Thời sự Quốc tế

Tại sao nước Mỹ thả quả cầu đón giao thừa tại Quảng trường Thời đại?

Thả quả cầu từ nóc tòa tháp One Times Square đã trở thành nghi thức đón giao thừa hàng năm tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ từ năm 1908.

Năm 1904, tòa nhà trụ sở báo New York Times được khánh thành tại phố số 46 giao với đại lộ Broadway, New York. Vào thời điểm này, khu Midtown Manhattan gần trụ sở mới của tòa soạn vốn đã là địa điểm thu hút đông đảo người dân New York tới tham gia sự kiện đón giao thừa hàng năm.

Đến năm 1905, để thu hút sự chú ý, báo New York Times đã tổ chức màn trình diễn pháo hoa khiến tòa nhà trụ sở công ty sáng rực trong đêm giao thừa. New York Times mô tả sự kiện này trong bài viết ngày 2/1/1905 là “cả công trình khổng lồ được thắp sáng từ nền tới mái vòm… chưa từng có sự kiện đón Giao thừa nào hoành tráng đến như vậy”.

Màn trình diễn pháo hoa mang đến sự kiện đón chào năm mới hoành tráng và ấn tượng nhưng để lại lượng lớn tro nóng trên đường phố. Do đó, đến năm 1907, chính quyền thành phố New York quyết định cấm pháo hoa.

img

Thời khắc đón chào năm 2022 tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. Ảnh - AFP

Vậy là, ban lãnh đạo New York Times đưa ra quyết định thả quả cầu thắp sáng từ trên đỉnh tòa tháp trụ sở của báo để chào đón năm 1908. “Thời khắc năm mới gõ cửa sẽ được đánh dấu bằng việc thả quả cầu thắp sáng từ trên đỉnh tháp. Quả cầu sẽ có đường kính 1,5m, với ánh sáng đến từ 216 ngọn đèn điện”, New York Times thông báo ngày 31/12/1907.

Và quả cầu được làm bằng sắt và gỗ, nặng 317kg đó đã trở thành quả cầu đầu tiên mở màn cho truyền thống đón năm mới không thể thiếu hàng năm của người dân New York nói riêng và thu hút đông đảo người dân trên toàn thế giới dõi theo ngày nay.

Nghi thức đón năm mới này vẫn được tổ chức đều đặn tại tòa tháp One Times Square, Quảng trường Thời đại kể cả sau khi báo New York Times chuyển đến trụ sở khác vào năm 1913 và chỉ bị gián đoạn vào 2 năm 1942 và 1943 trong thời kỳ Thế chiến II.

img

Nghi thức thả quả cầu đón năm mới được duy trì suốt từ năm 1905 đến nay chỉ bị gián đoạn vào 2 năm 1942 và 1943 trong thời kỳ Thế chiến II. Trong thời gian dịch Covid-19, New York vẫn tổ chức thả quả cầu và truyền hình trực tiếp

Nhà thiết kế quả cầu đầu tiên được thả tại Quảng trường Thời đại là ông Jacob Starr, nhà sản xuất, thiết kế trong lĩnh vực điện. Theo ý tưởng của ông Starr, khi đồng hồ điểm thời khắc giao thừa, quả cầu sẽ được hạ xuống bằng hệ thống ròng rọc.

Từ năm 1908 tới nay, cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, quả cầu đã trải qua một số thay đổi về thiết kế, từ quả cầu đầu tiên làm bằng sắt và gỗ tới quả cầu nhôm rồi phiên bản quả cầu nặng 6 tấn gắn 2.688 viên pha lê của hãng Waterford Crystal như hiện nay.

Nghi thức thả quả cầu rơi đón năm mới tại Quảng trường Thời đại được lấy ý tưởng từ cách để báo hiệu thời gian từ thời xa xưa qua việc hạ một quả cầu dọc chiếc cột hoặc nhờ hệ thống ròng rọc. Một trong những quả cầu thời gian đầu tiên trên thế giới được lắp đặt tại Đài Thiên văn Hoàng gia Greenwich, London vào năm 1833.

img

Nghi thức thả quả cầu rơi đón năm mới tại Quảng trường Thời đại được lấy ý tưởng từ cách để báo hiệu thời gian từ thời xa xưa qua việc hạ một quả cầu dọc chiếc cột hoặc nhờ hệ thống ròng rọc.

Cứ 13h hàng ngày, quả cầu lại được thả rơi để thuyền trưởng trên các con tàu qua lại trên sông Thames căn cứ vào đây điều chỉnh thời gian trên đồng hồ đo của tàu thuyền. Vào thời điểm đó, những quả cầu thời gian đóng vai trò rất quan trọng bởi đa số người dân không đủ điều kiện để sở hữu đồng hồ.

Tuy nhiên, theo thời gian, khi các múi giờ trên thế giới được chuẩn hóa, đồng hồ, đồng hồ đeo tay trở nên phổ biến hơn, các quả cầu thời gian cũng dần lùi vào dĩ vãng. Chỉ một số ít quả cầu còn tồn tại tới ngày nay như quả cầu ở Đài Thiên văn Hoàng gia Greenwich, Đài thiên văn Hải quân Mỹ ở Washington, D.C và quả cầu được thả mỗi năm một lần báo hiệu thời khắc năm mới tại Quảng trường Thời đại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.