Phối cảnh CHK quốc tế Long Thành có hình cánh cung, đảm bảo vị trí đỗ máy bay theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) |
Vài năm trở lại đây, ách tắc giao thông đã không còn là chuyện riêng của đường bộ. Hay nói cách khác, tắc đường trên trời đã “lan” tới ngành Hàng không khi “máy bay lượn vòng quanh chờ tới lượt hạ cánh” không còn là chuyện hiếm.
Câu chuyện được một đại biểu Quốc hội chia sẻ về việc “bay đi thì đúng giờ nhưng đến nơi vẫn chậm chỉ vì thời gian máy bay phải lòng vòng trên trời chờ hạ cánh đã mất 30 phút” chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ điển hình về sự quá tải của hạ tầng hàng không.
Nói về tình trạng này, người đứng đầu Cục Hàng không VN - Cục trưởng Lại Xuân Thanh phải thừa nhận, kết cấu hạ tầng đang “đè nặng” lên sự phát triển của thị trường hàng không, trong đó “khó nhất là Tân Sơn Nhất, 20 cảng còn lại đều có giải pháp, hướng khắc phục”.
Phía các hãng hàng không có lẽ chưa bao giờ lại có sự “đồng tâm nhất trí đến thế khi nói về sự quá tải của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Lãnh đạo Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), lãnh đạo hãng hàng không mới nổi Vietjet đều bày tỏ “mong ngóng” CHK quốc tế Long Thành bởi theo họ “Tân Sơn Nhất đã kẹt quá rồi, trong khi đó, hàng không trong nước không thể dừng bay hay bay ít đi, máy bay mới vẫn liên tục được đưa về. Các hãng bay quốc tế vẫn bay tới Việt Nam”.
Xin kết lại vấn đề này bằng những con số rất ấn tượng của ngành Hàng không VN: Năm 2015, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%. 4 tháng đầu năm 2016, con số này xấp xỉ 25%. Hàng không VN đã giữ ngọn cờ đầu trong những thị trường hàng không tăng trưởng mạnh nhất. Xin đừng để hạ tầng làm khó thị trường, đừng để DN cứ phải mòn mỏi chờ CHK quốc tế Long Thành quá lâu. Dự án đặc biệt, cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận