự án đều giảm. Cụ thể, lãi vay trong thời gian xây dựng của dự án QL14 đoạn Pleiku – cầu 110 giảm 125 tỷ đồng; dự án QL14 đoạn Km1793+600 – Km1824 giảm 89 tỷ đồng.

“Đặc biệt, cả hai dự án này đều không phải dùng đến chi phí dự phòng, trong đó, dự án mở rộng QL14 đoạn Pleiku – cầu 110 là 429 tỷ đồng, còn dự án QL14 đoạn Km1793+600 – Km1824 là 244 tỷ đồng”, ông Minh nói và khẳng định, đây là những yếu tố chính kéo giảm giá trị thực tế của hai dự án so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.

Theo ông Minh, sau khi hai dự án hoàn thành, Công ty CP BOT&BT Đức Long Gia Lai và Công ty Toàn Mỹ 14 đã lập lại dự toán điều chỉnh và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã rà soát và trình Bộ GTVT phê duyệt giá trị quyết toán của hai dự án này. Theo đó, dự án mở rộng QL14 đoạn Pleiku – cầu 110 được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trình phê duyệt quyết toán với giá trị 1.156 tỷ đồng, giảm 619 tỷ đồng so với TMĐT phê duyệt ban đầu. Tương tự, giá trị trình quyết toán của dự án mở rộng QL14 đoạn Km1793+600 – Km1824 là 561,7 tỷ đồng, giảm 461,3 tỷ đồng so với TMĐT phê duyệt ban đầu

“Hiện Bộ GTVT đang xem xét, thẩm tra giá trị quyết toán của hai dự án, do vậy, thời gian thu phí hoàn vốn thực tế của dự án chỉ xác định được khi Bộ GTVT chính thức có thỏa thuận quyết toán hai dự án. Hai công trình này sau khi được quyết toán do giá trị đầu tư giảm nên sẽ phải giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu. Thời gian đoàn Kiểm toán Nhà nước thực hiện công tác kiểm toán cũng là lúc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và nhà đầu tư đang thực hiện công tác quyết toán nên các số liệu của kết luận Kiểm toán Nhà nước nêu ra là tương ứng và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong quá trình rà soát dự toán để quyết toán hai dự án”, ông Minh nói thêm.

Liên quan đến thông tin nhà đầu tư Đức Long Gia Lai chi 4,3 tỷ đồng mua ô tô nhưng lại tính vào chi phí đầu tư dự án, ông Minh nói: “Việc mua xe đó là trách nhiệm của nhà đầu tư. Ngay trong quá trình rà soát, chúng tôi đã loại bỏ khoản tiền này ra khỏi giá trị trình phê duyệt quyết toán dự án vì đây là chi phí không hợp lý. Bên cạnh đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh còn loại, cắt giảm các chi phí khác không hợp lý, khoản chi không đúng quy định của dự án do nhà đầu tư trình như: Chi phí thí nghiệm, chi phí kiểm định chất lượng, chi phí quản lý dự án,…”, ông Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.