Giao thông

Suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam đắt hay rẻ?

13/06/2017, 06:00

Suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam với đường 4 làn xe là 102 tỷ đồng/km, 6 làn xe là 134 tỷ đồng/km.

1

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Tạ Tôn

Sau khi trừ chi phí cầu, hầm trên tuyến, chi phí GPMB… theo tính toán, suất đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đối với đường 4 làn xe là 102 tỷ đồng/km và 6 làn xe là 134 tỷ đồng/km. Con số này thấp hơn so với số liệu của Bộ Xây dựng công bố và suất đầu tư đường cao tốc của nhiều nước trong khu vực.

Chi phí xây dựng cao tốc 4 làn xe chỉ 102 tỷ đồng/km

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua 16 tỉnh, thành phố với chiều dài 1.372km. Qua tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn bộ dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng bao gồm: Giai đoạn 1 (2017 - 2025) khoảng 243.312 tỷ đồng, trong đó ưu tiên 1 (2017 - 2020) khoảng 130.216 tỷ đồng, ưu tiên 2 (2021 - 2025) khoảng 113.096 tỷ đồng; giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 69.123 tỷ đồng.

Trước thông tin này, một số cơ quan truyền thông cho rằng, suất đầu tư bình quân dự án cao tốc Bắc - Nam (215 tỷ đồng/km, tương đương 9,5 triệu USD/km) là quá cao. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI - tư vấn lập dự án) khẳng định: “Suất đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam là phù hợp, có xu hướng thấp hơn so với suất đầu tư đường cao tốc của Bộ Xây dựng công bố và suất đầu tư của các nước trong khu vực và trên thế giới”.

Theo ông Sơn, tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam được lập trên cơ sở các nghiên cứu của các dự án thành phần. Trong đó, các dự án đã được nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi với chiều dài 1.001km (chiếm 72,9%). “Phần lớn dự án đã được nghiên cứu chi tiết, việc lập tổng mức đầu tư đã bám sát vào định mức của Bộ Xây dựng và các quy định hiện hành”, ông Sơn nói và cho biết, theo Quyết định 1161 ngày 15/10/2015 của Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư của đường cao tốc 4 làn xe khoảng hơn 131 tỷ đồng/km, 6 làn xe khoảng 200 tỷ đồng/km (chưa bao gồm các chi phí cầu, hầm trên tuyến, chi phí thiết bị, chi phí GPMB, chi phí xử lý nền đất yếu và lãi vay).

Đối với cao tốc Bắc - Nam, tổng mức đầu tư dự án khoảng 312.435 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay) cho 1.372km đường cao tốc quy mô theo quy hoạch, trong đó 739km đường cao tốc quy mô 4 làn và 633km đường cao tốc quy mô 6 làn. Suất đầu tư bình quân cho đường cao tốc 4-6 làn xe đã trừ phần lãi vay theo hình thức hợp đồng BOT là 215 tỷ đồng/km. Với suất đầu tư trên có xu hướng thấp hơn suất đầu tư của các nước trong khu vực. Cụ thể, Trung Quốc (cao tốc 4 làn xe: 7,8-13,9 triệu USD/km; 6 làn xe: 10,5-12,3 triệu USD/km), Hàn Quốc (cao tốc 4 làn xe: 24,3 triệu USD/km), Áo (cao tốc 6 làn xe: 16,7 triệu USD/km)…

Theo ông Sơn, so với công bố của Bộ Xây dựng tại Quyết định 1161 ngày 15/10/2015, sau khi trừ chi phí cầu, hầm trên tuyến, chi phí thiết bị, chi phí GPMB, chi phí xử lý nền đất yếu và lãi vay, suất đầu tư của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam khoảng 102 tỷ đồng/km (4 làn xe) và 134 tỷ đồng/km (6 làn xe). “Chi phí suất đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phù hợp và có xu hướng thấp hơn suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng”, ông Sơn khẳng định.

2

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Tạ Tôn

Phân kỳ đầu tư, đảm bảo quy mô phù hợp

Liên quan đến phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, dự án có quy mô rất lớn nên không khả thi để kêu gọi đầu tư như một dự án duy nhất. Ngoài ra, tiến độ đầu tư từng đoạn tuyến là khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu vận tải. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị chia dự án thành 20 dự án thành phần vận hành độc lập để đầu tư với các hình thức khác nhau phù hợp theo nguyên tắc: Các dự án hoàn thành có thể đưa vào khai thác độc lập, kết nối được với hệ thống; Quy mô dự án không quá lớn để có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và điều kiện đặc thù của từng dự án thành phần. Công tác GPMB tách thành các dự án thành phần theo địa phận các tỉnh, thành phố và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT xây dựng phương án đầu tư dự án theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2017 - 2025) và giai đoạn 2 (sau năm 2025). Trong giai đoạn 1 gồm: Ưu tiên 1 (2017 - 2020) và ưu tiên 2 (2021 - 2025). Cụ thể, ưu tiên 1 (2017 - 2020), dự án được tiến hành đầu tư đầu tư xây dựng với chiều dài khoảng 713km. Trong đó, chiều dài các đoạn cao tốc được xây dựng mới khoảng  632km, quy mô 4 làn xe gồm: Mai Sơn - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Dầu Giây. Đồng thời, dự án tiến hành mở rộng khoảng 81km từ quy mô 2 làn xe thành 4 làn xe thuộc các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và La Sơn - Túy Loan. Tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng, trong đó, phần vốn Nhà nước hỗ trợ là 55.000 tỷ đồng và phần vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay) khoảng 63.716 tỷ đồng.

3

 

Ưu tiên 2 (2021 - 2025), dự án sẽ đầu tư xây dựng các đoạn còn lại (khoảng 659km) để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, gồm 9 dự án thành phần thuộc các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ và Quảng Ngãi - Nha Trang. Tổng mức đầu tư khoảng 113.096 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 56.955 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay) khoảng 56.141 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (sau năm 2025), dự án sẽ thực hiện mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt, căn cứ vào nhu cầu vận tải sẽ quyết định cụ thể thời điểm đầu tư, phương án đầu tư và nguồn vốn.

Về hình thức đầu tư, theo Bộ GTVT, các đoạn Mai Sơn - Bãi Vọt và đoạn Nha Trang - Dầu Giây đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng dự án là BOT. Các đoạn Cam Lộ - La Sơn; mở rộng quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe đoạn La Sơn - Túy Loan và đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đầu tư theo hình thức đầu tư công. “Các đoạn đầu tư theo hình thức đầu tư công sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ xem xét xây dựng phương án nhượng quyền để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các đoạn tiếp theo”, ông Huy cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.