Xã hội

Tài xế bị phạt vì tấm băng rôn ở chợ Bến Thành có đòi lại được tiền?

26/02/2020, 19:34

Nếu các tài xế bị phạt bởi 2 tấm băng rôn treo ở chợ Bến Thành khiếu nại quyết định xử phạt, họ có đòi lại được số tiền đã nộp?

img
Tấm băng rôn "Khu vực đón, trả khách" ở cửa Đông chợ Bến Thành đã được tháo xuống. Ảnh chụp chiều 26/2. Ảnh Đỗ Loan

Dù đến nay 2 tấm băng rôn "Nơi dừng đón, trả khách" treo ở hai cổng Đông và Tây của chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM đã được tháo xuống, song câu chuyện những tấm băng rôn này bị "bỏ quên" gần 1 năm khiến nhiều tài xế bị phạt oan vẫn khiến nhiều người bàn tán. Câu hỏi được đặt ra là nếu các tài xế khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử phạt, họ có đòi lại được số tiền đã nộp?

"Quận 1 thực hiện sai thẩm quyền"

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TP.HCM), việc UBND quận 1 treo 2 băng rôn ở chợ Bến Thành để thí điểm cho taxi đón trả khách chỉ mang tính tự phát và không nằm trong thẩm quyền của UBND cấp quận.

Bởi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, chỉ có UBND cấp tỉnh trở lên mới có thẩm quyền tổ chức giao thông, trong đó có thẩm quyền về đặt các loại biển báo giao thông (trong khi băng rôn cũng không phải là biển báo giao thông).

"Tài xế tham gia giao thông phải tuân thủ biển báo, tín hiệu hoặc chỉ dẫn của người điều khiển giao thông chứ không thể theo băng rôn", luật sư phân tích.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cũng cho rằng, chỉ có ngành GTVT mới có quyền cắm những biển báo hiệu giao thông đường bộ.

Theo luật sư Hậu, việc tài xế bị xử phạt tại chợ Bến Thành do đậu xe tại khu vực có băng rôn “Khu vực đón, trả khách” là đúng. Các lái xe cũng không thể viện lý do là dừng, đỗ vì thấy tấm băng rôn, bởi xung quanh chợ Bến Thành đã có biển cấm dừng, đỗ phương tiện.

Tuy nhiên, cần xét lại thời điểm treo băng rôn để "minh oan" cho các tài xế. Chẳng hạn, băng rôn trên do UBND quận 1 treo được ban hành khi nào và hết hiệu lực khi nào? Nếu UBND quận 1 cho rằng đã treo từ đầu tháng 8/2018 để thí điểm 5 điểm đón taxi thì băng rôn này chỉ có hiệu lực trong thời gian thí điểm. Trong thời gian thí điểm, nếu tài xế đỗ xe ở khu vực này sẽ không bị phạt. Ngoài thời gian này, tài xế bị phạt là đúng.

"Nhưng điều đáng nói là đã hết thời gian thí điểm, băng rôn này vẫn tồn tại và tài xế đỗ xe dưới băng rôn này vẫn bị phạt. Tài xế có quyền khiếu nại theo luật. Người khiếu nại có thể khiếu kiện cơ quan, tổ chức gây thiệt hại cho mình, song phải chứng minh được thiệt hại thế nào", luật sư Hậu nêu quan điểm.

img
Tấm băng rôn có dòng chữ "Khu vực đón, trả khách" do UBND quận 1 treo và hiện đã được tháo xuống. Ảnh cắt từ clip

Tài xế có quyền khiếu nại

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cũng cho rằng việc cơ quan chức năng xử phạt tài xế là có căn cứ. Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh, những tấm băng rôn tồn tại một năm rưỡi như một sự hiển nhiên mà các cơ quan chức năng không biết thì không thể chấp nhận được.

"Theo tôi có thể xem đây là trường hợp thuộc "sự kiện bất ngờ". Tức "sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra" theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, để không xử phạt những tài xế dừng đón trả khách ngay trước tấm bảng này", luật sư Hưng nói.

Tương tự, luật sư Đoàn Văn Phiến (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu quan điểm: nếu băng rôn ở chợ Bến Thành chỉ có hiệu lực thời gian ngắn mà lại treo quá quy định, không được tháo xuống để lái xe bị phạt trong một thời gian dài thì tài xế có quyền khiếu nại đơn vị đã treo băng rôn.

Theo các luật sư, về nguyên tắc, tài xế có quyền khiếu nại hành chính đối với quyết định xử phạt. Họ cần làm đơn khiếu nại và khiếu nại sẽ được tiếp nhận, xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan ban hành quyết định xử phạt sẽ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

"Muốn đòi quyền lợi, tài xế phải chứng minh bản thân không có lỗi trong việc gây ra hành vi, và theo tôi cần chứng minh đó là "sự kiện bất ngờ"", luật sư Hưng nói và cho rằng, ở đây cũng có trách nhiệm của lực lượng chức năng khi mà họ thường xuyên xử lý vi phạm, song cũng không phát hiện được sự vô lý này.

Mặc dù vậy, theo các tài xế, việc khiếu nại cơ quan chức năng là việc có lẽ ít người muốn làm, bởi tốn kém thời gian, chi phí mà không biết có đem lại lợi ích gì hay không.

"Nói thiệt, việc khiếu kiện có khi còn mất thêm thời gian, tiền bạc nữa. Lo chạy xe kiếm tiền nuôi vợ con chứ hơi đâu mà đi kiện. Chỉ mong các cơ quan chức năng không còn vô tâm để tiếp tục có những sự việc tương tự. Tài xế chạy xe ngày kiếm được nhiêu tiền đâu. Đau lòng lắm!", anh Nguyễn Văn Bình, một tài xế từng bị xử phạt vì đỗ xe dưới tấm băng rôn cổng chợ Bến Thành than thở.

Được biết từ tháng 8/2018, UBND quận 1 tổ chức thí điểm các "Khu vực dừng, đón trả khách" để người dân, du khách thuận tiện khi đến tham quan, đồng thời hạn chế tình trạng ùn tắc vì taxi, xe du lịch đón đỗ ở nhiều vị trí. Thời gian thí điểm 6 tháng, nhưng sau đó quận 1 đã "quên" tháo 2 băng rôn này ở chợ Bến Thành, khiến nhiều tài xế bị xử phạt oan. Mới đây, sau khi người dân, báo chí phản ánh thì quận 1 mới cho lực lượng đến tháo 2 băng rôn này xuống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.