Xã hội

Tắc dự án nạo vét luồng sông vì doanh nghiệp từ chối nhận bùn, rác thải

03/09/2020, 09:01

Do doanh nghiệp và cơ quan chức năng Quảng Ninh chưa thống nhất được việc tiếp nhận chất nạo vét, nên dự án nạo vét sông Đầm Hà vẫn bế tắc.

img
Cảng Đầm Buôn là một trong những bến chính để chung chuyển vật liệu xây dựng và nhiều hàng hoá khác của huyện Đầm Hà (Quảng Ninh)

Khát vọng chính đáng của ngư dân

Đứng trên sân cảng Đầm Buôn, ông N.T.D (nhà ở thôn Xóm Giáo, xã Đầm Hà, huyện Hải Hà) khoát tay chỉ vào những doi cát bị bồi lắng dọc lạch biển, mong ước: Giá như luồng này được nạo vét thì thuận tiện biết bao nhiêu cho ngư dân ra, vào làm ăn.

“Nhiều đận, bố, con tôi đánh bắt hải sản trở về, nhưng do nước cạn không vào được đành đỗ ở tít ngoài xa, thuê thuyền chở hải sản vào bến. Những hôm tàu bị trục trặc cần sửa chữa mà không vào được cảng phải thuê thợ ra tốn kém hơn. Đặc biệt, việc trông nom phương tiện để tít ngoài xa những ngày nước cạn cũng gây nhiều khó khăn, phức tạp cho chủ phương tiện. Bà con ở đây đã nhiều lần kiến nghị các ngành, các cấp sớm triển khai việc nạo vét, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có động tĩnh gì”, ông D. thông tin.

img
Do luồng, lạch bị bồi lắng, nên những ngày thuỷ triều xuống cảng Đầm Buôn chỉ có phương tiện nhỏ vào neo, đậu

Bến cặp tàu Đầm Buôn là địa điểm tập kết, bốc dỡ vật liệu xây dựng chính để phục vụ cho các dự án ở địa phương. Bến cũng là nơi tập trung nhiều tàu, thuyền của ngư dân mua bán, trao đổi thuỷ sản, đồng thời là khu vực neo đậu, tránh, trú bão thường xuyên cho hàng trăm phương tiện của huyện và một số địa phương lân cận như huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà.

Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đầu tư nâng cấp bến này với số tiền trên 13 tỷ đồng. Dự án được triển khai gồm bến sà lan tải trọng 280 tấn và một bến cá cho tàu 135CV. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, bến này đã không phát huy được công năng theo thiết kế ban đầu. Bởi lẽ, luồng vào cảng đã bị bồi lắng nghiêm trọng từ nhiều năm nay, dẫn đến tàu có tải trọng trên 100 tấn rất hiếm khi vào được. Thậm chí, chủ phương tiện cố vào cảng thì không bị sứt chỗ nọ thì cũng bị sẹo chỗ kia. Vào những ngày thuỷ triều xuống sâu thì bến Đầm Buôn là chốn “nội bất xuất, ngoài bất nhập”.

img
Cửa sông Đầm Hà đổ ra biển khu vực cảng Đầm Buôn thường xuyên bị bồi lắng gây khó khăn cho tàu, thuyền vào cập cảng
img

Loay hoay bài toán nạo vét

Luồng vào bến cặp tàu Đầm Buôn, huyện Đầm Hà kéo dài ra Cửa Hẹp dài gần 7km. Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã liên tiếp có văn bản chỉ đạo các ngành hữu quan của tỉnh phối hợp với huyện Đầm Hà nhanh chóng triển khai dự án nạo vét luồng sông Đầm Hà.

Ngày 16/8/2019, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã có tờ trình về việc tổ chức lập và trình dự án nạo vét luồng sông Đầm Hà và Sở TN&MT tỉnh đã phối hợp thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án này. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trương triển khai nạo vét luồng sông Đầm Hà theo hình thức xã hội hoá có mục đích lưỡng dụng. Đó là khai thông luồng cho tàu, thuyền vào bến Đầm Buôn và lấy vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng của Công ty TNHH khu công nghiệp Texhong Việt Nam (gọi tắt là Công ty Texhong) triển khai dự án trên địa bàn huyện Hải Hà.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều cuộc làm việc, nhưng đến nay Công ty Texhong và cơ quan chức năng của Quảng Ninh vẫn chưa thống nhất được việc tiếp nhận chất nạo vét. Vì Công ty Texhong đã có công văn gửi cơ quan có thẩm quyền của Quảng Ninh với nội dung: Công ty chỉ đồng ý tiếp nhận chất nạo, vét là cát sông, đá, sỏi sạch đáp ứng được yêu cầu về chất lượng để san, lấp mặt bằng khu công nghiệp. Công ty không đồng ý tiếp nhận các thành phần nạo, vét không đạt yêu cầu chất lượng vật liệu san lấp như bùn, rác thải…

Trước yêu cầu này của Công ty Texhong, ngày 11/5/2020, Sở TN&MT đã có văn bản cho biết, sản phẩm nạo, vét từ sông Đầm Hà có thể sử dụng để phục vụ san, lấp mặt bằng. Riêng đối với sản phẩm sét pha (20% là bùn cát pha) có thể phơi khô để sử dụng sau khi đã đảm bảo tiêu chuẩn.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo huyện Đầm Hà cho biết: Yêu cầu của Công ty Texhong về chất lượng vật liệu san, lấp nạo vét được từ luồng sông Đầm Hà để phục vụ dự án Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà là rất khó. Vì tại luồng này, có nhiều loại bùn, rác, nếu chỉ lấy vật liệu đảm bảo chất lượng thì những thứ khác đổ đi đâu?

Thiết nghĩ, Quảng Ninh là địa phương có tổng thu ngân sách thuộc tốp đầu cả nước, vậy mà chỉ một luồng sông không lớn vào bến Đầm Buôn như vậy mà vẫn phải loay hoay tìm hình thức xã hội hoá để nạo, vét liệu có cần thiết?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.