An ninh hình sự

Tái diễn “luật ngầm” cửa khẩu: Vì sao nhà xe phải cắn răng chi tiền luật?

22/07/2022, 07:30

Nhiều người gọi điện cho chủ hàng phản ánh, nhờ can thiệp - chỉ nhận câu trả lời “không biết họ thu những khoản gì?”. Nhà xe đành ngậm bồ hòn...

Hiện cơ quan hải quan không thu bất kỳ khoản phí nào liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản qua biên giới. Tuy nhiên, các tài xế, chủ xe vẫn phải cắn răng chi hàng chục triệu đồng mỗi chuyến mà không hề biết lý do là gì.

"Luật ngầm" cửa khẩu: Nhà xe điêu đứng vì sập bẫy chủ hàng và “nhà luật”?

img

Thông báo số tiền luật và sao kê chuyển tiền của nhà xe khi xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh

“Thắc mắc thì sang Trung Quốc mà hỏi” (?!)

Dưới cái nắng như đổ lửa trưa tháng 7, chúng tôi tìm đến cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn để tìm hiểu thông tin liên quan đến phản ánh của các tài xế, chủ xe về việc tái diễn “luật ngầm”. Tuy nhiên nhiều tài xế tỏ ra thận trọng vì sợ bị trả thù, chèn ép nhiều hơn.

Nhờ người quen giới thiệu, sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi được tài xế cũng là chủ xe tên T., quê Bình Định đón tại cổng vào Bến xe Bảo Nguyên của Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên. Bến xe này chỉ cách Km 0, trên đường xuất khẩu hàng qua Trung Quốc vài trăm mét.

Anh T. cho biết: “Xe tôi đã qua Trung Quốc trả hàng được 2 hôm mà chưa biết tiền luật thu bao nhiêu. Từ hôm qua tới nay, tôi đã nhiều lần gọi điện hỏi “nhà luật” (người làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu) tên L., người trực tiếp giữ giấy tờ, lo thủ tục cho xe qua Trung Quốc nhưng chỉ nhận được trả lời chưa xuất hàng nên chưa biết...”.

Trưa cùng ngày, anh T. đã nhận được tin nhắn của “nhà luật” yêu cầu chuyển 25,6 triệu đồng (chưa bao gồm tiền đỗ xe tại Bến xe Bảo Nguyên) thì mới trả giấy tờ cho xe về nội địa.

Anh T. lấy lý do chi phí xăng dầu, vận chuyển lên cao, đề nghị giảm giá và kê khai rõ các khoản nhưng không có kết quả.

Các khoản chi được liệt kê chủ yếu phát sinh tại Trung Quốc như: Đầu kéo xe 1.100 tệ, kéo xe 325 tệ, qua đêm 200 tệ, chạy lạnh 350 tệ, rời xe 300 tệ, tiền vé bến bãi là 350 tệ, kiểm dịch 330 tệ, chạy lạnh ngoài bãi 300 tệ, đóng hàng 1.105 tệ… với lời thách thức “thắc mắc thì sang Trung Quốc mà hỏi”.

Tương tự, các tài xế tên Đ., quê Bắc Giang bị “nhà luật” báo nộp hơn 28 triệu đồng, tài xế V., quê Bình Định được báo 30 triệu đồng.

Phản ánh với PV, các tài xế và chủ xe cho biết, số tiền trên sẽ được “nhà luật” và chủ hàng trừ thẳng vào tiền cước vận chuyển, không được thông báo, thỏa thuận trước. Chỉ khi xe về mới bị kê ra, ép đưa tiền nhưng không có chứng từ, bằng chứng nào liên quan.

Nhiều người đã gọi điện cho chủ hàng phản ánh, nhờ can thiệp thì cũng chỉ nhận câu trả lời “tôi làm sao biết họ thu những khoản gì?”... Nhà xe đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chi tiền để lấy xe ra về vì chẳng biết phải kêu ai.

Trong vai chủ xe, PV đã trực tiếp liên hệ với một số “nhà luật” thì đều được xác nhận các khoản thu đối với nhà xe trên và cho biết họ “chỉ thu hộ chủ hàng 2 bên Việt Nam và Trung Quốc, nếu có thắc mắc, nhà xe phải tìm đến chủ hàng để hỏi cho rõ”.

Liên hệ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu và Công an tỉnh Lạng Sơn để phản ánh vụ việc, những đơn vị này khẳng định: “Không có “luật ngầm”, đây là những khoản tiền người làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu thu sau khi hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu hàng hóa. Mức thu được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận với chủ hàng, lái xe và chủ xe”…

Chủ hàng cũng không biết “nhà luật” thu gì?

img

Tài xế, kiêm chủ xe tên T. đưa PV đi tìm hiểu “luật ngầm” tại cửa khẩu Tân Thanh

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với 1 số chủ hàng thanh long có tiếng tại Đồng Nai và một số tỉnh phía Nam và được biết: Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, các xe sẽ đi thẳng sang chợ biên giới tại Trung Quốc để bán hàng. Khi đó, “nhà luật” tại cửa khẩu sẽ được chủ hàng ủy quyền bán hàng tại Trung Quốc.

