Bất động sản

Sửa Luật Đất đai, siết "chiêu trò" hợp tác, thâu tóm đất "vàng"

30/06/2022, 07:24

Trong khi quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm, nền nhà xưởng, nhà máy nằm trong lõi trung tâm là miếng pho mai được săn lùng.

Hợp tác không qua đấu giá

Ban Chấp hành trung ương vừa ban hành Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Trong các nhiệm vụ được đề ra, có việc hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đảm bảo nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Theo đó, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là một trong những nội dung đang được dư luận quan tâm trước bối cảnh loạt doanh nghiệp bắt tay "lách luật" thâu tóm đất "vàng". Loạt đất nền nhà máy, nhà xưởng "biến" thành dự án nhà ở không thông qua đấu giá, đấu thầu.

Đơn cử như trên địa bàn quận Cầu Giấy, khu đất số 122-124 đường Xuân Thủy, diện tích 38.545m2 vốn là bãi đỗ xe Bus. Khu vực này được khá nhiều người đến thủ đô quan tâm. Bởi 5-7 năm trở về trước, điều khác biệt nhất đối với người ngoại tỉnh đến thủ đô mới có xe bus đẹp, chi phí rẻ. Không như những tuyến xe khách cũ kỹ, vé đắt đỏ như những tuyến xe khách đường dài.

img

Mipec Rubik 360, 122-124 đường Xuân Thủy "mọc" lên từ nền bãi xe bus

Nhưng năm 2019, bãi đỗ này được tháo dỡ, thay thế vào đó là Dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán (tên thương mại Mipec Rubik 360) trước sự ngỡ ngàng của người qua đường. Đáng nói, chủ đầu tư dự án là pháp nhân mới, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy, được thành lập trước đó không lâu với cái "bắt tay" của 3 ông lớn, trong đó có Công ty Cổ phần Hóa Dầu Quân đội (Mipec), cũng là tên dự án ngày nay "Mipec Rubik 360".

Tương tự, khu đất Nhà máy bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên) rộng khoảng 2,6 ha là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An. Sau khi hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu - GP Invest, khu đất tại số 1 Phùng Chí Kiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex gồm 2 tòa chung cư cao 23 - 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villas, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376 m2…

Hay 3,7 ha đất tại số 90 Nguyễn Tuân, tiền thân cũng là xí nghiệp xe bus, sau những cái "bắt tay", diện tích đất trên đã "biến" thành dự án nhà ở gồm 87 nhà thấp tầng, 2 tòa nhà cao 29 tầng. Ngoài ra còn rất nhiều dự án tương tự khác. Một những đặc điểm chung của các dự án là đã "thoát" khâu đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thấu thầu dự án có sử dụng đất.

Thất thu hàng nghìn tỷ

Đáng nói, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp thâu tóm đất "vàng" không phải là mới. Nó đã được nhiều cơ quan chức năng phát hiện. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật đang còn khe hở, dẫn đến thất thu ngân sách.

Cụ thể thông báo kết luận thanh tra về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội giai đoạn 2013-2016.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Điệp, Uỷ viên ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hoàn toàn đồng tình với chủ trương giao đất thông qua đấu giá, đấu thầu. Đặc biệt là việc giao đất nhà máy, nhà xưởng nội đô di dời.

Theo ông Điệp, nhà nước cần tổ chức thẩm định, thu hồi và tổ chức đấu giá, đấu thầu. Khoản tài chính thu được từ việc đấu thầu các nhà xưởng, nhà máy nội đô sẽ được trả lại một phần cho chủ sở hữu, đảm bảo đủ chi phí vận hành. Phần dôi dư trả lại cho ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ đã từng phát hiện, Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên danh, thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Theo Thanh tra Chính phủ, những dự án không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thoả thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp. Khoản tài chính thất thoát được phát hiện ở các dự án liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 4.000 tỷ. Trong đó tiền thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp do một số nhà đầu tư là 49 tỷ.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.