Văn hóa - Giải Trí

Tài năng âm nhạc và nghịch lý hậu giải thưởng

03/05/2017, 11:05

Các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc dày đặc trên truyền hình kéo theo sự xuất hiện ồ ạt các "ngôi sao"...

23

Ca sĩ Đức Phúc

“Lính lệ thắng con quan”

Hiện tại, mở bất kỳ kênh truyền hình nào người ta đều dễ dàng bắt gặp một chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, từ Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Vietnam Idol, Vietnam Idol nhí, Thần tượng Bolero,… Các chương trình tìm kiếm tài năng ca nhạc được tổ chức như “nấm sau mưa” và người ta cũng nhận ra các tài năng của Việt Nam được tìm ra nhiều vô số. Thế nhưng, bước ra khỏi các cuộc thi ấy, các tài năng ấy đa số “mất tích” trong showbiz, số khác lặn ngụp tìm cho mình một lối đi riêng, một chỗ đứng trong thị trường giải trí khắc nghiệt và tính đào thải mạnh mẽ. Trớ trêu hơn, không ít người giành ngôi vị cao khi ra nghề lại có sự thăng tiến khiêm tốn hơn rất nhiều so với những người đoạt giải thấp hơn, thậm chí không bằng cả những người không đoạt giải nào trong cuộc thi.

"Một thị trường âm nhạc có nhiều tài năng cạnh tranh sẽ rất tốt cho việc đẩy chất lượng âm nhạc bởi tính đào thải cao. Một người hát được, nhìn được, nhảy được chưa chắc có thể thành ngôi sao nếu họ không có điều gì đặc biệt”.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh

Điển hình là Vũ Thảo My (Quán quân Giọng hát Việt 2013) vẫn đang loay hoay tìm cho mình một vị trí trong showbiz Việt, ra mắt vài single nhưng không nổi trội thì Vũ Cát Tường (Á quân Giọng hát Việt 2013) đã có những bước tiến đáng kể trong sự nghiệp. Là chủ nhân của hàng loạt bản hit như: Mơ, Yêu xa, Vết mưa…, liên tiếp giành giải Bài hát Việt trong nhiều tháng liền, trở thành huấn luyện viên của Giọng hát Việt nhí 2016. Vũ Cát Tường đang có vị trí khiến nhiều ca sĩ trẻ ao ước.

Cũng xuất phát từ Giọng hát Việt, nhưng bước ra khỏi ánh hào quang của chương trình này, Đức Phúc khá chật vật. Nam ca sĩ từng phải trải qua những thời điểm khó khăn khi cả tháng trời không có show diễn nào, thậm chí liên hệ với một số tờ tạp chí để xin lên bìa cũng không được. Từ khi đăng quang Giọng hát Việt 2014, Đức Phúc đã ra mắt 5 single nhưng chỉ có single Ánh nắng của anh ra mắt cuối năm 2016 là tạo được chút tiếng tăm. Trong khi đó, Á quân Hoàng Dũng lại có những bước nhỉnh hơn khi liên tục có những sản phẩm âm nhạc được đón nhận như: Yếu đuối, Chờ anh nhé. Nam ca sĩ cũng ghi dấu ấn trong Sing my song – Bài hát hay nhất với ca khúc Đi đâu để thấy hoa bay, Vì anh vẫn. Cũng là Á quân chương trình, Yến Lê đã có những bước tiến nhất định trong sự nghiệp nhờ cá tính âm nhạc khác biệt và chịu khó đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc.

Làng âm nhạc cũng chứng kiến nhiều quán quân đi “ngược vạch xuất phát” như Thảo Nhi (Học viện ngôi sao 2015), Ngô Thanh Huyền (Sao mai 2013),… Chưa kể, không ít tài năng đăng quang quán quân nhưng không phải ai cũng được khán giả “nhớ mặt đặt tên”.

Không chỉ tài mà cả… tiền

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhìn nhận, các sân chơi và luật chơi hiện nay nằm trong tay nhà tài trợ và nhà sản xuất. Việc các nhà tài trợ tham gia quá nhiều và quá sâu vào việc sản xuất chương trình đôi khi ảnh hưởng đến chất lượng nội dung, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hiệu quả bình chọn các quán quân. Theo anh, khi các thương hiệu tham gia vào thì cả một ngành âm nhạc thay đổi chứ không riêng gì các cuộc thi. Bởi, suy cho cùng, nhà sản xuất và đơn vị tài trợ đều chú trọng rating, từ đó dẫn theo nhiều sai lệch khó tránh trong cả khâu bình chọn lẫn tổ chức nội dung.

Nhạc sĩ phân tích, nhiều năm trước, các tài năng được sàng lọc nhờ giám khảo, họ rất kỹ càng trong việc chọn ra tài năng. Ngày nay, giám khảo chủ yếu giúp tăng lượt xem chứ ít làm đúng công việc đánh giá sàng lọc. Quyền bình chọn thuộc về khán giả, điều này không sai, nhưng khó kiểm soát những sai lầm. Khán giả không thể tinh ý về chuyên môn như một giám khảo thực thụ được. Họ cảm nhận và bình luận theo cách riêng đa phần là cảm tính, cũng không mang trên mình trọng trách như một giám khảo. Vì thế, đôi khi quán quân là người khán giả thích nhưng giới chuyên môn không thích.

“Bước ra khỏi cuộc thi, những người quá tập trung vào chuyện ngôi vị, danh xưng quán quân thì rất dễ bỏ qua chuyện trau dồi kỹ năng. Ngược lại, người có tư duy vào quá trình, họ chỉ tập trung vào việc học tập trau dồi. Những người này đi đường dài tốt hơn. Có thể không được giải cao nhưng lại có tài hơn”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chia sẻ.

Trong khi đó, theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh, gameshow là nơi có thể giúp những người có năng khiếu tỏa sáng và kiếm sống bằng công việc ca hát, làm nghệ thuật mình yêu thích. Tuy nhiên, chiến thắng chỉ là một chuyện. Bước ra khỏi chương trình, nếu thí sinh muốn có thể phát triển thì cần có một ê-kíp làm việc chuyên nghiệp và dựa vào đà có sẵn để xây dựng hình ảnh. Anh khẳng định, vấn đề tài chính sẽ quyết định phần lớn sự thành công của một ca sĩ trong thị trường.

“Nhiều người có giọng hát hay, nhảy đẹp nhưng không có những ê-kíp hỗ trợ. Sau cuộc thi, họ cũng không biết nhờ vả, chỉ dùng số tiền thắng ít ỏi mua bài hát hay làm sản phẩm âm nhạc, như thế khó vượt lên được. Có những người dù không đoạt giải nhưng họ có tiền đầu tư cho sản phẩm, hình ảnh của mình thì sẽ nhanh nổi tiếng hơn. Thế mới nói, sự phát triển sau cuộc thi không liên quan nhiều tới tài năng”, anh chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.