Chuyện dọc đường

Tại sao thu phí, thu giá, thu tiền?

10/05/2019, 07:02

Bộ GTVT lấy tên gọi “trạm thu tiền” thay vì “trạm thu phí” là không có gì sai.

img
Trạm thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC quản lý - Ảnh: Khánh Linh

Những ngày qua, thông tin Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến về việc sửa đổi tên gọi “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền” làm nóng các diễn đàn, phương tiện truyền thông và dư luận xã hội. Đây không phải là lần đầu, bởi chỉ cách đây chưa đầy một năm, Bộ GTVT đã đề xuất thay đổi tên gọi “trạm thu phí” thành “trạm thu giá”, khi đó đã có những làn sóng chỉ trích cho rằng, đề xuất thay đổi thuật ngữ này không phù hợp, khó nghe, không quen tai. Thậm chí, thuật ngữ “trạm thu giá” còn được đưa ra bàn luận tận nghị trường Quốc hội.

Tuy nhiên, để đánh giá đề xuất đổi tên này đúng hay sai, chúng ta phải làm rõ bản chất kinh tế của hai thuật ngữ trong nền kinh tế thị trường và các văn bản pháp lý hiện hành.

Đầu tiên là phí, bản chất “phí” là khoản tiền phải trả cho dịch vụ công cung cấp, mang tính phục vụ, nhằm bù đắp một phần ngoài mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, hoặc cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển KT-XH trong từng thời kỳ.

Còn “giá” là khoản tiền phải trả trong hoạt động mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo quy luật thị trường (quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu). Bản chất kinh tế của giá trong cấu thành của nó là tính đúng, tính đủ chi phí trong sản xuất hàng hóa, dịch vụ và có lợi nhuận nhất định.

Giữa “giá” và “phí” được điều chỉnh khác nhau bởi hai luật: Luật Phí và Luật Giá. Trong Luật Phí và lệ phí 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017), Bộ Tài chính đã chuyển 40 loại phí sang thành giá, trong đó có phí sử dụng đường bộ được chuyển thành giá sử dụng dịch vụ đường bộ.

Trước đây, những con đường, cây cầu được Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách và có thu tiền để bù đắp một phần chi phí đầu tư, tiền thu đó gọi là phí đường bộ. Còn hiện nay, trên cả nước đã có hàng chục dự án đường bộ được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Đối với các dự án thực hiện theo hợp đồng BOT, sau khi xây dựng, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời gian nhất định, hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận quản lý, khai thác. Công trình đã có tư nhân tham gia đầu tư, thì không còn là dịch vụ công nữa. Khi đó, nếu chúng ta vẫn gọi là phí sử dụng đường bộ sẽ không phù hợp với bản chất kinh tế và trái với luật đã ban hành.

Rõ ràng, bản chất kinh tế giữa “phí” và “giá” là khác nhau, trong khi luật cũng đã có quy định chuyển từ phí đường sang giá dịch vụ sử dụng đường bộ, nên Bộ GTVT đề xuất đổi tên thuật ngữ thu phí đường bộ thành thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ là hoàn toàn chính xác. Việc này cũng giống như lĩnh vực y tế, trước đây chúng ta gọi là phí y tế, nhưng theo Luật Phí và lệ phí, từ 1/1/2017, phí y tế đã chuyển thành giá dịch vụ y tế và hiện nay vẫn thực thi bình thường, chẳng có ý kiến nào phản đối, chỉ trích.

Về tên gọi “trạm thu phí”, “trạm thu giá” hay “trạm thu tiền”, chúng ta cần phải hiểu rõ về mặt kinh tế, giá thể hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, do vậy, Bộ GTVT lấy tên gọi “trạm thu tiền” thay vì “trạm thu phí” là không có gì sai. Nhiều người cho rằng, cứ lấy tên gọi cũ là “trạm thu phí” cho dễ nghe, quen tai, nếu gọi vậy là không đúng về bản chất kinh tế và vi hiến khi chúng ta ban hành luật nhưng lại không thực hiện luật.

Lĩnh vực nào cũng thế, ban đầu, một số thuật ngữ, khái niệm mới có vẻ nghe chưa quen, nhưng tên gọi, thuật ngữ đó đúng bản chất và đúng luật thì chúng ta phải chấp nhận, không thể chạy theo dư luận xã hội và chiều lòng tâm lý đám đông.

PGS.TS.Ngô Trí Long
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.