Hạ tầng

Suất đầu tư hai cao tốc "cửa ngõ" Hà Nội khác nhau, vì sao?

07/06/2018, 10:44

Suất đầu tư cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và Cầu Giẽ-Ninh Bình được dư luận đặc biệt quan tâm trên mạng xã hội.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình làm mới nhưng chủ yếu

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình làm mới nhưng chủ yếu đi qua khu vực đất ruộng nên chi phí GPMB không cao như đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ

Rất nhiều độc giả đặt câu hỏi: Vì sao suất đầu tư tuyến cao tốc được làm trên nền đường cũ (Pháp Vân - Cầu Giẽ) lại cao hơn nhiều so với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình?

So sánh khập khiễng

“Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29km, tổng mức đầu tư: 6.731 tỷ đồng, tính ra suất đầu tư khoảng 232 tỷ đồng/km. Trong khi tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km, tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 179 tỷ đồng/km. Chúng tôi cần lời giải thích từ cơ quan chức năng vì sao lại có chuyện như vậy? Một tuyến đường làm trên nền đường cũ lại có suất đầu tư cao hơn nhiều so với tuyến đường làm mới, trong khi cùng quy mô, hướng tuyến”, một người đặt câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, tổng mức đầu tư của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ 6.731 tỷ đồng chỉ là số liệu khái toán, không phải là giá trị thực tế đầu tư vào công trình. “Chỉ khi nào có số liệu quyết toán mới xác định được chính thức chi phí đầu tư của dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ”, ông Khôi nói.

Theo ông Khôi, tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là kinh phí dự tính của dự án làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình, không phải giá trị đầu tư thực tế của dự án. “Trong cơ cấu tổng mức đầu tư bao giờ cũng có phần chi phí dự phòng, gồm dự phòng về trượt giá và dự phòng khối lượng”, ông Khôi nói và cho biết, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được triển khai xây dựng từ tháng 7/2014, khi đó chi phí dự phòng của dự án được cập nhật trong các năm 2010-2012 là khoảng thời gian đỉnh điểm của “bão giá” nên chi phí dự phòng trượt giá của dự án được tính toán lên tới 15%. Tuy nhiên, thực tế, trong quá trình triển khai xây dựng, phần dự phòng trượt giá rất thấp nhờ sự điều hành tốt kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

“Giai đoạn 1, nâng cấp lên 4 làn xe đã hoàn thành, chúng tôi còn dư khoảng 500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự kiến (1.900 tỷ đồng). Sau khi kết thúc giai đoạn 2, theo dự kiến dự án còn dư ra hơn 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu”, ông Khôi nói và cho biết thêm, trong tổng mức đầu tư của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ làm bằng hình thức BOT nên gồm phần lãi vay ngân hàng khoảng trên 10%/năm, trong khi đối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách và vốn phát hành trái phiếu công trình của doanh nghiệp nên phần chi phí lãi vay gần như không đáng kể.

Về công tác đền bù GPMB, ông Khôi cho biết, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mở rộng trên nền đường cũ nhưng đi qua nhiều khu vực dân cư, đất ở, công trình hạ tầng, đất nông nghiệp thuộc địa phận các huyện của Hà Nội nên chi phí đền bù của dự án rất lớn, trong khi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình làm mới nhưng chủ yếu đi qua khu vực đất ruộng các địa phương thuộc Hà Nam, Ninh Bình. “Giá đất đền bù ở mỗi địa phương khác nhau. Dự kiến, chi phí đền bù, GPMB của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khoảng 1.600 tỷ đồng”.

Liên quan đến chi phí, giá thành trong quá trình thi công, ông Khôi cho hay: “Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được xây dựng trong giai đoạn 2006 - 2010, trong khi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ triển khai thi công từ năm 2014 đến nay nên giá cả vật liệu, nhân công mỗi thời kỳ có sự khác nhau. Hơn nữa, điều kiện thi công, phương pháp xử lý nền đường, quy mô, hình thức đầu tư khác nhau nên không thể so sánh suất đầu tư của hai dự án này với nhau, nếu so sánh như vậy là khập khiễng”, ông Khôi nói.

Làm cao tốc trên nền đường cũ chỉ 11 tỷ đồng/km/làn

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia giao thông cũng khẳng định: “Không thể so sánh suất đầu tư của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là cái nào cao hơn. Thay vì chỉ nhìn vào con số trên tổng mức đầu tư của hai dự án, cần phải tách bạch rõ ràng chi phí xây dựng phần đường làm mới (2 làn) và chi phí xây dựng nâng cấp trên nền đường cũ (4 làn) của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Dự án này bao gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là nâng cấp mặt đường trên nền đường cũ với quy mô 4 làn, chi phí xây lắp khoảng 1.288 tỷ đồng (khoảng 11 tỷ đồng/km/làn). Giai đoạn 2 của dự án mở rộng thêm hai làn mới và xây dựng hệ thống cầu cống, đường gom hai bên dọc tuyến, tổng mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, khoảng 82 tỷ đồng/km/làn và hệ thống đường gom, cầu cống dọc tuyến”.

“Rõ ràng, nếu tính suất đầu tư xây dựng một làn cao tốc làm trên nền đường cũ của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ 11 tỷ đồng/km/làn, thấp hơn nhiều so với 44,7 tỷ đồng/km/làn đường làm mới của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (179 tỷ đồng/4 làn). Trong khi suất đầu tư xây dựng mỗi làn làm mới/km bao gồm cả hệ thống đường gom và cầu dọc tuyến của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khoảng 82 tỷ đồng/km/làn (bao gồm cả các khoản dự phòng 15% và chi phí lãi vay 10%/năm). Tuy nhiên, mỗi dự án được xây dựng tại mỗi thời điểm khác nhau, quy mô GPMB khác nhau, giá cả khác nhau... nên chúng ta không thể so sánh suất đầu tư của dự án này cao hay thấp so với suất đầu tư của dự án khác”, vị này chia sẻ.

Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29km, điểm đầu Km 182+300 tại nút giao Pháp Vân, điểm cuối tại Km 211+256 (Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 1.973 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 4.757 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.