Xã hội

Tắc thủ tục đổ bùn, cảng biển mắc cạn: "Chúng tôi không cản trở"

05/06/2018, 11:04

Bộ trưởng TN-MT lý giải câu chuyện dự án nạo vét cảng biển, cửa sông gặp vướng mắc do cơ chế chính sách.

bo-truong-tnmt-tra-loi-chat-van

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 5/6.

Sáng 5/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà.

ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa Vũng Tàu) đặt vấn đề giao khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét lòng sông cảng biển hiện nay đang gặp khó khăn và vướng mắc ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời đặt câu hỏi: “Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và giải pháp để xử lý, tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới?”.

Thừa nhận tình trạng nạo vét các cảng biển, cửa sông đang gặp khó khăn và vướng mắc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải: Trước khi có Luật Tài nguyên môi trường, Biển và hải đảo, chỉ cần đánh giá tác động môi trường, địa phương giới thiệu nơi nhận chìm chất nạo vét sau đó tiến hành công việc bình thường.

Tuy nhiên sau khi Luật ra đời, các doanh nghiệp còn phải làm thêm nhiều thủ tục phức tạp về đánh giá tác động môi trường cả nơi nạo vét lẫn nơi nhận chìm.

cang-bien-mac-can

Dự án nạo vét luồng hàng hải vào cảng Hải Phòng từng bị đình trệ vì không được cấp địa điểm đổ bùn thải

“Tôi cho rằng, những chất nạo vét trên các luồng lạch, cửa sông, cửa biển là những vật liệu bình thường, chỉ là cát và các loại vật liệu tự nhiên. Trên thế giới, công tác nhận chìm vẫn diễn ra bình thường… Hiện nay chúng ta đang lúng túng vì chưa làm tốt quy hoạch không gian biển vì Luật quy hoạch Quốc hội chưa phê duyệt. Do đó, khi phân vùng nhận chìm chất nạo vét ở đâu thì địa phương và Bộ Tài nguyên - Môi trường phải đánh giá tác động môi trường, tránh gây đột biến trong nuôi trồng thủy sản các vùng, đồng thời bảo tồn và phát triển các cây giống loài thủy sản”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích.

Mới đây, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản hỏi ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận về vị trí nhận chìm ở biển đối với vật chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

Trong khi đó, theo ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận), cử tri địa phương này đã có kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào đề án giám sát đặc biệt vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước và doanh nghiệp có cấp độ đặc biệt, để đảm bảo cao nhất an toàn môi trường ở khu vực này.

Qua đây, ĐB Cảnh đặt câu hỏi: “Bộ trưởng cho biết có chấp nhận đề nghị trên không? Nếu chấp nhận thì lúc nào phê duyệt đề án và triển khai thực hiện?”.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án kiểm soát đặc biệt, trong có tên các dự án nhiệt điện. Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ sẽ chính thức bàn với địa phương các kế hoạch cụ thể.

Về vị trí nhận chìm chất thải từ Vĩnh Tân 3, Bộ trưởng Hà cho biết đã đề nghị UBND tỉnh phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn và phê duyệt các phương án thay nhận chìm bằng phương án lấn biển, chống những khu vực bị sạt lở; hoặc lấn biển để tạo ra các diện tích có ý nghĩa sử dụng cho kinh tế.

Về chất thải rắn từ các nhà máy nhiệt điện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng có thể tận dụng để làm vật liệu san lấp.

Tuy nhiên, theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), trong khi Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về việc sử dụng chất thải rắn từ nhà máy nhiệt điện thì Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa có văn bản để “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Trước vấn đề này, người đứng đầu ngành Tài nguyên - Môi trường khẳng định: “Nếu có doanh nghiệp nào vướng mắc, văn bản nào chưa rõ thì tôi xin chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp phải tiến hành làm thí nghiệm chứ chúng tôi không cản trở về vấn đề nguyên liệu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.