Thời sự Quốc tế

Tai nạn tàu ở Hy Lạp: Người dân phẫn nộ "đội mưa" biểu tình, đình công

Nhiều ngày nay, người dân, lao động đường sắt Hy Lạp đã xuống đường biểu tình, đình công vì vụ tai nạn tàu khiến ít nhất 57 người thiệt mạng.

Biểu tình, đình công rầm rộ trên cả nước

Dù trời mưa lớn, sấm chớp, người biểu tình vẫn đội mưa diễu hành từ trụ sở Hellenic Train - công ty chịu trách nhiệm vận hành, bảo trì đường sắt Hy Lạp tới tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Athens yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, các cá nhân chịu trách nhiệm liên quan tới vụ tai nạn tàu thảm khốc hôm 28/2.

Trong dòng người biểu tình, ông Stelios Dormarazoglou chia sẻ, đáng lẽ thảm kịch có thể ngăn chặn nếu Chính phủ Hy Lạp thực hiện các biện pháp cần thiết để nâng cấp hệ thống đường sắt. Ông Dormarazoglou cho hay con trai ông tham gia nâng cấp hệ thống tín hiệu, cảnh báo của đường sắt Hy Lạp từ 9 năm trước nhưng từ đó đến nay, hoạt động nâng cấp vẫn đình trệ do các công ty chỉ quan tâm tới lợi nhuận.

img

Người biểu tình tại thủ đô Athens ngày 2/3 liên quan vụ tai nạn tàu ở miền trung Hy Lạp. Ảnh - EPA

Các cuộc biểu tình cũng nổ ra tại nhiều thành phố lớn khác ở Hy Lạp. Đêm 1/3, người biểu tình ném đá vào văn phòng công ty đường sắt Athens ở thị trấn Tempe, miền trung Hy Lạp đến mức cảnh sát chống bạo động phải sử dụng hơi cay để trấn áp người biểu tình.

Tại thành phố Thessaloniki và Patras, hàng nghìn người cũng tham gia biểu tình trong ngày 2/3.

“Chuyến tàu chở đầy sinh viên, những thanh niên độ tuổi 20 vô tội. Sự việc thật quá đỗi bàng hoàng, các toa tàu bẹp rúm như những tờ giấy bị vò nát” - ông Costas Bargiotas, bác sĩ khoa chỉnh hình tại bệnh viện Larissa bàng hoàng chia sẻ.

Tính đến ngày 3/3, ít nhất 57 người được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ tàu chở khách đâm trực diện tàu hàng tại thành phố Larissa, miền trung Hy Lạp hôm 28/2.

Đa số nạn nhân thiệt mạng là sinh viên đi tàu đêm để trở về trường sau kỳ nghỉ cuối tuần.

Trong khi đó, còn 56 người có trong danh sách hành khách vẫn chưa tìm thấy.

Trong khi đó, công nhân đường sắt tại Hy Lạp tham gia đình công khiến phần lớn dịch vụ đường sắt tại quốc gia này đình trệ trong ngày 2/3.

Trong một thông báo, các công đoàn đường sắt tại Hy Lạp cho biết cuộc đình công sẽ kéo dài tới ngày 4/3, phản đối cách quản lý của Chính phủ Hy Lạp vì cho rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến thảm họa tai nạn đường sắt vừa qua.

Các nghiệp đoàn chỉ trích tình trạng cắt giảm chi phí, thiếu lao động, trang thiết bị lạc hậu, cơ sở hạ tầng nghèo nàn đã tồn tại trong ngành đường sắt Hy Lạp suốt nhiều năm.

Một thẩm phán địa phương tại Hy Lạp đề nghị lập tức điều tra cáo buộc tuyến đường sắt vừa xảy ra tai nạn đang ở trong tình trạng thiếu hệ thống tín hiệu trong khi đây là tuyến đường sắt quan trọng dẫn tới sân bay quốc tế Athens, phục vụ hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm.

Ngoài người lao động trong ngành đường sắt, nhiều nhân vật có ảnh hưởng tại quốc gia này cũng đã xuất hiện trên các chương trình truyền hình đề nghị tiến hành điều tra.

Còn 56 người mất tích nhưng hy vọng mong manh

Trong khi đó, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải dùng máy cắt kim loại để tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong những toa tàu bị biến dạng.

Một số nhân viên cứu hộ e ngại, dù các lực lượng vẫn nỗ lực hết sức để tìm kiếm cứu nạn nhưng khả năng tìm thấy người sống sót là rất thấp do nhiệt độ trong 2 toa tàu bị bốc cháy có thể lên tới 1.300 độ C.

img

Đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ đâm tàu tại thành phố Larissa, Hy Lạp. Ảnh - Reuters

Ngoài ra, việc nhận dạng thi thể các nạn nhân cũng rất khó khăn vì trong nhiều trường hợp thi thể/bộ phận thi thể nạn nhân đã cháy đen.

Những ngày này, không khí tang thương, đau buồn bao trùm khắp đất nước Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch.

Chính phủ Hy Lạp cũng chia sẻ với nỗi mất mát của gia đình các nạn nhân, cam kết mở cuộc điều tra toàn diện cũng như xem xét trách nhiệm trong việc chậm thực hiện các dự án đường sắt.

img

Những toa tàu bẹp rúm, biến dạng sau vụ tai nạn thảm khốc. Ảnh - Reuters

Sau vụ tai nạn, trưởng ga Larissa đã bị bắt và đối mặt cáo buộc làm gián đoạn hoạt động vận tải, gây nguy hiểm tính mạng nhiều người.

Ngày 2/3, luật sư của người này cho biết thân chủ của ông rất đau đớn khi con số thương vong quá lớn và sẵn sàng nhận một số trách nhiệm liên quan tới vụ tai nạn nhưng nguyên nhân dẫn tới sự việc còn do nhiều yếu tố khác.

Về phần mình, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng vụ tai nạn tàu là do “sai sót vô cùng lớn của con người”.

Song nhiều cá nhân tại Hy Lạp cho rằng thảm kịch đáng lẽ có thể được ngăn chặn, viện dẫn thông tin các nghiệp đoàn đường sắt từ lâu đã cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm tàng trong hệ thống đường sắt của quốc gia này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.