Hạ tầng

Sửa dứt điểm hằn lún tuyến tránh TP Vinh trước 31/12

13/10/2016, 07:25

Bằng việc đưa dây chuyền cào bóc tái chế bê tông nhựa nguội tiên tiến nhất thế giới, trị giá gần 2 triệu USD...

5

Trước 31/12, các vị trí hằn lún trên tuyến tránh TP Vinh sẽ được xử lý dứt điểm bằng công nghệ cào bóc tái chế nguội

Bằng việc đưa dây chuyền cào bóc tái chế bê tông nhựa (BTN) nguội tiên tiến nhất thế giới, trị giá gần 2 triệu USD vào thi công, CIENCO4 đã cơ bản khắc phục xong các điểm hằn lún trên QL1 đoạn Nam Bến Thuỷ - tránh TP Hà Tĩnh. Đơn vị này đang nỗ lực xử lý dứt điểm các vị trí hằn lún còn lại trên tuyến tránh TP Vinh xong trước ngày 31/12/2016.

Thay thế lớp bê tông nhựa cũ trên tuyến tránh Vinh

Thời gian qua, một số công trình nâng cấp, mở rộng QL1 xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe. Trong đó, dự án tuyến tránh TP Vinh và QL1 đoạn Nam Bến Thuỷ - tránh TP Hà Tĩnh do CIENCO4 làm nhà đầu tư theo hình thức BOT cũng gặp phải hiện tượng này. Với trách nhiệm bảo hành công trình, CIENCO4 đã phối hợp với nhiều chuyên gia đầu ngành, các trung tâm nghiên cứu về BTN truy tìm nguyên nhân để đưa ra giải pháp trị dứt điểm tình trạng hằn lún mặt đường.

Sau khi bắt được “bệnh”, tháng 10/2015, CIENCO4 đã đầu tư và đưa dây chuyền cào bóc tái chế BTN nguội theo công nghệ của CHLB Đức trị giá gần 2 triệu USD vào thi công, xử lý các vị trí bị hằn lún. Riêng, tuyến QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh có diện tích mặt đường bị hằn lún khoảng 65.000m2 đến nay đã cơ bản khắc phục xong bằng công nghệ cào bóc tái chế nguội.

Đối với tuyến tránh TP Vinh dài 25,8km từ phía Bắc thị trấn Quán Hành (Km 448+800) đến cầu Bến Thủy (Km 467+056, QL1), trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, tổng diện tích mặt đường bị hằn lún trên tuyến khoảng 96.000m2. “Các nhà thầu đã tiến hành xử lý bằng hai phương pháp, gồm bóc bỏ toàn bộ hai lớp BTN để thay thế bằng các lớp mới được 25.000m2 và xử lý bằng công nghệ cào bóc tái chế nguội 91.000m2. Hiện tại, trên tuyến còn khoảng 30.000m2 diện tích BTN cũ có dấu hiệu hằn lún, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị thi công thay thế toàn bộ bằng công nghệ cào bóc tái chế nguội, dự kiến trước ngày 31/12 sẽ hoàn thành”, ông Nghĩa nói.

Theo lãnh đạo CIENCO4, công nghệ cào bóc tái chế BTN nguội có ưu điểm vượt trội, giúp nâng cao cường độ mặt đường từ 140-160Mpa lên 260-300Mpa, đồng thời, tận dụng được toàn bộ phần vật liệu cũ giúp tiết kiệm chi phí. “Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ này sẽ rút ngắn được thời gian thi công, đảm bảo phương tiện lưu thông ngay trong ngày trên những đoạn vừa sửa chữa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Công nghệ mới trị hằn lún

Chiều 11/10, trực tiếp có mặt tại tuyến tránh TP Vinh và QL1 Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh, PV Báo Giao thông nhận thấy các vị trí hằn lún trên tuyến được xử lý bằng công nghệ cào bóc tái chế nguội đã không còn tái diễn hiện tượng hư hỏng, mặt đường êm thuận, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn. Tại Km6 theo lý trình của tuyến tránh TP Vinh, gần 20 công nhân, kỹ sư cùng hệ thống máy móc hiện đại đang cào bóc các đoạn mặt đường BTN cũ để xử lý, thay thế bằng công nghệ cào bóc tái chế nguội.

