Văn hóa - Giải Trí

Sự thật những bài hát, MV triệu views sau một đêm

31/10/2018, 07:39

Công nghệ 4.0 tạo lợi thế cho các gương mặt mới lạ thuộc giới underground, bỗng chốc nổi như cồn chỉ sau vài đêm...

21

Ca khúc “Buồn của anh” vừa nhận được cúp hạng nhất của tháng 10 tại sự kiện âm nhạc Việt - Hàn

V-Pop ngày càng chứng kiến sự xuất hiện của loạt bài hát, MV triệu views (số lượng người xem, nghe qua mạng internet) của các nghệ sĩ bước ra từ giới underground (những người đam mê âm nhạc và khát khao thực hiện mọi thứ theo mong ước của mình mà không cần quan tâm đến bất kỳ yếu tố nào như xu hướng thị trường âm nhạc, nhu cầu khán giả). Tuy nhiên, chất lượng và con số triệu views kia vẫn là một dấu hỏi cho giới chuyên môn.

Ngôi sao bước ra từ giới underground

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thừa nhận, khi công nghệ 4.0 tấn công vào từng ngóc ngách của cuộc sống, buộc các nghệ sĩ làm âm nhạc phải có sự thay đổi. Điều này giúp khán giả có cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm âm nhạc mới, có nhiều sự lựa chọn hơn. Cạnh đó, giúp cho các nghệ sĩ, đa phần là nghệ sĩ trẻ tiếp cận với khán giả thuận lợi hơn, tiết kiệm được thời gian, chi phí, lưu giữ lại trọn vẹn cảm xúc và sản phẩm của mình.

Theo bảng giá được đăng tải công khai trên website social68.com, có nhiều gói mua lượt xem của các clip trên kênh YouTube. Gói 65 đồng/lượt xem, người mua phải mua tối thiểu 500 lượt xem và tối đa là 1.000.000 lượt xem cho mỗi gói.

Gói 190 đồng/lượt theo dõi đến 1.590 đồng/lượt theo dõi, người mua phải mua tối thiểu từ 300 -1.000.000 lượt theo dõi cho một gói.

Điều này hoàn toàn đúng, bởi công nghệ 4.0 đã tạo lợi thế cho các gương mặt mới lạ thuộc giới underground, bỗng chốc nổi như cồn chỉ sau vài đêm xuất hiện. Người ta thấy Túy âm (Xesi, Masew, Nhatnguyen) đạt 100 triệu views sau 6 tháng ra mắt, Buồn của anh (K-ICM, Đạt G và Masew) đạt 100 triệu views chỉ chưa đầy 3 tháng, Người âm phủ (Osad, Khánh Vy) đạt 67 triệu views sau 6 tháng, MV phiên bản EDM đạt trên 3 triệu view sau 3 ngày phát hành, Cùng anh (Ngọc Dolil, Hagi, STee) đạt 100 triệu lượt nghe sau hơn 2 tháng… và còn rất nhiều bài hát đã xuất hiện hiện tượng này. Tác giả bản hit Cùng anh Ngọc Dolil cho biết: “Sau khi thi Sing my song, tôi bị loại nên tôi nghĩ mình cần viết một cái gì đó để lấy cảm hứng. Với nội dung là khi mình còn trẻ, hãy cứ yêu và cứ đi để không phí hoài tuổi trẻ của mình, ca khúc được chúng tôi chỉ viết theo cảm hứng, không hề nghĩ sản phẩm của mình sẽ được đón nhận nhiều như thế. Tôi nghĩ, lý do cho những con số triệu views kia là bên cạnh sự may mắn, câu chuyện của ca khúc tôi khá mới lạ, ca từ, nhịp điệu của ca khúc cũng dễ bắt tai người nghe”.

