Vận tải

Sửa Nghị định 86 chặn xe hợp đồng trá hình

04/03/2016, 05:24

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86 sẽ được lấy ý kiến rộng rãi hơn.

1

Thanh tra GTVT Thừa Thiên - Huế xử lý xe HAV Travel, xe hợp đồng nhưng chạy tuyến cố định Huế - Đà Nẵng - Ảnh: Xuân Huy

Tại Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô diễn ra  gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86 sẽ được lấy ý kiến rộng rãi hơn. Các quy định về quản lý xe hợp đồng, Limousine làm nóng dư luận thời gian qua sẽ được đặc biệt chú ý.

Xáo trộn thị trường vận tải

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc sửa đổi Nghị định 86 lần này dứt khoát sẽ đưa ra được cách xử lý xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định vì việc này đã diễn ra quá lâu rồi. “Cần phải có biện pháp quản lý chặt loại hình này nếu không sẽ gây xáo trộn thị trường vận tải, gây mất ATGT”, bà Hiền nói.

Cho biết về tình trạng xe Limousine núp bóng hợp đồng chạy tuyến cố định, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Đang có một số đơn vị đầu tư xe Limousine dưới 10 chỗ chạy như xe tuyến cố định. Điển hình như nhà xe Sao Việt chạy từ Hà Nội lên Lào Cai. Do là xe dưới 10 chỗ nên họ không phải gửi thông tin hợp đồng về Sở GTVT (quy định đang áp dụng với xe từ 10 chỗ trở lên). Vì vậy, khi sửa Nghị định số 86 cần có quy định, xe từ 8 chỗ trở lên cũng phải gửi thông tin hợp đồng về Sở”.

"Để quản lý loại phương tiện xe du lịch, xe hợp đồng, Limousine, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đưa ra các tiêu chí theo hướng tách bạch, rạch ròi các loại hình vận tải, không để xe chạy trá hình như hiện nay”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Lê Đình Thọ

Đại diện cho địa phương được coi là rất “nóng” về tình trạng núp bóng xe hợp đồng chạy tuyến cố định đang hoành hành trên tuyến Hà Nội - Lào Cai, ông Phạm Tiến Quỳnh, Trưởng phòng Vận tải và Quản lý phương tiện người lái (Sở GTVT Lào Cai) cho biết, đang có tình trạng xe hợp đồng sử dụng danh sách hành khách khống rồi sau đó bắt khách dọc đường và điền vào hợp đồng vận chuyển để đối phó lực lượng chức năng. Để giải quyết tình trạng này, ông Quỳnh đề xuất quy định xe khách hợp đồng phải mang bản hợp đồng in sẵn chứ không được viết tay để điền tên hành khách sau khi bắt khách dọc đường.

“Từ sáng đến giờ tôi nhận được nhiều phản ánh về tình trạng xe hợp đồng trá hình nhưng toàn là xe của tỉnh khác. Đối với xe hợp đồng, theo tôi cần yêu cầu có thêm thông báo trước về hành trình, địa điểm đón khách, danh sách hợp đồng phải chuyển về Sở GTVT trước khi xuất phát. Không thể có tình trạng 8h xe chạy nhưng 9h mới gửi. Lúc đó, họ bắt khách dọc đường và hợp thức hợp đồng xong rồi”, ông Quỳnh đề xuất.

Sau phần phát biểu của ông Quỳnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lập tức đặt câu hỏi: “Sở GTVT Lào Cai có mấy cán bộ quản lý vận tải?” Trả lời Thứ trưởng Thọ, ông Quỳnh cho biết: “Chỉ có một người”.

“Chỉ một người làm sao tổ chức được. Vận tải của Lào Cai lung tung, lộn xộn là đúng. Lên Lào Cai giờ đủ các thành phần lưu thông trên đường, từ xe hợp đồng, xe tuyến cố định, xe trung chuyển... nhưng vấn đề tổ chức, quản lý vận tải không làm được. Tôi đề nghị Tổng cục đường bộ VN nghiên cứu kỹ về Lào Cai để có giải pháp cụ thể khắc phục vấn đề này”, Thứ trưởng Thọ yêu cầu.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cũng kiến nghị không cho phép các đơn vị kinh doanh xe hợp đồng đặt chi nhánh, văn phòng và bán vé. Khi hoạt động phải công bố cả chiều đi - chiều về để tránh việc chạy trá hình.

2
Những xe hợp đồng đang đậu chờ đón khách trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP HCM

Hàng loạt bất cập phát sinh

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, việc sửa Nghị định 86 lần này sẽ chặt chẽ, bài bản và được lấy ý kiến rộng rãi hơn. Có thể sẽ lấy ý kiến 2 lần, trên tinh thần lấy được càng nhiều ý kiến càng tốt.

Đánh giá việc thực hiện Nghị định 86, bà Phan Thị Thu Hiền nêu 11 bất cập trong quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như: Quy định bắt buộc phải có người điều hành vận tải mới được cấp giấy phép kinh doanh tuyến cố định. Tuy nhiên, thực tế, đa số các hộ kinh doanh vận tải có số lượng phương tiện nhỏ hơn 3 xe và thông thường chủ hộ kinh doanh vận tải đồng thời là chủ xe. Vì vậy, các chủ hộ kinh doanh vận tải tìm mọi cách để hợp thức hoá khi làm hồ sơ.

Cùng đó là một loạt các vấn đề phát sinh bất cập khác như: cách tính niên hạn taxi; quy định bỏ chấp thuận khai thác tuyến, điều chỉnh tần suất chạy xe; có nên tiếp tục quy định việc đóng BHXH và BHYT cho lái xe hay không? Khi đã có thiết bị giám sát hành trình có nên bỏ quy định xe taxi phải có thiết bị in hoá đơn?…

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện người lái (Sở GTVT Ninh Bình) đề xuất cần quy định khoảng cách tối đa để hành khách đi xe buýt không phải đứng trên một quãng đường quá dài, vì thực tế hiện nay có những tuyến buýt có cự ly đến 200km.

Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên cho biết, hiện nay quy định bắt buộc phải đóng bảo hiểm cho lái xe trong khi đa số lái xe thay đổi nơi làm việc liên tục, thậm chí nhiều người 40 - 50 tuổi mới vào lái xe nên nếu có nộp BHXH cho họ cũng không đủ thời gian cần thiết để được hưởng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.