Từ khi bùng phát dịch bệnh đến nay, gần như các chủ hàng đều đã bỏ phương thức bán hàng truyền thống này.

Thay vào đó, những chủ hàng lớn đã chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, ký hợp đồng cung ứng, vận chuyển bằng đường biển để giảm chi phí.

Còn lại đa phần mặt hàng trái cây xuất khẩu trên đường bộ hiện nay đều do chủ hàng Trung Quốc cử người sang thu mua, thuê vận chuyển về Trung Quốc.

Chủ hàng tên A Tứ, quê Quảng Đông, Trung Quốc, đã có kinh nghiệm 9 năm cùng vợ là người Việt Nam thu mua thanh long tại Đồng Nai xuất khẩu sang Trung Quốc khẳng định: “Tôi đang thuê các xe container lạnh loại 45 feet vận chuyển thanh long ra Lạng Sơn xuất khẩu với giá cước 83 triệu đồng. Tiền luật, chi phí xuất hàng qua cửa khẩu tại Việt Nam thì nhà xe phải chịu. Chủ hàng sẽ chịu phí nhập khẩu và các chi phí phát sinh của xe và hàng tại Trung Quốc”.

Theo A Tứ, lúc xe bắt đầu di chuyển từ miền Nam, tài xế chỉ được ứng trước 20 triệu đồng. Khi xe qua cửa khẩu, chủ hàng sẽ chuyển số tiền còn lại qua “nhà luật” để trả cho nhà xe.

Mỗi chuyến hàng sẽ yêu cầu “nhà luật” tại Lạng Sơn giữ lại 16 triệu đồng “tiền luật” khi trả cước. Trong đó có 11 triệu đồng được “nhà luật” giữ lại làm tiền công và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính tại cửa khẩu.

5 triệu đồng còn lại, “nhà luật” phải gửi về tài khoản của chủ hàng để bù chi phí vận chuyển. Các khoản thu, chi phí phát sinh tại Trung Quốc sẽ do đối tác nhận hàng tại Trung Quốc chi trả.

“Thời gian qua, việc thu “tiền luật” tại cửa khẩu Việt Nam rất lộn xộn, tôi cũng nghe nhiều người nói “nhà luật” lợi dụng, bịa ra các khoản thu không có thật để lấy thêm tiền của đơn vị vận tải. Kể cả trường hợp nhà xe phải chịu chi phí tại Trung Quốc thì cũng không thể lên đến 30 triệu đồng như vậy”, chủ hàng A Tứ chia sẻ.

Một số chủ hàng Trung Quốc cũng khẳng định: Không có chuyện chủ hàng Trung Quốc giữ xe rồi gửi hình ảnh về nói hàng thối, hỏng để ép đơn vị vận tải trả số tiền chuộc lớn như nhà xe phản ánh hiện nay.

Tình trạng này là do “nhà luật” và người mua hàng Việt Nam tự thực hiện để không phải trả tiền cước xe.

“Chủ hàng Trung Quốc họ làm ăn lớn, có uy tín nhiều năm nên sẽ không tự ý thu thêm, chèn ép nhà xe như vậy”, một chủ hàng nói.

Theo một số chủ hàng Trung Quốc, để hạn chế việc lợi dụng, thu “tiền luật” giá cao tại cửa khẩu, khi ký hợp đồng, đơn vị vận tải cần hỏi rõ, ghi vào hợp đồng chi tiết tiền cước, địa điểm giao hàng, tiền phí phát sinh phải chịu khi xuất khẩu và thực hiện đúng theo nội dung đã ký.

Như vậy, khi xuất hàng, kể cả có phát sinh thêm chi phí khách quan, ngoài ý muốn cũng chỉ tăng thêm vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng thì các bên cũng dễ thương lượng hơn.

Còn như hiện nay, đơn vị vận tải Việt Nam luôn ở “kèo dưới”, luôn phải chịu sự chèn ép của “nhà luật” và chủ hàng.

Ngày 15/7, Báo Giao thông đăng bài “Tái diễn “luật ngầm” nơi cửa khẩu Tân Thanh”, phản ánh nhiều lái xe, đơn vị vận tải tiếp tục bị các “nhà luật” (người nhận làm thủ tục hành chính tại cửa khẩu) giữ giấy tờ xe, yêu cầu đưa từ 25 - 30 triệu đồng, cao gấp gần 2 lần thời điểm trước.

Ngày 19/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, giao các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương kiểm tra các thông tin báo nêu để có biện pháp xử lý kịp thời, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản giao Công an tỉnh khẩn trương vào cuộc làm rõ, đề xuất biện pháp xử lý, hoàn thành trước ngày 30/7/2022.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.