Góc nhìn

Syria: Cứu giúp một thế hệ mới sau 4 năm nội chiến

23/03/2015, 14:13

Ngược với hành vi chống lại loài người của IS, một nhóm thanh niên Syria đang cố tạo ra thế hệ mới tốt đẹp.

111

Nousha Kabawat và các bé trai Syria

Ngược với hành vi chống lại loài người của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một nhóm thanh niên Syria hiện đang làm hết sức mình để tạo ra thế hệ mới, không phải thế hệ bị đánh cắp, mà là thế hệ đại diện cho đất nước Syria hòa bình, phồn vinh và hạnh phúc.

Đánh mất một thế hệ

Nhân kết thúc bốn năm nội chiến, trung tuần tháng 3/2015, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố báo cáo: Syria đang đánh mất một thế hệ, trong đó có gần 15 triệu trẻ em trở thành nạn nhân của cuộc nội chiến diễn ra từ tháng 3/2011, nhất là sau khi có làn sóng phản đối chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và những bất ổn do nội chiến giữa phe phái đối lập nổi dậy.

Ngoài ra, còn có trên 200 nghìn người bị thiệt mạng, gần 4 triệu người phải lánh nạn sang các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon và  trên 7,6 triệu người tị nạn ngay trong nước.

Theo Tổ chức STV (Save the Children), ngày càng nhiều trẻ em ở Syria bị tuyển vào lực lượng vũ trang để cầm súng. Ví dụ, nhiều trẻ em tuổi từ 8 đến 13 đã bị lực lượng ủng hộ Chính phủ dùng làm lá chắn trong cuộc đột kích vào làng Ayn l’Arouz hồi tháng 3/2015. Trẻ em Syria là nạn nhân bị lãng quên, đối mặt với cái chết, khổ đau và thiếu điều kiện sống tối thiểu.

Do chiến tranh kéo dài, có khoảng 631 nghìn người Syria đang phải tị nạn ở Jordan, một nửa là trẻ em và đại bộ phận là thất học. UNICEF cho rằng cách duy nhất để chấm dứt nỗi khổ là loại bỏ chiến tranh và xung đột, nếu không Syria sẽ mất thêm một thế hệ mới, nhóm trẻ dưới 18 tuổi lớn lên sẽ không biết gì khác ngoài bạo lực, thất học và nỗi đau đeo bám suốt đời.

Nỗ lực kéo giới trẻ khỏi IS

Ngoài những gì đang được chứng kiến tại Syria, hiện còn có một số hoạt động sôi động của nhóm người Syria nhằm “giải cứu” đất nước ra khỏi chiến tranh, bạo loạn. Là những người Syria yêu quê hương, họ phải bỏ quê vì chiến tranh nhưng nay hồi hương tham gia từ thiện.

Đó là chị Felicie Dhont, 23 tuổi ở Dhont Damascus, người phải tha phương khi đang bụng mang dạ chửa, trốn sang Jordan hồi năm 2011 chỉ vì Dhont là nhà báo, dám nói lên sự thật. Felicie Dhont quyết định tái định cư ở Ai Cập; nhưng ở đâu  Dhont cũng luôn ấp ủ ước mơ trở về Syria.

Sau hành trình dài 500 km từ Cairo đến Amman (Jordan),  Dhont đến các trại tị nạn, tham gia những công việc giúp đỡ trẻ em, như: Giúp học tiếng Anh, học văn hóa, kể chuyện lịch sử, tuyên truyền về đất nước, con người Syria để các em yêu quê hương hơn, tránh xa sự lôi kéo của IS và các chiến binh thánh chiến.

Đặc biệt, khơi dậy cho các em niềm tự hào và niềm hy vọng cho một đất nước Syria tươi sáng. Theo Dhont, đây là điều hạnh phúc đầu tiên mà chị được làm sau bốn năm xa quê; thay vì đi tới khu nghỉ mát hoặc giải trí.

Một gương mặt khác, chị Nousha Kabawat, người Canada gốc Syria, sinh ra ở Canada, nhưng lại có những năm tháng sống tại Damascus với ông bà nội. Kabawat từng theo học tại Mỹ, có bằng thạc sĩ về đề tài giải quyết xung đột sau chiến tranh, luôn muốn làm một điều gì đó để giúp quê hương tránh được nỗi đau chiến tranh. Kabawat từng tham gia công tác tình nguyện, có mặt ở nhiều nơi trên thế giới từ châu Âu đến châu Mỹ, quyên góp tiền bạc giúp đỡ trẻ em Syria.

Bất kỳ ở đâu, Kabawat đều mang theo chiếc áo có dòng chữ Amal ou Salam (Hy vọng và hòa bình), tôn chỉ của tổ chức do chính Kabawat thành lập cách đây một năm. Kabawat cũng phát động chương trình mang tên Free Syria (Syria tự do), nhắc nhở giới trẻ Ả Rập về hiểm họa chiến tranh, tư tưởng cực đoan của IS.

“Sau khi chiến tranh, xung đột kết thúc, không ai khác, thế hệ mới này sẽ đứng ra xây dựng lại Syria, vương quốc của hòa bình và hữu nghị”, Kabawat tâm sự. Đến cuối 2014, Kabawat đã quyên góp được 25 nghìn USD và vận động được 33 tình nguyện viên, giúp đỡ cho 1 nghìn trẻ em tị nạn và hỗ trợ vật chất cho các trường học của Syria.

Hay như nhạc sĩ Syria Shadi, 34 tuổi, không chỉ dạy âm nhạc, khiêu vũ và ca hát âm nhạc truyền thống mà anh còn sử dụng công cụ này để truyền cảm hứng đến cho thế hệ tương lai.

“Tôi không muốn bọn trẻ ê a những bài hát nặng nề, thậm chí xúc phạm, chửi rủa mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng không hài lòng. Tôi muốn đưa các em trở lại thời thơ ấu.  Âm nhạc là ngôn ngữ của hòa bình, tất cả nhắc nhở mọi người hãy chung tay xây dựng lại đất nước Syria, tránh xa IS, chiến tranh và bạo lực”, Syria Shadi trải lòng một cách thành thật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.