Cũng cùng quan điểm “chỉ là may mắn”, Xesi - tác giả bản hit Tuý âm cũng chia sẻ: “Tuý âm hoàn toàn là sản phẩm của những cái bắt tay ngẫu nhiên. Tôi lấy cảm hứng từ câu chuyện tình yêu của một người bạn cùng chơi nhạc để viết lên nó. Tuy nhiên, để bài hát được nhiều người đón nhận như vậy, tôi nghĩ vẫn có yếu tố may mắn”.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng: “Việc xuất hiện nhiều gương mặt hoàn toàn mới, đặc biệt là xuất thân từ underground là chuyện hết sức bình thường. Đây là xu hướng đi theo dòng chảy của công nghệ âm nhạc giải trí thế giới. Vấn đề cần quan tâm đó là chất lượng chứ không phải số lượng. Chất lượng tốt mới là tín hiệu lạc quan cho đời sống âm nhạc. Không phải hiện nay một số gương mặt “ăn khách” vốn xuất thân từ nghệ sĩ underground hay sao?”. Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Nhiều người may mắn nổi tiếng chỉ qua một đêm, nhờ một clip nhạc hát trong lúc cao hứng, có thể hay hoặc dở, nhưng vẫn được nổi tiếng. Tên của họ được tìm kiếm, được trao tặng những quyền lợi, cơ hội mà bao nghệ sĩ làm nghề lâu năm vẫn chưa có được. Thế nhưng điều đó lại không lâu dài nếu như sự nổi tiếng ấy không đến từ tài năng thật sự”.

Phía sau những con số triệu views

Không thể phủ nhận ngày càng có nhiều bản audio, MV giới underground đạt con số lượt xem đáng mơ ước. Mặt khác, không khó để tìm ra những bản audio hay MV lập kỷ lục hàng chục triệu, trăm triệu lượt xem nhưng chỉ một thời gian ngắn là lại chìm vào quên lãng. Đó là thực tế về việc bên cạnh những MV có số lượng người nghe hay lượt xem thật, vẫn còn không ít sản phẩm âm nhạc có thành tích ảo. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng, điều này chứng minh trong thời đại hiện nay, âm nhạc không thể chỉ đo lường bằng mấy triệu lượt xem trên YouTube, chưa kể, các lượt xem đó có thể là ảo. Nhạc sĩ Trần Minh Phi lý giải: “Không ít ca sĩ đã mua views cho sản phẩm của mình để câu khách. Tuy nhiên, tâm lý tò mò có tính lây lan sẽ giúp “đẻ” ra view thật từ view ảo. Nhờ sự quảng cáo ồn ào về số view khủng, tạo sự tò mò cho người khác và số view cứ thế tăng dần. Do đó, số lượng người xem không hẳn nói lên chất lượng sản phẩm. Nó có thể là kết quả lan truyền của thủ thuật mua view cộng thêm các động thái PR nào đó bên lề”.

Đi sâu vào vấn đề ảo cả trên Bảng xếp hạng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, các lượt xem, sự bình chọn, các bảng xếp hạng online hay offline đều có thể là ảo, khi con người có thể tác động đến các con số đó thông qua kỹ thuật máy tính. Đối với tôi, bài hát lượt xem cao chỉ là bài hát đang được chú ý nhất, chưa chắc là bài hát hay nhất, mà bài hát hay nhất là bài hát sau 3 năm, 5 năm, 10 năm, tôi vẫn còn muốn nghe và thích nghe”.

Một sản phẩm nghệ thuật nói chung hay một sản phẩm âm nhạc nói riêng, suy cho cùng là những tác phẩm làm đẹp cho đời. Tức là, ở một góc độ nào đó, sản phẩm phải truyền tải một thông điệp nhân văn. Nhạc sĩ Trần Minh Phi trăn trở: “Thật khó để đòi hỏi những giá trị nhân văn cao đẹp ở những sản phẩm âm nhạc chỉ nổi một thời gian ngắn. Giống như mình phải đòi giá trị dinh dưỡng cao, không có chất gây béo phì, tiểu đường ở những đồ ăn nhanh, nước uống có gas... Dùng một chút thì vui nhưng lạm dụng thì hỏng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.