Thế giới giao thông

Tài sản tập đoàn vận tải Hanjin đang bị xâu xé?

27/10/2016, 09:25
image

Tập đoàn vận tải Hanjin Hàn Quốc đang đối mặt nguy cơ đóng cửa và phải bán phần lớn tài sản để trả nợ.

1
Hyundai rất hứng thú mua tàu công suất lớn của Hanjin

Tập đoàn vận tải Hanjin của Hàn Quốc đang đối mặt nguy cơ đóng cửa và phải bán phần lớn tài sản để trả nợ. Trong khi đó, các đối tác đang cân nhắc tiềm năng tài sản của Hanjin để tham gia đấu thầu.

Hanjin bắt đầu bán tài sản để trả nợ

Hiện, tập đoàn Hanjin đang nợ khoảng 6,03 nghìn tỷ won (5,41 tỷ USD). Để trả nợ, mới đây, Hanjin được Tòa án Trung ương Seoul chấp thuận bán hệ thống hoạt động của tuyến vận tải châu Á - Mỹ bao gồm hệ thống nhân lực, 5 tàu container và 10 chi nhánh nước ngoài. Tòa án sẽ nhận hồ sơ dự thầu từ các bên mua tiềm năng cho đến ngày 28/10, có thể gia hạn đấu thầu cuối cùng vào ngày 4/11 để các bên cân nhắc kỹ càng. Việc bán tài sản này sẽ được hoàn tất vào cuối tháng sau nhưng đến thời điểm này chưa quyết định giá cả, theo Yonhap.

Trước nay, tuyến vận tải châu Á - Mỹ mang về cho Hanjin 4 nghìn tỷ won/năm (3,5 tỷ USD); Được đánh giá là khá béo bở và thu hút nhiều người mua quan tâm. Theo Reuters, tập đoàn Vận tải hàng hải Hyundai (HMM) có thể sẽ nộp đơn đấu thầu sơ bộ để mua lại các tài sản đã được sử dụng trên tuyến châu Á - Mỹ.

Bên cạnh tài sản trên, ngày 21/10 vừa qua, Đại diện Tòa án cho biết, Hanjin đang đàm phán để bán cổ phần tại cảng container Long Beach tại California (Mỹ) cho Công ty Vận tải Địa Trung Hải có trụ sở tại Geneva. Hanjin đang sở hữu khoảng 54% cổ phần trong tập đoàn Total Terminals International LLC, chủ của cảng container Long Beach.

Khó lọt mắt đại gia

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Hanjin khó bán tài sản tuyến châu Á - Mỹ cho các tập đoàn vận tải lớn với giá cao. Bởi, “vận tải container là ngành kinh doanh dịch vụ, nên bất cứ công ty nào cũng e ngại dính líu kiện cáo pháp lý cho dù việc kinh doanh có tốt đến đâu”, ông Rahul Kapoor, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu tài chính Drewry cho biết.

Một số nguồn tin trong ngành vận tải Hàn Quốc nhận định, các nhà vận tải lâu đời có lẽ chẳng quan tâm nhiều vào hệ thống vận tải và nhân lực của tuyến vận tải châu Á - Mỹ vì họ chắc chắn cũng sở hữu lực lượng của riêng mình. Theo đại diện Tòa án Trung ương Seoul, riêng 5 tàu container trên tuyến châu Á - Mỹ, mỗi tàu có sức chứa 6.500 TEU, loại tàu container phù hợp để phục vụ trên các tuyến giữa châu Á, Trung Đông và Ấn Độ.

Hanjin hiện có 97 tàu container, trong đó 37 tàu thuộc sở hữu, còn lại 60 tàu thuê. Số tàu này có độ tuổi trung bình khoảng 10 năm, nên được đánh giá không phải là đội tàu tiết kiệm nhiên liệu.

Theo ông Rahul Kapoor, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu tài chính Drewry, mỗi tàu container cũ của Hanjin khoảng 8-10 năm tuổi có giá khoảng 15-18 triệu USD. Để mua lại các tài sản chính của Hanjin như 37 tàu thuộc sở hữu của Hanjin cùng quyền quản lý cảng Long Beach… đối tác cần khoảng 300 – 400 tỷ won (264 - 353 triệu USD), tờ Businesskorea dẫn ước tính từ các cơ quan tài chính và chủ nợ của Hanjin cho biết.

Nhưng bản thân các nhà vận tải như Hyundai, Pacific International Lines (PIL) của Singapore vốn đã sở hữu và vận hành các con tàu tương tự. Chỉ “lính mới” gia nhập ngành vận tải, tài sản này mới giá trị.

Mặt khác, trong bối cảnh Hyundai đang phải tái cơ cấu vì thua lỗ và đang có dự định mở rộng số lượng tàu container, tập đoàn này có vẻ nhắm tới việc mua tàu công suất lớn của Hanjin hơn tuyến châu Á - Mỹ.

Một số nguồn thạo tin cho biết, HMM đang nhắm tới 5 tàu container 13.000 TEU của Hanjin. Mua tàu 13.000 TEU sẽ giúp HMM giữ vững vị trí trong liên minh vận tải 2M (Liên minh do hai nhà vận tải lớn nhất, xét về năng lực là tập đoàn Vận tải Maersk Line của Đan Mạch và tập đoàn Vận tải Địa Trung Hải của Geneva thành lập). Số tàu còn lại của Hanjin chỉ là tàu Panamaxes có công suất 10.000 TEU. Loại tàu này đang dần lạc hậu vì kênh đào Panama mở rộng từ đầu năm nay, cho phép tàu container trên 12.000 TEU đi qua.

“Hyundai sẽ là ứng viên đầu tiên nhắm tới tàu công suất lớn của Hanjin. Họ rất muốn mua thêm tàu lớn nhưng chủ yếu còn phụ thuộc vào tài chính mà Chính phủ và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) hỗ trợ”. KDB hiện là chủ nợ lớn nhất của Hanjin. Cả Chính phủ và KDB rất hào hứng ủng hộ HMM mua tài sản Hanjin vì cho rằng, HMM sẽ giúp đảm bảo thị phần của Hanjin trong vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc tới thị trường phương Tây. Nhưng cả hai đều khẳng định không bơm thêm tài chính cho Hanjin trừ tiền dỡ hàng cho các tàu container đang bị kẹt trên khắp thế giới.

>>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.