Giáo dục

Tại sao cha mẹ càng thúc giục thì con cái càng lì lợm, không nghe lời?

27/05/2021, 01:00

Có một thực tế cho thấy, không phải bất kỳ những gì cha mẹ muốn tốt cho con mình cũng đều được trẻ đón nhận một cách thoải mái.

Trong một chương trình tạp kỹ "Youth Talk" ở Trung Quốc, một cậu bé đã lên sân khấu khóc và nói rằng, cậu sẽ không bao giờ muốn ăn táo và trứng trong đời. Bởi vì khi cậu học tiểu học, mẹ cậu đã yêu cầu phải ăn 2 thứ này mỗi ngày.

Cậu đã vâng lời mẹ của mình, ăn táo trong suốt những năm cấp 1, ước tính tới 2.190 quả táo. Sau khi lên cấp 2, mẹ cậu không yêu cầu ăn táo nữa mà chuyển sang yêu cầu cậu... ăn trứng. 1 năm rưỡi cậu đã ăn 547 quả trứng.

Cuối cùng cậu nói: "Mẹ ơi, tuy rằng táo và trứng rất bổ dưỡng, nhưng cả đời này con không bao giờ muốn ăn 2 thứ này nữa".

Đứa trẻ bị ép ăn một quả táo hoặc một quả trứng mỗi ngày. Ăn táo trong 6 năm và trứng trong 1,5 năm, quả là một trải nghiệm kinh khủng.

img

Ảnh minh họa

Trong tâm lý học có một hiện tượng gọi là “quá đà”, dùng để chỉ tâm lý khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh hoặc thời gian hành động quá lâu, gây tâm lý nóng nảy, nổi loạn cực độ.

Mặc dù động cơ của cha mẹ luôn là vì lợi ích của con cái, nhưng hành vi của họ lại thể hiện không đúng. Có một hiện tượng khá phổ biến trong cách giáo dục con cái hiện nay là cha mẹ luôn cho rằng, họ làm mọi việc là vì lợi ích của con, mong con cái có thể hiểu và nghe theo sự sắp đặt của mình.

Tình yêu thương không coi trọng cảm giác là liều thuốc độc đối với trẻ

- Liên tục thúc giục trẻ làm những việc chúng không thích

Khi một đứa trẻ đi học về, người mẹ liền bắt đầu thúc giục: “Khi nào con làm bài tập”, “Con mau làm bài tập đi, làm xong rồi hẵng chơi”, “Có mau làm bài tập đi không”, “Giờ này mà vẫn chưa làm xong bài tập hả, khi nào mới xong đây”, “Mẹ đã bảo làm sớm không nghe, bây giờ muộn thế này còn ngồi làm, khi nào đi ngủ”…

Lúc này, những gì mà đứa trẻ cảm thấy là sự khó chịu khi mẹ lúc nào cũng cằn nhằn, nhắc nhở.

- Nói đi nói lại một vấn đề

“Mẹ nói cho con biết, nếu không học chăm chỉ, con sẽ không tìm nổi một công việc tốt trong tương lai”, “Nếu bây giờ không học, tương lai chỉ có đi chăn bò thôi con”, “Học hành rất quan trọng với trẻ con, kiến thức thay đổi vận mệnh”, “Nhìn anh họ của con kìa, học giỏi rồi giờ kiếm được việc ngon lành chưa”, “Con phải cố gắng học hành chăm chỉ, nếu có gì không hiểu hãy hỏi giáo viên”.

Trẻ cảm thấy rất chán nản khi thấy mẹ mình cứ nhắc đi nhắc lại mỗi một vấn đề, thường chúng sẽ phản bác lại kiểu: “Con biết rồi, sao mẹ cứ nói hoài vậy”.

img

- Ăn nhiều một chút, những thứ này tốt cho sức khỏe

“Ăn trứng vào buổi sáng sẽ bổ sung protein”, “Uống sữa tăng cường canxi, con đang trong giai đoạn phát triển, cần phải uống mỗi ngày”, “Món này bổ dưỡng lắm, con ăn nhiều vào đi”, “Ăn một quả táo mỗi ngày sẽ đẩy lùi được nhiều bệnh tật”.

