Thời sự

Sửa Luật Ngân sách để giảm "xin, cho"

03/10/2014, 09:41

Ngày 2/10, Thường vụ QH đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ về dự án luật này chỉ ra một số tồn tại của luật hiện hành...

img

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, một trong những hạn chế hiện nay là vấn đề liên quan đến bổ sung có mục tiêu từ Ngân sách trung ương (NSTƯ) cho Ngân sách địa phương (NSĐP) chưa được quy định đầy đủ, cụ thể các tiêu chí cho từng mục tiêu được NSTƯ hỗ trợ, tạo cơ chế “xin - cho”. Từ đó, dẫn đến vai trò chủ đạo của NSTƯ bị ảnh hưởng do phải đáp ứng các yêu cầu chi bổ sung có mục tiêu ngày càng tăng của NSĐP.

Hệ quả là các khoản bổ sung vốn đầu tư có mục tiêu thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm tăng nhanh và có xu hướng lớn hơn số chi đầu tư trong cân đối NSĐP. Có những dự án NSTƯ bổ sung cho NSĐP với mức thấp dẫn tới mất chủ động cho NSĐP, địa phương trông chờ ỷ lại ngân sách cấp trên.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, yêu cầu quan trọng nhất trong việc sửa đổi Luật NSNN là phải bảo đảm thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Dự thảo Luật thì một số định hướng quan trọng trong Hiến pháp chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, cần rà soát, bổ sung, cụ thể là làm rõ NSNN là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTƯ, thể hiện rõ nhiệm vụ chi của NSTƯ gắn với nhiệm vụ chi Quốc gia.

Ngoài ra, phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp ngân sách giữa T.Ư và địa phương, theo đó, xác định rõ phạm vi nhiệm vụ của QH và HĐND trong việc quyết định dự toán NSNN, tránh trùng lắp và hình thức.

Bên cạnh đó, tăng cường các quy định về nâng cao kỷ luật chi, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách, đặc biệt là về chi NSNN cần tuân thủ và cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp: các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định (Điều 55 của Hiến pháp).

Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, luật phải đảm bảo công khai, minh bạch, bớt xin - cho. “Cái lớn nhất của Luật Ngân sách là phải bám Hiến pháp. Ngân sách của ta không phải ngân sách liên bang, không phải có chi tiêu riêng.

Ngân sách của ta là ngân sách thống nhất, không thể là 63 tỉnh có 63 cái ngân sách mà các vùng, miền hỗ trợ nhau”, Chủ tịch QH cho rằng, quyền lực để quyết định ngân sách là QH và việc này phải làm rõ. Giám sát việc thực thi ngân sách là của QH, tổ chức thực hiện ngân sách là Chính phủ.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.