Thị trường

Sữa vẫn "án binh bất động" chờ giá trần

07/05/2014, 07:14

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi áp dụng biện pháp áp trần giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có thể giúp giá sữa giảm từ 50.000 - 70.000 đồng/hộp.

Người tiêu dùng đang kỳ vọng giá sữa sẽ giảm mạnh sau khi được áp trần
Người tiêu dùng đang kỳ vọng giá sữa sẽ giảm mạnh sau khi được áp trần

“Án binh bất động”


Ngày 6/5, khảo sát hàng loạt siêu thị, cửa hàng kinh doanh sữa trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy giá sữa vẫn giữ nguyên như hồi tháng 4. Chị Hường, chủ đại lý Hải Hường (phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho hay, chị không quan tâm nhiều đến việc áp trần giá sữa, vì giá các công ty sữa giao cao thì bán cao, giao thấp thì bán thấp. “Sữa là sản phẩm thiết yếu liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng, nhất là trẻ nhỏ, nên mọi lần công ty sữa tăng giá, tôi thấy sức mua cũng vẫn ổn định, nên giá có tăng giảm hay áp trần cũng không ảnh hưởng nhiều đến đại lý. Hiện chúng tôi chưa thấy phía giao hàng thông báo giảm giá”, chị Hường cho biết.
 

"Chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị chiếm tới hơn 20% giá bán sữa là không thể chấp nhận được. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát kỹ các chi phí cấu thành giá sữa, từ giá nguyên liệu đầu vào, mức chiết khấu cho đại lý, chi phí quảng cáo, khuyến mãi... để đưa giá sữa về mức hợp lý. Doanh nghiệp sữa cần công khai bảng tính giá các loại sữa để người tiêu dùng giám sát”.

 

TS. Ngô Trí Long 
Nguyên Viện phó

Viện Nghiên cứu thị trường giá cả

Theo cô Lan, chủ đại lý Diệu Linh trên phố Trần Cung, tới thời điểm này cũng chưa thấy đầu mối giao sữa thông tin về việc giảm giá. “Giá tăng thì họ còn rục rịch báo trước để mình tăng số lượng nhập, chuẩn bị sẵn tiền trả hàng, chứ giá giảm thì họ chả vội, vì sợ đại lý ngưng nhập hàng”, cô Lan nhận định.

Hầu hết các hãng sữa cũng đều “án binh bất động” với chủ trương áp trần sắp được triển khai. Chiều 5/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Nhán - Phó Tổng giám đốc Công ty Sữa Mộc Châu cho hay, Công ty hiện không có kế hoạch thay đổi giá bán và “bao giờ Bộ Tài chính đưa ra mức giá trần cụ thể hẵng hay”. Ông Đỗ Thanh Tuấn - Trưởng ban Đối ngoại của Vinamilk cũng cho biết, khi có quyết định chính thức về mức giá trần cho sữa, Vinamilk sẵn sàng chấp hành và lúc đó mới tính toán tới giá bán cụ thể. Tương tự, theo ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Truyền thông đối ngoại của Nestle Việt Nam, Bộ Tài chính chưa đưa ra mức giá trần cụ thể thì hãng chưa có kế hoạch thay đổi giá bán. Đại diện Công ty Friesland Campina Việt Nam cũng cho rằng, bao giờ có kế hoạch cụ thể về giá trần sữa mới có thể có phương án tính toán cụ thể.

Người tiêu dùng vẫn bị móc túi


Trong lúc chờ đợi Bộ Tài chính đưa ra mức giá trần cho sữa (dự kiến trong tháng 5 này) để giá sữa giảm 50.000 - 70.000 đồng/hộp như tính toán của Bộ Tài chính, người tiêu dùng vẫn đang phải chịu giá sữa “neo” ở mức cao và vênh nhau từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/hộp. Như cùng một hộp sữa Abbott Grow số 3 loại thường, trọng lượng 900gr, ở siêu thị Cầu Giấy Mart, Ocean Mart là 328.000 - 332.000 đồng/hộp, tại siêu thị Metro Thăng Long là 308.000 đồng/hộp, còn tại đại lý sữa trên đường Trần Cung lại chỉ có 295.000 - 298.000 đồng/hộp. Một hộp sữa Dutch Lady 4, 5, 6 loại 900 gr ở siêu thị Metro có giá 171.000 đồng/hộp, nhưng tại đại lý Hải Hường chỉ có 168.000 đồng/hộp... 


Cô Lan cho biết, các mặt hàng sữa tại đại lý Diệu Linh chỉ bán xấp xỉ, bằng hoặc nhỉnh hơn vài ngàn so với giá nhập, bởi bán lẻ sữa chủ yếu trông đợi vào tiền hỗ trợ bảng biểu, trưng bày hàng hóa, quà khuyến mãi... Được biết, với các đại lý sữa lớn, mỗi hãng sữa sẽ đặt một tủ trưng bày cho khoảng 100 - 200 lon sữa của hãng và trả tiền hàng tháng cho phần trưng bày này. Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi của hãng sữa cũng thường xuyên được áp dụng với những phần quà khá giá trị, như bán một thùng sữa tươi được một lốc sữa tươi, bán một thùng sữa bột được balo, xe đạp, nồi cơm điện... 


Mặc dù các đại lý khẳng định không thu lời từ tiền bán sữa, nhưng rõ ràng họ vẫn thu lợi nhuận từ kinh doanh sữa và tất cả các chi phí này đều được hãng sữa tính vào giá bán. Trong báo cáo kết quả thanh tra các hãng sữa mà Bộ Tài chính công bố cuối tháng 4, chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị của các hãng sữa đều vượt mức quy định và làm tăng giá bán sữa thêm 2,18 - 16,39%, điển hình như chi phí quảng cáo, khuyến mãi của Công ty sữa Việt Nam chiếm tới 21% giá thành sữa. Như vậy, khi lợi nhuận từ kinh doanh sữa chạy lòng vòng sang các phần khuyến mãi, hỗ trợ, thì người tiêu dùng bị rơi vào “mê hồn trận” giá sữa và dễ bị thiệt thòi.

Quỳnh Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.