Làm báo cùng Giao thông

Tại sao anh nỡ giết người anh yêu!

20/10/2018, 08:10

Chúng ta hẳn đều đang yêu thương một ai đó, chẳng lẽ khi tình yêu kết thúc rồi sẽ chuyển sang thù hận?

B5ADC25F-C3E1-468E-A15C-BC7988F58922.

Phạm Văn Viên - kẻ đâm gục người yêu trên phố Bùi Thị Xuân tại cơ quan Công an

Những tên sát nhân mang gương mặt người yêu cũ

Trước đây ít hôm, ngày 16/10, có một vụ giết người máu lạnh ngay giữa đường Bùi Thị Xuân (Hà Nội). Cô gái bị đâm gục xuống vỉa hè khiến người dân tán loạn sợ hãi. Ra đầu thú tai cơ quan công an, Phạm Văn Viên (24 tuổi, quê Hải Dương), khai rằng hắn tấn công bạn gái cũ chỉ vì cô ấy từ chối tình cảm.

Dân mạng cũng xôn xao vụ việc ngày 14/10, chị Trần Thị Bé (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) tử vong do bị người tình tẩm xăng đốt. Tháng trước, sáng sớm ngày 16/9, một người đàn ông tới nhà chị, mang theo một can xăng, tưới vào chị, rồi châm lửa. Kẻ giết người là Nguyễn Việt Hùng, người yêu cũ, chị đã nói lời chia tay.

Rùng rợn hơn có lẽ là vụ án hồi tháng 6 năm nay, một nam thanh niên đi từ Gia Lai xuống TP.HCM tìm bạn gái cũ "nói chuyện", vì biết cô có bạn trai mới. Sau đó, sát thủ lạnh lùng siết cổ cô rồi phân xác thành nhiều mảnh, đưa tới tận Tây Ninh phi tang. Tại cơ quan điều tra, sát thủ cho biết muốn giết cô gái để giữ cô ấy là của mình mãi mãi...

Nếu thử tìm kiếm Goolge, ai cũng có thể thấy vô số các vụ sát hại người tình. Nguyên nhân rất giống nhau: cô gái đòi chia tay, chàng trai không chấp nhận nên ra tay giết người mình yêu. Một số vụ khác dù đã chia tay một thời gian, nhưng thấy bạn gái cũ có người yêu mới hoặc sắp lập gia đình, sát thủ đòi gặp, sau đó thì sát hại. Điều đáng nói, đa số những kẻ gây án chưa từng có tiền án tiền sự, chỉ vì thù hận mà trở nên mất lý trí.

"Tại sao anh nỡ giết người anh yêu?", câu hát bolero quen thuộc có thể vang lên trong suy tưởng của nhiều người sau các đoạn tin ngắn ngủi, nhưng đó thật sự là một câu hỏi gây bất an cho xã hội. Chúng ta hẳn đều đang yêu thương một ai đó hay có một ai đó yêu thương mình, chẳng lẽ tình yêu khi kết thúc rồi sẽ chuyển sang thù hận?

82074F0B-B732-43CC-9EAF-E5438155275E.

Tin nhắn của đe doạ của Phạm Văn Viên trước khi "xuống tay" với người yêu cũ

Những cái chết được báo trước nhưng không được ngăn ngừa...

Khoa học tâm lý mất rất nhiều công sức nghiên cứu về hiện tượng thất tình. Bởi đó là một trang thái tâm lý bất thường và nguy hiểm hàng đầu. Kẻ thất tình có hai xu hướng chính: quy lỗi về bản thân và quy lỗi cho đối phương.

Những người sức khỏe tâm thần yếu đuối thường đổ lỗi cho mình, xem thất tình là thất bại trong cuộc chiến tình cảm, tệ hại hơn, họ xem mình vô giá trị, cuộc đờ minh vô nghĩa..

