Xã hội

Sức bật tỉnh nghèo vào tốp phát triển khá

26/03/2017, 18:16

Thành tích phát triển sau 20 năm chia tách tỉnh Quảng Nam nhờ sức mạnh đoàn kết, đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”.

29

Chủ tịch UBND Quảng Nam Đinh Văn Thu 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chủ tịch UBND Quảng Nam Đinh Văn Thu nhấn mạnh: Thành tích phát triển sau 20 năm chia tách tỉnh Quảng Nam nhờ sức mạnh đoàn kết, đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”, quyết liệt triển khai các mục tiêu, chiến lược đề ra.

Sau 20 năm tách tỉnh, thành tựu lớn nhất Quảng Nam đạt được là gì, thưa ông?

Kế thừa thành tựu 20 năm xây dựng và phát triển, Nghị quyết của Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ tỉnh đã xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước, tạo bước phát triển vững chắc.

Có thể khái quát thành tựu lớn nhất của Quảng Nam đó là, từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước, đến nay đã đứng vào tốp các tỉnh phát triển khá, tự cân đối ngân sách và có điều tiết một phần về T.Ư. Sau 20 năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt tốc độ tăng bình quân 10,9%/năm; Quy mô nền kinh tế đạt gần 69.000 tỷ đồng, gấp 27 lần năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp trong GRDP tăng từ 50% năm 1997 lên 88,1% năm 2016; Khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 11,9%. Công nghiệp - xây dựng đóng góp vào cho kinh tế địa phương ngày càng tăng, chuyển dịch trong nội bộ ngành này đã thay đổi đáng kể. Du lịch, dịch vụ phát triển nhanh. Quy mô hoạt động xuất nhập khẩu mở rộng khá nhanh, cả về số doanh nghiệp, thị trường và giá trị… Trong 20 năm, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 159.000 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 21%; Riêng năm 2016 đạt 22 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng nhanh qua từng năm, riêng trong năm 2016 đạt trên 20.200 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa hơn 13.980 tỷ đồng; Thu xuất nhập khẩu trên 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các lĩnh vực dân số, lao động, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa xã hội, an sinh xã hội, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường…

Từ tỉnh nghèo, Quảng Nam bứt phá phát triển mạnh mẽ. Ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm để có bước trưởng thành như hiện nay?

Theo tôi, điều tiên quyết đó là sự đoàn kết, thống nhất cả tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ. Thứ hai, phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân, tin tưởng ở nhân dân, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm của toàn xã hội phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh. Thứ ba, xác định và phát huy các lợi thế so sánh của tỉnh; Coi trọng phát triển bền vững… Thứ tư, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả sự chỉ đạo, hỗ trợ của T.Ư, Chính phủ và các bộ, ban, ngành vào điều kiện cụ thể của địa phương; sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Thứ năm, trong chỉ đạo, điều hành phải tập trung, kiên quyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phải có những quyết sách và thực tế trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đột phá, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mạnh dạn phân cấp quản lý, phân cấp đi đôi với xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý, điều hành…

Với lĩnh vực xúc tiến đầu tư, các giải pháp đột phá đã và đang được Quảng Nam triển khai để kêu gọi đầu tư vào tỉnh như thế nào, thưa ông?

Ngoài chủ trương, chính sách chung, tỉnh ban hành hàng loạt cơ chế ưu đãi, thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Với các lĩnh vực ưu tiên, tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, quy chế ưu đãi đặc biệt. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp. Tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư qua công tác cải cách hành chính. Ngay từ đầu năm 2017, tỉnh đã đưa Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư đi vào hoạt động... Mặt khác, tăng cường phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; các giải pháp hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp về pháp lý, nguồn vốn, mặt bằng… Những nỗ lực trên góp phần làm cho Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh từng bước được cải thiện, vài năm trở lại đây PCI luôn nằm trong nhóm điều hành khá và tốt.

Hạ tầng giao thông phát triển được xem là một trong những “đòn bẩy” thu hút đầu tư. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn?

Giao thông “đi trước mở đường” luôn được tỉnh chú trọng triển khai từ quy hoạch đến đầu tư, phát triển khá toàn diện, đồng bộ hóa hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, đường bộ được đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến trục chính QL1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn, tuyến ven biển (đường 129), các tuyến trục ngang như: QL14B, 14D, 14E, Nam Quảng Nam, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã kết nối đồng bằng với các huyện miền núi, vùng ven biển… Đến nay, tỉnh có gần 470km quốc lộ, 695km tỉnh lộ, 1.380km huyện lộ và 8.190km tuyến đường xã. Giao thông nông thôn tiếp tục được đầu tư với gần 4.300km bê tông hóa và 243 cầu cống các loại. Giao thông đường thủy: Đầu tư, nâng cấp cảng Tam Hiệp (hậu cần cảng), cảng Kỳ Hà đón được tàu 20 vạn tấn; Nạo vét, khơi thông sông Trường Giang, sông Cổ Cò. Đường sắt: Nâng cấp ga Tam Kỳ thành ga chính trong hệ thống giao thông đường sắt Bắc - Nam. Mở rộng sân bay Chu Lai... Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo ưu tiên các tuyến giao thương kinh tế quan trọng, trục kết nối giữa các vùng, các huyện (hoàn thành nhanh đường cao tốc, đường ven biển; Tuyến đường qua cầu Giao Thuỷ nối vùng Tây Duy Xuyên, các huyện Nông Sơn, Hiệp Đức, Đại Lộc với Đà Nẵng; Giao thông các tuyến đường tỉnh, đường huyện). Qua đó, góp phần phát triển thông thương, kết nối KKT, KCN trên địa bàn, đảm bảo giao thông kết nối, vận tải hàng hóa…

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.