Cha mẹ muốn tốt cho con cái nên thường bắt chúng ăn một số món thường xuyên. Họ không nghĩ cho đứa trẻ rằng, dù món đó có ngon hay bổ dưỡng thế nào đi chăng nữa, ăn liên tục thực sự rất ngán.

Cha mẹ nên làm gì để tốt cho con cái?

Một số cha mẹ thường nói: “Nếu không thúc giục con cái, chúng sẽ không làm bài tập về nhà. Nếu không nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học, làm sao chúng có thể học hành nghiêm túc. Nếu không nhắc nhở chúng ăn thứ này, làm sao chúng có sức khỏe được, chẳng may bị bệnh thì sao…”.

Vậy thì, làm thế nào để những lời nhắc nhở, thúc giục của cha mẹ không gây ra hiệu ứng “quá đà”, trẻ ngoan ngoãn nghe lời.

- Thứ 1: Chỉ nhắc 1-2 lần

Ý nghĩa của lời nhắc không phải là một yêu cầu mà là thông báo.

Cha mẹ phải làm gì nếu thấy con mình không chủ động làm bài tập về nhà sau khi đi học về. Lúc này, cha mẹ có thể nhắc nhở 1 lần: “Mẹ nghĩ con có thể làm bài tập về nhà của mình bây giờ. Nếu con làm xong sớm, con sẽ có nhiều thời gian để làm những gì bản thân muốn. Tất nhiên, mọi thứ là do con tự quyết định”.

Lời nhắc nhở này không chỉ là “con nên làm bài tập về nhà vào lúc này”, mà còn là “con có quyền quyết định việc mình muốn làm”.

img

Nếu trẻ vẫn không nghe theo, cha mẹ có thể nhắc nhở lần 2: “Con ơi, đã X giờ rồi, con không đi làm bài tập à?”

2 lần nhắc nhở là đủ, nếu sau 2 lần này mà trẻ vẫn không làm gì cả, cha mẹ càng nhắc nhở chỉ càng khiến chúng trở nên cáu kỉnh, không muốn làm bài, hoặc miễn cưỡng làm dưới áp lực sợ hãi cha mẹ.

Khi bước vào tuổi thành niên, trẻ sẽ không còn nghe lời cha mẹ nữa. Dù cha mẹ nói gì, chúng cũng sẽ phản bác lại, sống buông thả bản thân.

Vì vậy, cha mẹ kỷ luật con cái không phải hoàn toàn là kiểm soát hành vi của chúng, mà còn uốn nắn suy nghĩ của con mình một cách đúng đắn.

- Thứ 2: Chỉ nói 1 lần, không nhắc đi nhắc lại vấn đề cũ, không “nói dài, nói dai, nói mãi”

Nhiều cha mẹ có xu hướng nhắc đi nhắc lại 1 vấn đề khi dạy dỗ con cái. Ví dụ, chẳng hạn khi thấy con mình không biết gấp quần áo đúng cách, họ bắt đầu nói từ việc gấp quần áo, chuyển sang việc lười biếng, phòng bừa bộn, rồi bẻ lái sang vấn đề học tập. Cha mẹ càng nói càng mở rộng vấn đề, dẫn đến hiệu hứng “quá đà”. Cuối cùng, đứa trẻ có thể đóng sầm cửa và hét lên: “Mẹ mặc kệ con đi, đừng có can thiệp vào bất kỳ chuyện gì của con nữa”.

Cha mẹ cần phải nhìn nhận rằng, mình chỉ cần nói đúng 1 vấn đề, càng nói nhiều thì khả năng chấp nhận của trẻ càng thấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.