Họ dễ thu lại hờn trách bản thân, hành hạ mình trong khổ đau, thậm chí tuyệt vọng chẳng thiết sống và tìm tới cái chết. Nạn nhân thất tình kểu yếu đuối hay tự hành hạ mình, hủy hoại mình. Các vụ tự vẫn nhảy cầu, nhảy lầu, uống thuốc độc vì tình xưa nay rất nhiều. Trong các bệnh viện tâm thần, người điên loạn vì thất tình cũng chiếm tỷ lệ lớn.

Ngược với nhóm người có xu thế đổ lỗi cho bản thân là những người luôn cho mọi sự phải có ai đó chịu trách nhiệm cho mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời họ.

Khi thất bại trong tình yêu, họ cho rằng vì đối phương tệ bạc, lừa dối, tham sang phụ khó, tráo trở... Họ cay đắng nghĩ mình bị xỏ mũi, bị mất mặt, và nung nấu sự trả thù kiểu "chết thì cùng chết", "ông không ăn thì cũng đừng hòng thằng nào ăn"…

Đó là lý do những tên tội phạm "giết người anh yêu" thường ra tay rất tàn độc như những kẻ sát thủ chuyên nghiệp máu lạnh, dù trước đó có thể họ chưa từng làm điều ác với ai.

Tuy vậy, ái tình không phải nhà tù, không gì có thể cầm tù một trái tim đã hết yêu. Nhiều cô gái, dù được níu kéo, thậm chí đe doạ, song vẫn khước từ quay lại!

Khước từ quay lại, nhưng chắc chắn rằng, những cô gái ấy không khi nào khước từ cuộc sống, song mạng sống vẫn bị cướp đoạt! Đáng nói khác với các vụ giết người cướp của hay kẻ giết người do xã hội đen được thuê mướn, trong các vụ người tình cũ giết người mình yên, kẻ thủ ác không hề che giấu ý đồ sát hại  nạn nhân từ trước.

Đơn cử như vụ án ở Đắk Nông, nạn nhân là chị Bé đã liên tục gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng trước thời điểm xảy ra vụ án cả tháng. Trong đơn, chị ghi rõ đã bị người yêu cũ dọa giết, nộp cùng tang vật là 1 can xăng, 1 can axít, bộ quần áo tẩm xăng…

D88EE0E8-2F1A-4FA7-BB44-BD12004349ED.

Lá đơn cầu cứu của chị Trần Thị Bé đã được gửi tới các cơ quan chức năng nhưng vẫn không giúp ngăn ngừa được vụ án mạng

Vậy nhưng, cơ quan công an đã chậm trễ đưa ra các biện pháp ngăn ngừa. Thậm chí, một cán bộ còn cho rằng: "Cơ quan điều tra không thể xuống canh nhà ông Hùng, cũng không thể xuống ôm cô này ngủ! Chúng tôi đã làm hết biện pháp, làm hết trách nhiệm".

Trong một vụ thanh niên thất tình đâm chết người yêu tại TP.HCM cách đây vài năm, hung thủ còn chực sẵn khi cô người yêu cũ vừa ra khỏi đồn công an. Tất nhiên, cô tới để trình báo việc mình có thể bị người yêu cũ giết và cầu cứu lực lượng chức năng bảo vệ. Nhưng chẳng có lời hồi đáp nào xứng đáng và cô gái đã gục xuống vũng máu, chết dưới tay kẻ từng yêu thương cô.

Luật pháp Việt Nam có các điều khoản để bảo vệ người tố giác tội phạm, có sẵn những duy định để khống chế các đối tượng nguy cơ cao gây nguy hiểm cho cá nhân và xã hội. Chỉ tiếc rằng sự tắc trách của cơ quan công an, sự thiếu hụt nhân sự lẫn các biện pháp kỹ thuật để khống chế, theo dõi tội phạm đã tiếp tay cho cái ác.

Thật đau xót khi những lời kêu cứu chuyển đến đúng nơi, đúng chốn, mà vẫn vô ích, vô vọng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.