Thị trường

Tắc đường bộ, giải cứu nông sản qua đường biển cách nào?

12/01/2022, 21:17

Vận chuyển đường biển, giảm thiểu ách tắc xuất khẩu đường bộ cho nông lâm sản và thủy sản, doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Đó là nội dung được bàn luận tại cuộc họp trực tuyến về “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản quan vận tải đường biển” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Công thương và đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, logistics... tổ chức ngày 12/1.

“Hàng xuất khẩu tiểu ngạch kém chất lượng là không đúng”

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sau khi cho thông quan trở lại, hiện phía Trung Quốc lại đang tạm dừng thông quan tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) do phát hiện lô hàng của Việt Nam dính virus SARS-CoV-2 trên bao bì hàng hóa.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đảm bảo an toàn, nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý cả ở khâu bao bì, phương tiện vận chuyển hàng hóa vì Trung Quốc rất kiên quyết với chiến lược “Zero Covid”.

img

Xuất khẩu theo đường biển hiện chỉ có hình thức chính ngạch, nên cần thời gian lập tuyến cho những hàng hóa cần giải cứu từ đường bộ

“Sau khi phía Trung Quốc làm xong các thủ tục về phòng chống Covid-19, phun khử khuẩn trong vòng 7 ngày. Sau đó, hàng hóa, nông sản của Việt Nam sẽ được thông quan bình thường”, Thứ trưởng Nam nói và nhấn mạnh, không phải ách tắc do hàng hóa Việt Nam đi tiểu ngạch, kém chất lượng như nhiều người vẫn đang hiểu sai.

"Tiểu ngạch chỉ là hình thức qua biên giới. Tất cả hàng hóa xuất khẩu đều phải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu", lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay.

Khẳng định đảm bảo chất lượng xuất khẩu cả tiểu ngạch và chính ngạch, Thứ trưởng Nam mong muốn cùng Bộ GTVT xây dựng cơ chế thuận lợi để hàng nông sản đi được cả đường biển, trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng, đường biển chỉ dành cho xuất khẩu chính ngạch.

Vận tải đường biển khác gì đường bộ?

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, dòng hàng nông sản, trong đó có thanh long đi qua đường bộ, đường sắt, đường biển có nhiều điểm khác nhau.

Thứ nhất, khác nhau về phương thức. Chủ hàng mua hàng cũng khác nhau. Điểm khác chính là thủ tục hành chính.

"Hiện nay, mặt hàng nông sản đi đường bộ chiếm 70%, đường biển chỉ 30%. Thông quan ở các cửa khẩu đường bộ thường dễ hơn so với các thủ tục đường biển, chi phí rẻ hơn, chủ hàng sẽ có lợi. Chưa kể việc đi đường nào thì đã quen mối, quen lái hình thức đó", Thứ trưởng Sang nói.

Ông Sang khẳng định, cho đến nay, cơ sở hạ tầng cảng biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu xuất hàng đi nước ngoài, nhưng với phương thức vận tải hàng hóa bằng đường biển yêu cầu chỉnh chu hơn, cho nên phải có thời gian để hình thành các tuyến.

Thời gian vừa qua, các cảng, hãng tàu đã nỗ lực gánh đỡ một phần cho hàng ùn tắc biên giới, nhưng rõ ràng không thể gánh hết được do năng lực không tăng nhanh được. Hơn nữa, 2 vùng tiêu thụ khác nhau, việc chuyển đường biển sẽ phát sinh chi phí vận chuyển đến nới cần đến.

Do đó, trong thời gian tới, theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, vẫn cứ phải song song cả 2 đối sách. Trước hết vẫn phải bám vào kết luận của phó Thủ tướng Lê Văn Thành về các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, Phó thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ cho các bộ, ban ngành...

Bởi vậy, cái chúng ta cần bàn là giải pháp lâu dài, làm sao để đa dạng hóa, làm sao để chuyển đổi để tăng thị phần vận tải đường biển.

Các hãng tàu, các cảng đều sẵn sàng, nhưng cần có sự làm việc một cách cụ thể giữa DN và hãng tàu.

Còn lại, với đường biển mà muốn vẫn XK tiểu ngạch, thì chúng ta có thể vận tải hàng đường biển nội địa, sau đó đến đường bộ đi biên giới Trung Quốc và làm thủ tục thông quan theo hình thức tiểu ngạch như thường. Tuy nhiên, chi phí xếp dỡ tăng lên.

Nhưng nếu vào cảng Vạn Ninh, cách biên giới cửa khẩu cầu Phao hoặc biên giới Móng Cái khoảng 10 km thì có thể giảm được chi phí này.

Như vậy, về lâu dài chúng ta sẽ đáp ứng được cả xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch cho nông sản.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh: "Bộ GTVT rất sẵn sàng cùng Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT làm cầu nối giữa các nhà xuất khẩu - người mua; chủ hàng - người mua.

Bộ GTVT cũng có đường dây nóng, nếu trong trường hợp 2 Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đề xuất lập tổ công tác thì vẫn có thể triển khai được. Tuy nhên, trước mắt có thể sử dụng các đầu mối hiện nay để lên kế hoạch trực tiếp để chuyển đường biển.

Song Covid-19 mới chỉ có từ năm ngoái đến năm nay, nhưng tình trạng ách tắc thì có nhiều năm trước nên căn cơ, bài bản, nguyên nhân cần được mổ xẻ để giải quyết tận gốc".

Liên quan vụ ùn ứ hàng hoá, nông sản tại các cửa khẩu, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, hiện chỉ có có 9 loại hoa quả của Việt Nam được phép đi chính ngạch sang Trung Quốc, còn lại phải xuất khẩu tiểu ngạch. Có những mặt hàng muốn xuất khẩu chính ngạch cũng không được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.