Bên lề

“Sữa” đâu mà cho “bú”

11/04/2018, 13:05

Bữa gần đây, tôi có dịp ngồi với HLV Nguyễn Nam Hải trong một sự kiện của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam.

hop-bao

Bóng bàn Việt Nam có nhà tài trợ mới

So với vài năm trước, Nguyễn Nam Hải chững chạc hơn trông thấy. Nhưng trên mặt cựu danh thủ điển trai này cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn. Đương nhiên, công việc của HLV trưởng đội tuyển bóng bàn khiến anh chẳng có thời gian bận tâm tới điều này. Trong dòng cảm xúc rất thật về những khó khăn ở cái nghiệp đang theo đuổi, Nam Hải thốt lên một câu khiến tôi phải suy ngẫm: “Con khóc rồi nhưng mẹ đâu có sữa để cho bú”.

Anh kể tiếp: Trong những lần xuất ngoại thi đấu, tuyển bóng bàn có hai HLV đều kiêm luôn tất cả các vai trò như: Phiên dịch viên, dinh dưỡng viên, trưởng đoàn, trợ lý, bác sĩ... Ngược lại, bóng bàn Thái Lan đi đến đâu là tiền hô hậu ủng. Nhưng cuối cùng Thái Lan cũng chưa thể một lần lật đổ Singapore ở SEA Games.

Thực ra, trăn trở của HLV Nguyễn Nam Hải là nỗi lòng chung của các HLV, VĐV thể thao, những người đã và đang chịu nhiều thiệt thòi. Cô gái vàng điền kinh Tú Chinh lần nào đi thi đấu cũng chỉ có HLV Thanh Hương đồng hành, vừa huấn luyện, vừa chăm sóc rồi kiêm luôn bác sĩ tâm lý. Tại Olympic 2016, Tiến Minh và Vũ Thị Trang (khi đó sắp kết hôn) phải tự giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, tập luyện...

Thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách hàng năm hạn hẹp nên mỗi đồng đầu tư đều phải tính đi, tính lại. Xưa nay, tiêu chí tiết kiệm tối đa luôn được ngành Thể thao nêu cao. Trong hoàn cảnh như vậy, Thể thao Việt Nam vẫn đem về vô số vinh quang cho Tổ quốc ở các đấu trường quốc tế, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ HLV, VĐV.

Nhưng xét cho cùng, muốn thực sự bứt phá, thực sự chuyển mình, Thể thao Việt Nam không thể mãi trông chờ vào nội lực của mỗi VĐV. HLV Nguyễn Nam Hải cho rằng, tiềm năng của VĐV Việt Nam rất lớn nhưng cần những sự đầu tư chuyên biệt để tạo sự đột biến về mặt chuyên môn.

Ngân sách hạn chế, giật gấu vá vai thử hỏi lấy đâu ra tiền để đầu tư chuyên biệt? Cách duy nhất là xã hội hóa. Trường hợp của Lý Hoàng Nam có thể coi như một ví dụ điển hình. Nhờ được đầu tư hàng tỷ đồng mỗi năm từ Becamex, tay vợt quê Tây Ninh đã có những bước tiến lớn trong sự nghiệp và hiện đang đứng trong top 500 tay vợt xuất sắc nhất thế giới.

Thể thao Việt Nam cần thêm nhiều sự đầu tư như vậy, để thành công không phải là nhất thời, phải mang tính bền vững. Trách nhiệm ở đây thuộc về những nhà quản lý bởi khi bầu sữa ngân sách không đủ, họ cần tìm nguồn sống khác, để VĐV nuôi dưỡng tài năng và ước mơ vươn tầm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.