Xã hội

Sử thi Banar có thể thất truyền?

31/05/2015, 14:54

Toàn trong cộng đồng người Banar ở Tây Nguyên chỉ còn 20 nghệ nhân có thể hát được Hơ mon (sử thi Bana).

Anh -1.
Sân khấu mô tả cách diễn xướng Hơ mon trong lễ công bố sử thi Ba Na trở thành di sản văn hóa phi vật thể tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. 

Nỗi buồn của già Nhưr

Sử thi của người Banar được người dân gọi theo tiếng địa phương là Hơmon, là hình thức sinh hoạt dân gian lưu truyền theo cách hát kể truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nội dung sử thi kể về những chiến công kỳ vĩ của các anh hùng dân tộc, liên quan đến những biến động lớn lao của cộng đồng trong lịch sử dưới hình thức những huyền thoại, cổ tích. Người diễn xướng sử thi là nông dân, các già làng lớn tuổi có trí nhớ và chất giọng đặc biệt; họ có thể hát kể trong nhiều giờ, hát từ đêm này qua đêm khác với nhiều câu chuyện nối tiếp nhau trong niềm đam mê kỳ lạ.

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Theo đó, trong danh mục 26 di sản văn hóa phi vật thể, Tây Nguyên có 4 đại diện đều thuộc loại hình ngữ văn dân gian-sử thi, là: Khan của người Ê Đê tỉnh Đak Lak; Ót Ndrong của người Mơ Nông tỉnh Đak Nông; Hơmon của người Bahnar Rơ Ngao tỉnh Kon Tum và Hơmon của người Banar tỉnh Gia Lai.Theo văn bản, sử thi Banar tỉnh Gia Lai hiện đang được phân bố tại các huyện: Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro. Chỉ còn 20 nghệ nhân còn thuộc và có thể diễn xướng được loại hình văn hóa phi vật thể này.

Đa số những người già Banar không biết viết chữ viết để lưu truyền vì thế nên những nghệ nhân chỉ biết “vận dụng” hết những gì có thể nhớ được để hát. Tôi xin mượn chữ “làn điệu dân ca” để nói lên cách mà những người già kể lại. Già làng Đinh A Nhưr (SN 1946, trú tại làng Klăh, xã Chư Glong, huyện Kông Chro, Gia Lai) cho biết: năm 1961 ông bắt đầu học Hơ mon từ người cha của mình. “Đêm đêm ở nhà rông, bên bếp lửa bập bùng ông nghe cha mình cũng với người già hát cho nhau nghe. Thấy thích Hơ mon nên ông cũng tập hát”. Những năm chiến tranh, khi ấy còn ở rừng, thấy mấy anh em người Banar hát Hơ mon cho nhau nghe, nhiều bộ đội thấy thích thú mặc dù không hiểu nhưng vẫn nằng nặc bắt tôi hát vì … nghe hay!

Chúng tôi hỏi ông Nhưr, thế bây giờ còn ai biết hát nữa không? Ông trả lời gọn lỏn: “Không!” Sao ít người biết hát như vậy? “Chết hết rồi!” Thế thanh niên có ai thích Hơ mon không? “Thanh niên ưng cái điện thoại, đi cái xe máy. Nghe cái nhạc xập xình thôi. Chúng nó có muốn nghe Hơ mon nữa đâu”. Thế ông chết rồi ai hát cho làng nghe? “Mình biết đâu!”

Ông A Như hiện không hát Hơ mon cách đây hơn 2 tháng rồi. “Vì không có ai nghe”. Đôi mắt của ông trầm lại khi chúng tôi hỏi có buồn không khi không còn ái biết Hơ mon nữa. Ước mơ của ông muốn kiếm tìm được người lưu truyền trong lòng đồng bào mình những bản “dân ca” Hơ mon. Để đêm đêm, giữa những những đại ngàn cao nguyên lộng gió, bên bếp lửa nhà rông vẫn còn người “hát cho đồng bào mình nghe”.

Sắp thất truyền?

Câu trả lời của ông Đinh A Nhưr cũng là nỗi buồn chung của những người làm công tác nghiên cứu Hơ mon. Và rải rác khắc các làng Banar nghèo khổ chỉ còn vỏn vẹn 20 “nghệ nhân” lớn tuổi còn sống. Ông Nguyễn Quang Tuệ - nhà nghiên cứu sử thi Banar ở Gia Lai- cho biết một nghiên cứu cho thấy từ khi được phát hiện (1980), lúc ấy Hơ mon của người Banar ở Gia Lai có hàng trăm nghệ nhân thuộc và biết diễn xướng nhưng đến năm 2015 này, số nghệ nhân còn sống chỉ còn vẻn vẹn 20 người. Họ đều là những người đã già 70- 80 tuổi. Sống trong cảnh nghèo khó ở các ngôi làng Banar.

Anh-2
Phóng viên Báo Giao thông trò chuyện với già Đinh A Nhưr- một trong 20 nghệ nhân diễn xướng Hơ mon ở Gia Lai.  

Những người yêu văn hóa cùng góp sức.

Dưới sự vận động của ông Nguyễn Quang Tuệ, hiện quỹ chung tay bảo tồn sử thi Bana ở Gia Lai đã thu nhận được sự chung tay của nhiều bạn trẻ, các tổ chức và cộng đồng yêu mến Hơmon Banar. Hàng tháng những người “tự nguyện” sẽ trực tiếp xuống nhà nghệ nhân thăm hỏi và “trả lương” 300 -600 ngàn đồng/tháng. Trong thời gian "hưởng lương”, nếu nghệ nhân qua đời thì thân nhân cũng sẽ được nhận 600 ngàn đồng tiền lo việc tang ma.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai - chua xót: “Những nghệ nhân sống trong trong hoàn cảnh bữa đói bữa no. Cơm đôi khi chỉ là cơm trắng với lá mì, muối. Sử thi được lưu trữ trong bộ nhớ của những con người đó, rất khó để truyền lại cho con cháu. Bởi vậy họ già, rồi chết đi một cách lặng lẽ mà đến nay chưa có sự vinh danh xứng đáng nào”.

Ông Nguyễn Quang Tuệ kể về người hát Hơ mon mà ông nhớ nhất trong những năm tháng rong ruổi điền giã về làng của mình: “Ở xã Yang Bắc, huyện Ðắk Pơ ai cũng kính trọng già làng Ðinh Păh. Ông là một nghệ nhân có trí nhớ siêu phàm và mê sử thi đến kỳ lạ. Từ bộ nhớ của ông đã có hàng ngàn trang sách được xuất bản. Rồi Păh bị bệnh, qua đời cũng là khoảnh khắc chấm dứt một cuộc đời hát kể sử thi. Đến khi già làng Ðinh Păh vẫn không được vinh danh, không được ai biết tới. Cái chết của ông cũng là cái chết của một bộ sử thi sống”.

Những bộ “sử thi sống” có thể hôm nay còn, nhưng ngày mai không còn gặp họ nữa. Họ chết rồi, chẳng còn người tiếp nối nữa. Và như thế, Hơ mon chôn cùng với nghệ nhân? Hơ mon có còn chăng chỉ còn trong những tập sách dày ngàn trang lưu trữ trong các viện bảo tàng, trong các công trình nghiên cứu, trong các tư liệu của những người nghiên cứu… Hay ở đâu đó tại một buổi diễn tái dựng trên sân khấu, chứ không còn ở các ngôi nhà rông…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.