Bạn cần biết

Suýt tử vong vì chủ quan với virus cúm

28/05/2018, 07:42

Không chỉ gây ra những bệnh thông thường như đau họng, ho, viêm phế quản, virus cúm còn rất nguy hiểm...

17

Bệnh nhân đang được điều trị viêm cơ tim từ nguyên nhân virus cúm tại BV Chợ Rẫy

Hôn mê, suy hô hấp

Mới đây, Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận bệnh nhân nữ L.T.Q.D. (31 tuổi, Gò Vấp, TP HCM) trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch và được xác định bị viêm cơ tim. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây suy đa cơ quan như não, phổi, thận và tử vong nhanh chóng. Bệnh nhân D. ngay lập tức được các bác sĩ đặt máy ECMO hỗ trợ hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể. Các bác sĩ cho biết, nếu chỉ đặt máy chậm một giờ, bệnh nhân này sẽ tử vong.

Theo gia đình bệnh nhân, trước đó, chị D. chưa từng có tiền sử bệnh tim, hoàn toàn khỏe mạnh. Đêm trước khi phát bệnh, chị D. vẫn đi làm bình thường. Sáng ngày phát bệnh, chị D. ngủ dậy thấy cảm giác ngộp thở, đau tim nên được gia đình đưa đến BV quận 7. Tại đây, chị D. lên cơn co giật nên được chuyển qua BV Tâm Đức và được chẩn đoán viêm cơ tim khiến rối loạn nhịp tim, có lúc tim đã ngừng đập phải dùng sốc điện và tiêm thuốc mới duy trì được và chuyển qua BV Chợ Rẫy.

BS. Huỳnh Quang Đại, Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết: Nguyên nhân gây viêm cơ tim ở bệnh nhân là do virus cúm tấn công. Cũng theo ông Đại, ông từng nhiều lần tiếp nhận bệnh nhân viêm cơ tim vì nguyên nhân này. Theo đó, một nữ bệnh nhân sống ở quận Phú Nhuận, TP HCM đang hoàn toàn khỏe mạnh bỗng nhiên thấy sốt và mệt. Nghĩ cảm cúm thông thường nên cô chỉ uống thuốc hạ sốt. Đến khi mệt quá không chịu nổi, cô mới đến một bệnh viện kiểm tra. Kết quả kiểm tra thấy huyết áp thấp và siêu âm tim thấy tim rất yếu nên cô được chuyển vào BV Chợ Rẫy. Sau 3 ngày đặt máy trợ tim, cô đã khỏe lại và xuất viện về nhà.

Cũng có trường hợp không may mắn, cấp cứu muộn nên tử vong như ca bệnh 4 tuổi sống ở huyện Nhà Bè. Bệnh nhi này chỉ có dấu hiệu sốt virus, nên được gia đình cho uống giảm sốt, đến khi trẻ lả người mới đưa đến viện. Lúc này đã quá trễ, tim trẻ đập rời rạc, có lúc ngưng dù được hỗ trợ đặt máy ECMO nhưng do thời gian thiếu oxy não lâu nên bé bị suy gan, suy thận và tử vong sau đó.

Không chủ quan với dấu hiệu cảm sốt

BS. Đại cho biết, viêm cơ tim thường do virus gây ra, đa số là do virus cúm. Nhiều người lầm tưởng virus cúm chỉ gây đau họng, ho, viêm phế quản nhưng thực tế, khi lưu hành trong cơ thể, chúng có thể tấn công lên tim gây bệnh viêm cơ tim rất nguy kịch và không biết trước được. Dấu hiệu của bệnh là mệt, khó thở, chóng mặt, tay chân lạnh dễ bị nhầm với bệnh cảm cúm, nhiễm siêu vi thông thường.

Theo BS. Đại, viêm cơ tim thường tăng khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa, điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 30 ca viêm cơ tim, trong đó, 70% là do virus cúm gây ra. Có một số trường hợp vào viện quá trễ, tim ngừng đập, tổn thương não và nhiều cơ quan nên tử vong dù các bác sỹ đã cố gắng đặt máy hỗ trợ tuần hoàn. Bệnh khá nguy hiểm bởi khởi phát đột ngột, xảy đến với bất kỳ ai, bất kể đang hoàn toàn khỏe mạnh, đặc biệt thường gặp ở trẻ em và người trẻ có thể do môi trường học tập và sinh hoạt dễ bị nhiễm cúm. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ ngưng tim, suy đa cơ quan và tử vong.

Theo BS. Đại, 70-80% người bệnh viêm cơ tim sẽ hồi phục bình thường, còn 20-30% gặp di chứng cơ tim giãn nở khiến suy tim cần phải thay tim hoặc điều trị lâu dài. Việc đặt máy ECMO hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn ngoài cơ thể hiện là phương pháp hiệu quả nhất điều trị bệnh nhưng khá tốn kém, chi phí hàng trăm triệu đồng.

BS. Đại khuyến cáo để phòng ngừa bệnh, mọi người nên chích ngừa cúm mỗi năm, đặc biệt là phụ nữ có thai, trẻ em, người già, người có bệnh lý mãn tính. Ngoài ra, cần tập luyện thể thao, ăn uống đủ chất đề tăng sức đề kháng của cơ thể. “Ngoài các triệu chứng cảm cúm thông thường như sốt, ho, sổ mũi sẽ tự khỏi còn nếu gặp các triệu chứng như tức ngực, khó thở, mệt nhiều, chóng mặt... đi kèm cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và theo dõi”, BS. Đại cảnh báo. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.