Qua hơn hai năm đưa vào sử dụng, tuyến tránh Vinh và QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh được nhà đầu tư vận hành và khai thác an toàn. Đặc biệt, dự án đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thúc đẩy phát triển KT - XH, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc, giảm thiểu các vụ TNGT cho khu vực phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh và phía Nam Nghệ An.

Công đoạn đầu tiên, đơn vị thi công tiến hành phủ một lớp xi măng lên những đoạn mặt đường hằn lún bằng xe rải định lượng với tỷ lệ được lập trình sẵn từ kết quả khảo sát, thí nghiệm. Sau đó, máy cào bóc tái chế nguội được kết nối trực tiếp với xe chở nước và nhựa đường nóng được đưa vào thi công. Tiếp đến, hệ thống răng cào của máy cào bóc tiến hành đào xới mặt đường hư hỏng từ 12-16cm, phần cấp phối này được trộn trực tiếp với chất gia cố gồm xi măng, nước và nhựa đường.

Phần hỗn hợp tái sinh được máy cào bóc hoàn trả xuống mặt đường và được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống điện tử. Kế đến, máy lu chân cừu được đưa vào để tạo độ chặt cho hỗn hợp, rồi máy gạt được huy động để tiến hành tạo phẳng bề mặt, riêng một số điểm còn lồi lõm sẽ được công nhân bù phụ bằng phương pháp thủ công. Tiếp theo, máy lu rung bánh trơn được đưa vào lu từ 12-16 lượt/điểm để tạo độ chặt cho hỗn hợp tái sinh, những điểm xuất hiện tình trạng khô sẽ được tưới nước để kéo kín bề mặt. Cuối cùng, máy lu rung bánh lốp và lu rung bánh trơn chạy song song để lu chặt hoàn thiện mặt đường. Chỉ trong thời gian ngắn, 200m đường bị hằn lún tại đây đã được xử lý dứt điểm, mặt đường êm thuận, các xe lưu thông được ngay qua những đoạn vừa sửa chữa.

Trong khi đó, trên tuyến QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh, tại Km485 - Km 487+220 QL1, dưới sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ của các chuyên gia Ấn Độ, đơn vị thi công của Công ty Elsamex (Tây Ban Nha) đang tiến hành rải thảm lớp phủ mỏng trên đoạn mặt đường đã được xử lý cào bóc tái chế nguội bằng công nghệ Micro Surfacing. Chưa đến 10 phút, hơn 100m mặt đường đã được hệ thống máy chuyên dụng hiện đại phủ kín một lớp hỗn hợp dày khoảng 8-10mm.

Ông Lê Minh Hoàng, chuyên gia của Công ty Elsamex nói: “Micro Surfacing là công nghệ tiên tiến được các nước trên thế giới áp dụng trong công tác bảo trì mặt đường. Công nghệ này sử dụng vật liệu gồm đá dăm, bột khoáng, nhũ tương, chất phụ gia được tự động cân đong theo đúng tỷ lệ thiết kế. Sau đó, hỗn hợp được đưa vào thùng trộn và được rải trên mặt đường bê tông nhựa với chiều dày thích hợp qua tốc độ di chuyển của thiết bị chuyên dụng”.

Chia sẻ thêm, ông Ngô Trọng Nghĩa cho biết, công nghệ Micro Surfacing có nhiều ưu điểm như tăng khả năng kháng trượt mặt đường, cải thiện độ gồ ghề và hằn lún của mặt đường, ngăn nước xâm nhập vào kết cấu của lớp BTN đã cào bóc tái chế… “Thời gian thi công của công nghệ này rất nhanh, chỉ sau hai tiếng, phương tiện có thể đi qua đoạn vừa sửa chữa. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ Micro Surfacing, giá thành chỉ bằng một nửa so với biện pháp thảm thêm một lớp BTN lên trên. Các đoạn rải thử bằng Micro Surfacing từ tháng 6/2016 đến nay mặt đường đều ổn định, hiện tượng hằn lún không xuất hiện trở lại”, ông Nghĩa nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.