Hạ tầng

Suất đầu tư Cảng hàng không Long Thành cao hay thấp?

02/11/2020, 10:00

Dư luận đang quan tâm, suất đầu tư sân bay lớn nhất Việt Nam này cao hay thấp so với khu vực và thế giới.

img
Phối cảnh CHK quốc tế Long Thành

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan đến suất vốn đầu tư CHK quốc tế Long Thành. Dư luận đang quan tâm, suất đầu tư sân bay lớn nhất Việt Nam này cao hay thấp so với khu vực và thế giới.

Suất đầu tư toàn dự án khoảng 160,3 triệu USD/1 triệu hành khách

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án CHK quốc tế Long Thành có suất đầu tư 4.664,89 triệu USD/25 triệu hành khách, tương đương khoảng 186,59 triệu USD/1 triệu hành khách.

“Tổng mức đầu tư dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành được lập theo đúng quy định tại Nghị định 68 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng”, Bộ trưởng Dũng thông tin.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, Nghị quyết 94/2015/QH13 của Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành có quy mô 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD).

Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Như vậy, suất vốn đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 160,3 triệu USD/1 triệu hành khách; suất vốn đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 218 triệu USD/1 triệu hành khách.

Cũng tại báo cáo thẩm định dự án, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã nêu suất vốn đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 thuộc nhóm ngưỡng cao của các CHK trên thế giới đã đầu tư và lưu ý trong giai đoạn tiếp theo, sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT và chủ đầu tư các dự án thành phần chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật và xác định chi phí, tổng mức đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư và hiệu quả đầu tư.

Suất đầu tư cao, thấp thế nào so với thế giới?

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia hàng không cho hay, việc so sánh tổng mức đầu tư giữa các dự án chỉ mang tính tham khảo, do thời điểm xây dựng, mức độ áp dụng công nghệ, quy trình vận hành, khai thác tại mỗi dự án khác nhau.

Cùng đó, các chính sách về thuế, nhập khẩu trang thiết bị, các điều kiện thị trường liên quan đến lãi suất, chi phí nhân công, máy móc, nguyên vật liệu tại địa phương đều có ảnh hưởng tới chi phí đầu tư xây dựng.

Tổng mức đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành đã được tư vấn thẩm tra xác định theo đúng quy định, suất vốn đầu tư cũng được so sánh, đánh giá với các cảng hàng không quốc tế trên thế giới và bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư như ý kiến chỉ đạo của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng


Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của CHK quốc tế Long Thành đã tính đến nhiều hạng mục hạ tầng cơ bản phục vụ chung cho nhiều giai đoạn nhưng được triển khai đồng bộ ngay từ giai đoạn 1 như đường giao thông kết nối, các công trình quản lý bay của VATM; hệ thống điện - nước - thoát nước - viễn thông - xử lý chất thải.

Thông tin thêm, ông Thanh nói: “Quy mô dự án CHK quốc tế Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm 4 đường cất/hạ cánh (tức 2 cặp đường cất/hạ cánh), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư 16,03 tỷ USD.

Nếu trừ chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư, phần đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 15 tỷ USD. Tính riêng giai đoạn 1, với các giải pháp xây dựng và công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn hiện đại của thế giới đang được áp dụng tại Changi T4, Incheon T2, New Istanbul, Charles de Gaulle, tổng mức đầu tư là hơn 4,664 tỷ USD”.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách của sân bay Long Thành tương đương với suất đầu tư của các sân bay lớn khác.

Cụ thể, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) giai đoạn 1 (vận hành khai thác từ tháng 9/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD cho công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách.

Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) được xây dựng năm 2015 công suất phục vụ hành khách đạt 90 triệu hành khách/năm có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD. Quy đổi với công suất hành khách 100 triệu, tổng mức đầu tư sẽ là 13,33 tỷ USD. Nếu tính thêm trượt giá (tỷ lệ trượt giá 2%/năm theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chi phí đầu tư tại thời điểm năm 2019 là 14,93 tỷ USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.