Chuyện dọc đường

Suy ngẫm về long mạch của đất nước nghìn năm lắng đọng

20/11/2018, 07:15

"Duyên cớ" sinh ra tuyến đường sắt số 2 và ga C9 tại Bờ Hồ cũng liên quan đến tuyến đường sắt đô thị...

2

Phối cảnh cửa số 3 trong 4 cửa lên xuống của ga ngầm C9

"Duyên cớ" sinh ra tuyến đường sắt số 2 và ga C9 tại Bờ Hồ cũng liên quan đến tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội. Tuyến đường sắt này hình thành suốt trong thế kỷ XVIII - XX, đi trên mặt đất từ chợ Mơ đến chợ Bưởi qua Bờ Hồ và có vị trí ga tương ứng. 

Có thể nói, tuyến đường sắt này là nỗi “ám ảnh” của lịch sử, tuy lưu lượng vận tải và mục tiêu khác với tuyến đường sắt ngầm đang chọn.

Tuyến đường sắt ngầm số 2 đã được nghiên cứu tới 12 năm, nếu so với sự phát triển của các đô thị lớn, đến nay đã thay đổi rất nhiều. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục làm sẽ rất tốn kém, hơn nữa vẫn tiếp cận với vị trí ga 100 năm trước chưa chắc đã xứng đáng. Liệu việc đầu tư này đã thực sự tính toán đến sự tác động phát triển KT-XH, hiệu quả tổng thể. Khi đưa ga C9 vào hoạt động dẫn đến tắc nghẽn khu vực Hồ Gươm sẽ như thế nào; Còn nếu lưu lượng vận tải không lớn thì đầu tư làm gì?

Cần đặt tuyến đường sắt đô thị số 2 trong bối cảnh phát triển tổng thể của Hà Nội, không phải chỉ riêng vấn đề ga C9. Chẳng hạn sự phát triển của quận Hoàn Kiếm, nếu chúng ta đưa ga C9 cách xa Hồ Gươm khoảng 3km, ra ngoài đê khoảng 300m và xây nổi thì đã tiếp cận được 7ha ở khu vực ngoài đê. Như vậy sẽ giúp khu vực ngoài đê hội nhập với phố cổ và dễ có sự đồng thuận hơn. 

Một mình ga C9 không thể giải quyết được vấn đề đi lại của thành phố, bởi vẫn cần phải có xe buýt, phải có tuyến đi bộ để kết nối. Vì thế, ga C9 được đưa ra xa vẫn tiếp cận, tích hợp với được với các tuyến đường sắt số 1 và số 3. Nếu nghĩ khác đi một chút, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên) cũng sẽ kết nối tốt hơn. Cũng nói thêm, đáng ra tuyến số 1 nên phải làm trước số 2, số 3 nhưng vì sao lại làm cuối cùng?

Chuyện đặt ga ngầm sát Hồ Gươm, tôi băn khoăn không biết có ảnh hưởng đến địa chất, địa tầng không? Hồ Gươm có phải nằm trên dòng sông ngầm, có phải là long mạch không?

Làm khoa học, tôi không nói điều này, nhưng ĐBQH Triệu Thế Hùng đã nói về vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội. Tôi chỉ xin nhắc lại lời của ĐBQH Triệu Thế Hùng tuần trước rằng: “Đây là long mạch của đất nước nghìn năm lắng đọng, làm nên thịnh vượng, ổn định của đất nước”. Đất nước chúng ta hiện nay có thịnh vượng không, ổn định không. Có ai dám can đảm nói rằng nếu có vấn đề gì thì tôi sẽ chịu trách nhiệm?

Chuyện làm ga ngầm cũng vậy. Tất cả đường sắt đều của người nước ngoài, người nước ngoài làm. Thử hỏi trong 20 năm qua chúng ta đã đào tạo được bao nhiêu chuyên gia về lĩnh vực đô thị ngầm phức tạp và gian khó. Rồi còn công cụ quản trị của chúng ta thế nào để bảo vệ di sản văn hóa?

KTS. Trần Huy Ánh, Hội KTS VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.