Xã hội

Sự tuyệt vọng của barie

17/02/2017, 16:29

Những chiếc barie thể hiện sự tuyệt vọng trong quản lý và sự thất bại trong giáo dục công dân.

barie 1

Những chiếc barie gây tranh cãi tại T.P Hồ Chí Minh. Ảnh: Linh Hoàng

Những chiếc barie mọc trên các vỉa hè quận 1 - TP HCM trở thành câu chuyện bàn tán của dư luận, không phải vì thiên hạ nhìn việc gì của chính quyền cũng muốn phản biện, mà bản thân những chiếc barie đã chỉ ra khá nhiều “vấn đề”.

Có lẽ những người đưa ra sản phẩm độc đáo này đã nghĩ đây là giải pháp hay nhưng họ không ngờ rằng cuộc sống có những đòi hỏi gắt gao để thử thách tính bền vững và hữu hiệu của một giải pháp, nhất là khi liên quan đến quyền lợi của con người.

Số đông người dân không chịu chờ đánh giá hiệu quả của những chiếc barie đã phản ứng dữ dội khi cho rằng nó tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người già và trẻ nhỏ, người khuyết tật. Trong khi không ít trong số họ chưa từng thấy giữa những thanh barie khô cứng kia là lối đi đã được tính đủ cho chiếc xe lăn và những đối tượng không thể bước chân cao qua vạch chắn.

Về mặt mỹ quan, quả thật rất “đau con mắt” khi trên vỉa hè lại có những thanh chắn kim loại gác ngang. Du khách nước ngoài đau mắt thêm đau đầu suy nghĩ không biết gắn chúng để làm gì. Bởi lẽ, các nước văn minh không bao giờ có chuyện người ta lao xe lên phần đường dành cho người đi bộ. Với họ, đã là vỉa hè thì tuyệt đối không thể chạy xe.

Liên hệ đến nước ngoài một chút không phải vì sính ngoại, mà để chia sẻ với những người đưa ra “sáng kiến” barie. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người Việt Nam còn hạn chế, cho dù cấm chạy xe máy trên vỉa hè, nhưng chỉ cần thuận lợi cho mình người ta bất chấp.

Nhiều tuyến vỉa hè lát gạch rất đẹp, tốn kém không ít, nhưng chỉ một thời gian ngắn, xe máy phá nát. Những lúc bị ùn tắc, lề đường biến thành tuyến đường lưu thông của xe máy, không gạch lát nào chịu được. Mà Sài Gòn thì ngày nào chẳng kẹt xe, cho nên tiền Nhà nước bỏ ra lát vỉa hè trở thành những đống gạch vỡ vụn, nhưng không mấy ai xót thương cho chính đồng tiền thuế của mình.

Vậy thì, trách người đặt barie, nhưng liệu mỗi chúng ta có tự trách mình hay không? Công dân hay trách chính quyền cái gì không quản được thì cấm, nhưng trên thực tế có những cái phải cấm như một cách để quản.

Ví dụ, tuyên truyền, thậm chí lắp cả barie chặn xe máy rồi nhưng để đi nhanh hơn một chút, tiện cho mình hơn một chút, người ta vẫn bất chấp lách cả barie để đi. Cho nên, những chiếc barie đó thể hiện sự tuyệt vọng trong quản lý và sự thất bại trong giáo dục công dân.

Không ít ý kiến cho rằng, phải xử phạt thật nghiêm thì dân mới vào khuôn phép. Ngày 15/2, lực lượng CSGT và Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 (TP HCM) ra quân xử phạt hàng trăm người lái xe lên vỉa hè, nhưng liệu có đủ sức để ngày nào cũng ra quân hay không, và có đủ người để rải hết các tuyến đường hay không? Dự đoán là sau đợt ra quân rầm rộ này, mọi sự sẽ lại đâu vào đấy.

Ngoài các biện pháp hành chính, hoặc là biện pháp cấm bằng các vật cản như barie, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành các quy định công cộng và quy định pháp luật của mỗi người dân.

Xây dựng một xã hội có mặt bằng dân trí cao, có nền tảng văn hóa, không phải là tổ chức cho thật nhiều lễ hội và treo cho thật nhiều khẩu hiệu, mà chính là giáo dục cho công dân có những ứng xử đạt chuẩn mực của văn minh pháp luật. Một khi con người không tôn trọng pháp luật thì mọi chiếc barie đều vô ích.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.