Thời sự Quốc tế

Tại sao Ấn Độ dồn dập chặn các ứng dụng Trung Quốc sau xung đột biên giới?

04/09/2020, 15:02

Ấn Độ đang dồn dập chặn các ứng dụng của Trung Quốc sau xung đột biên giới mới nhất, động lực nào khiến New Delhi có động thái này?

img
Lãnh đạo cấp cao hai nước Trung - Ấn.

Ngay sau khi xảy ra vụ đụng độ quân sự mới nhất với Trung Quốc ở khu vực “Ranh giới kiểm soát thực tế”, hôm thứ Tư, chính quyền New Delhi đã áp đặt lệnh cấm mới đối với một loạt các ứng dụng của Trung Quốc.

Động thái của Ấn Độ cho thấy ý định không ngần ngại đối mặt với sự chia rẽ với Bắc Kinh trong lĩnh vực kinh tế dù biết rằng tuyên bố cấm các ứng dụng của Trung Quốc là con dao hai lưỡi sẽ gây tổn thất cho cả Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời mang đến cơ hội hoàn hảo để Mỹ tiếp quản thị trường của quốc gia Nam Á.

Theo báo chí Trung Quốc, tất cả 118 ứng dụng Trung Quốc khác đã bị chính quyền Ấn Độ cấm dưới danh nghĩa "mối đe dọa an ninh quốc gia" vào hôm 3/9, bao gồm Baidu, AliPay, WeChat Work và trò chơi di động phổ biến PUBG, nâng tổng số ứng dụng Trung Quốc bị cấm ở quốc gia này lên 224, sau 59 ứng dụng bị cấm vào tháng 6 và 47 ứng dụng bị cấm vào tháng 7.

Sau nhiều năm đầu tư, các ứng dụng di động của Trung Quốc đã rất phổ biến ở thị trường Ấn Độ. Ví dụ, nền tảng video Trung Quốc TikTok đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần trên toàn cầu, trong đó người Ấn Độ đã tải xuống ứng dụng này 611 triệu lần, theo dữ liệu từ nền tảng phân tích công nghệ thông tin Sensor Tower vào tháng Tư.

img
Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang leo thang sang lĩnh vực kinh tế.

Nằm trong danh sách cấm mới nhất, trò chơi di động PUBG, ứng dụng có gần 33 triệu người chơi tích cực ở Ấn Độ, trở thành một trong những ứng dụng trực tuyến được tải xuống phổ biến nhất tại quốc gia này, theo tờ báo địa phương Hindustan Times.

Cùng với các căng thẳng, bất ổn định ở khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ trong những tháng gần đây, chính quyền New Delhi áp dụng các biện pháp để đối đầu với Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, chẳng hạn như cấm các ứng dụng của Trung Quốc, kéo dài thủ tục thông quan cho hàng hóa chở bằng container vận chuyển từ Trung Quốc, hạn chế các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu mua sắm công vốn được coi là nhắm vào các công ty Trung Quốc.

Chặn các ứng dụng của Trung Quốc là một trong những động thái chính thu hút sự chú ý lớn của chính quyền Ấn Độ. Các báo cáo trước đó cho biết Ấn Độ đã lập danh sách 275 ứng dụng Trung Quốc mà họ sẽ kiểm tra xem có bất kỳ hành vi vi phạm an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng nào hay không.

Về biện pháp ngăn chặn ứng dụng và các động thái mới nhất của Ấn Độ, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Global Times, ông Zhao Gancheng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cáo buộc rằng: “Những lý do thực tế ẩn sau động thái mang tính biểu tượng cao này là ý định của New Delhi nhằm chống lại Trung Quốc và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư Trung Quốc”.

img
Nhiều ứng dụng Trung Quốc đã bị cấm ở Ấn Độ - ảnh The Wall Street Journal.

Tuy nhiên, theo ông Zhao Gancheng, “đúng là các công ty Trung Quốc có liên quan sẽ chịu thiệt hại lớn, tuy nhiên, lệnh cấm là con dao hai lưỡi đối với Ấn Độ”.

Mặc dù Ấn Độ có tiềm năng tương đối cao trong phát triển phần mềm và các lĩnh vực khác, nhưng ngành công nghiệp CNTT của nước này thiếu hỗ trợ vốn đủ để phát triển độc lập vì các công ty CNTT mới thành lập thường cần sự hỗ trợ vốn lớn.

Trung Quốc và Mỹ là hai nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực CNTT của Ấn Độ. Với sự tích lũy dồi dào về vốn, công nghệ và kinh nghiệm tại các thị trường mới nổi, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tạo dựng được lợi thế so với các nhà đầu tư Mỹ tại Ấn Độ.

Ông Zhao Gancheng cho rằng: “Cách tiếp cận hợp tác với vốn Trung Quốc phù hợp với sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT của Ấn Độ về lâu dài.

Sau lệnh cấm toàn diện đối với các ứng dụng của Trung Quốc, vốn của Mỹ vốn đã mất lợi thế trên thị trường sẽ nắm lấy cơ hội màu hồng để chen chân và chiếm thị phần của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ví dụ, nền tảng thanh toán di động Alipay của Alibaba đã bị cấm, trong khi WhatsApp của Facebook được cho là đang thử nghiệm một dịch vụ thanh toán ở Ấn Độ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.