Hạ tầng

Sức sống mới bên dòng sông Lô

04/03/2018, 06:05

Cầu sông Lô - nối thị trấn Đoan Hùng với 3 xã huyện Đoan Hùng và các xã của huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)

35

Cầu sông Lô 

Có cầu mới, phá thế ốc đảo

Những ngày cuối năm, phấn khởi đi xe đạp qua cầu sông Lô có chiều dài 517,8m; rộng 7,5m; trọng tải 30 tấn với đường dẫn hai đầu cầu dài 850m bắc qua dòng Lô qua thăm người con trai thứ ở bên kia sông, bà Vũ Thị Đệ (69 tuổi, trú tại xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng) cho biết, trước kia khi chưa có cầu, để sang thăm con, bà phải đi đò, cả người và xe đi về hết 10 nghìn đồng.

“Nhờ cây cầu, người dân 3 xã Hữu Đô, Đại Nghĩa, Phú Thứ (huyện Đoan Hùng) chúng tôi không còn bị cô lập nữa, con cháu có điều kiện phát triển kinh tế, ai cũng phấn khởi”, bà Đệ tâm sự.

Chỉ về chiếc biển thông báo bến đò đã mờ dần theo thời gian, anh Vũ Văn Tám (SN 1982, trú tại thôn 7, xã Đại Nghĩa) nhớ lại, thời học cấp 3, để tới trường ở bên kia sông, mỗi ngày anh đều phải đi 2 lần đò. Tiền đò mỗi năm tính ra bằng 68kg thóc của gia đình. Cách đây 3 năm, khi cầu chưa xây xong, nhà anh bán cám gia súc, gia cầm, mỗi chuyến lấy hàng phải mất 300.000 đồng tiền phà cho xe tải sang sông.

Bà Giang (xã Phú Thứ) cho biết, 15 năm trước, con trai bà bị đau ruột thừa giữa đêm. Để đưa con sang bệnh viện bên thị trấn, gia đình bà phải vào tận nhà người chở đò nhờ họ ra bến lái đò đưa qua sông. “Ngồi trên đò, con kêu đau, trời tối, đò đi chậm, tôi lo thắt ruột, chỉ sợ con chậm đến bệnh viện có mệnh hệ gì. Giờ có cầu, hết cảnh lo chậm tới bệnh viện vì đò ngang cách trở nữa”, bà Giang kể.

Cầu mới góp phần phát triển kinh tế

Lái chiếc xe tải chở đầy cam đỗ trước cửa nhà, anh Nguyễn Văn Lương (xã Hữu Đô) cho biết, từ ngày có cầu, giao thông thuận lợi, nhiều người mua xe ô tô kinh doanh vận tải hoặc buôn bán. “Xe tải này tôi mua được 2 năm, chủ yếu để đi đến các huyện, tỉnh xung quanh lấy hoa quả về bán cho các cửa hàng trong vùng. Kinh tế gia đình có thêm khoản thu mới nên cũng khá giả hơn”, anh Lương kể.

Ông Đỗ Như Hậu, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Nghĩa cho biết, nhờ cầu Sông Lô, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện đáng kể. Đồng thời, cũng giúp xã thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn của Chương trình 135, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 9%, thu nhập bình quân đầu người gần 17 triệu đồng/năm.

“Xã Đại Nghĩa có hơn 416 công nhân đang làm việc tại cụm công nghiệp làng nghề Sóc Đăng, chiếm 16% tổng lao động của xã. Nhờ giao thông thuận lợi, từ chỗ thuần nông, đến nay sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Đại Nghĩa đang dần hình thành với sự xuất hiện của các xưởng sản xuất gạch bê tông, mộc, cơ khí... Người dân 3 xã Hữu Đô, Đại Nghĩa, Phú Thứ đã có xe buýt hàng ngày chuyên chở học sinh đi học trường THPT bên thị trấn Đoan Hùng và chở công nhân đi làm tại cụm công nghiệp làng nghề Sóc Đăng”, ông Hậu phấn khởi.

Cũng chỉ sau 1 năm có cầu sông Lô, xã Hữu Đô đã thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn của Chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm. Nhờ giao thông thuận lợi, thương lái tới tận nhà để thu mua hoa màu, vật nuôi. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư cả tỷ đồng làm trang trại chăn nuôi với quy mô lớn hay dồn điền đổi thửa, đầu tư trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa, trong đó nổi bật là trồng cây bưởi đặc sản với diện tích lên tới hơn 40ha. “Ngày không có cầu, cả xã tìm mỏi mắt cũng không thấy chiếc xe ô tô nào, giờ có gần 20 chiếc, xưởng sửa chữa ô tô cũng mọc lên phục vụ người dân trong xã và thị trấn Đoan Hùng”, bà Phan Thị Xuân, Chủ tịch UBND xã Hữu Đô chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.