Thế giới giao thông

Sự thật sức mạnh Tàu sân bay TQ: Thời tiết xấu là "nằm ngủ"

12/06/2014, 07:38

Theo Quy hoạch phát triển tàu sân bay của Trung Quốc, đến cuối Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) sẽ hoàn tất việc chế tạo 2-3 cụm tàu sân bay.

Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh


Khó cho máy bay cất/hạ cánh


Nhiều nhà quan sát cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh giống một bước đi mang tính biểu tượng để phô trương thanh thế cho hải quân Trung Quốc, hơn là một sự thay đổi tức thời về chất của lực lượng này. Mặt sàn và cách bố trí có giới hạn, trong khi máy bay J-15 dự kiến bố trí trên tàu cần phải chạy khoảng một nửa chiều dài tàu mới đủ cho việc cất cánh, điều này sẽ làm cho nó trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện việc đồng thời cất và hạ cánh. 
 

* Hải quân Trung Quốc hiện đứng thứ tư thế giới (sau Mỹ, Nga, Nhật Bản), và theo đánh giá của các nhà phân tích quân sự, với khoảng cách công nghệ như hiện nay, thứ bậc này khó thay đổi dù là đến năm 2050.

 

* Hiện chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, tàu Bắc Kinh đang được đẩy nhanh tiến độ tại Trường Hưng Đảo, Thượng Hải. Đây sẽ là một tàu sân bay hoàn toàn nội địa, có quy mô tương tự chiếc Liêu Ninh. Tuy nhiên, do dập khuôn theo mẫu chiếc Liêu Ninh vốn đã lạc hậu về công nghệ, kỹ thuật, tàu Bắc Kinh cũng không được giới chuyên môn đánh giá cao.

Theo các chuyên gia quân sự, chỉ trong thời tiết lý tưởng, sóng yên biển lặng, tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc mới có thể cất, hạ cánh được trên tàu sân bay này, còn trong điều kiện thời tiết xấu thì nó đành “nằm ngủ”, khi đó cả cụm tàu sân bay cũng không còn khả năng tác chiến. Máy bay J-15, nếu mang 12 tấn vũ khí thì không thể nào cất cánh được từ tàu sân bay, và nếu nạp nhiên liệu đầy thì nó lại chỉ có thể mang được hai tấn vũ khí. Bán kính tác chiến chỉ gói gọn trong 120km, điều này dẫn đến việc, cần một lượng lớn J-15 cho một nhiệm vụ đơn giản.

Ngoài ra, nếu không có máy bay cảnh báo sớm hiện đại thì tàu sân bay sẽ chỉ có thể hoạt động trong bán kính tác chiến của các máy bay xuất phát từ các căn cứ đất liền bố trí ven biển. Hiện, hải quân Trung Quốc chủ yếu sử dụng loại máy bay báo động sớm KJ-200. Căn cứ vào tầm hoạt động khoảng 3.600km của máy bay KJ-200 thì việc khống chế toàn bộ khu vực biển Đông sẽ không còn là vấn đề. Tuy nhiên, như vậy phạm vi tác chiến của cụm tàu sân bay Trung Quốc vẫn hạn chế, khiến hải quân Trung Quốc vẫn chỉ mang tính chất lực lượng tác chiến và phòng ngự khu vực biển gần. 

Sự lắp ghép cọc cạch


Tàu sân bay không thể tác chiến đơn độc mà phải nằm trong thành phần cụm chiến đấu tàu sân bay và từ tàu sân bay đến cụm chiến đấu tàu sân bay là cả một khoảng cách mênh mông về công nghệ, kỹ thuật, chiến thuật. Cụm chiến đấu một tàu sân bay của hải quân Mỹ lấy một tàu sân bay làm hạt nhân, lực lượng phối hợp thông thường gồm 4 tàu tuần dương mang tên lửa phòng không, 4 tàu hộ vệ và khu trục chống ngầm, 1-2 chiếc tàu ngầm hạt nhân tiến công, cùng 1-2 tàu hậu cần hoặc tàu tiếp dầu cao tốc. 


Trong khi đó, tàu Liêu Ninh chỉ được 4 tàu hộ tống, gồm hai tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương và Thạch Gia Trang cùng hai tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài và Duy Phường - không đủ sức bảo vệ Liêu Ninh. Các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc còn ít và chưa tốt nên chưa được cho vào đội hình của Liêu Ninh. Nên, để ngăn chặn thành công một hạm đội hải quân tương tự Hạm đội hải quân Mỹ vẫn còn là chuyện xa xôi, không tưởng. Theo giáo sư Li Li thuộc Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, kích thước nhỏ hơn, vũ khí ít hơn tàu cùng loại của nước ngoài chính là điểm yếu quá lớn của tàu khu trục Trung Quốc.

Nguyễn Đăng Song
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.