Giao thông

Tài xế công nghệ sẽ được chuẩn hóa

10/10/2019, 15:07

Tài xế công nghệ sẽ được tập huấn các kỹ năng lái xe an toàn, kỹ năng phục vụ khách hàng...

img
Ông Đỗ Mạnh Tuân, Phó Tổng giám đốc Be Group và ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký kết nhằm chuẩn hóa nghề tài xế công nghệ tại Việt Nam

Hôm nay (10/10), Công ty Cổ phần Be Group (đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe be) ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, công nhận kỹ năng nghề tài xế công nghệ nhằm chuẩn hóa và tôn vinh lực lượng lao động này tại Việt Nam.

Cụ thể, nội dung hợp tác thỏa thuận gồm: Các hoạt động về xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng của tài xế xe công nghệ nói chung; Giới thiệu chuyên gia tham gia huấn luyện và đào tạo những kỹ năng cơ bản về nghề tài xế công nghệ; Phối hợp tổ chức các hội thảo liên quan tới tài xế công nghệ trong thời đại 4.0 và những vấn đề về quy chuẩn liên quan, từ đó nâng cao nhận thức về nghề tài xế công nghệ và những quy chuẩn liên quan; Cách thức tổ chức để tạo tiền đề cho lộ trình đưa nghề lái xe công nghệ vào quy chuẩn, có quản lý nhằm đảm bảo chất lượng và ATGT, từ đó tạo ra quy chuẩn để trở thành một nghề trong kỳ thi nghề quốc gia.

Bước đầu tiên trong thỏa thuận hợp tác giữa Be Group và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp là cuộc thi “Tay lái vàng”. Mô hình này sẽ thử nghiệm trước với các tài xế công nghệ của Be. Đây là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức nhằm tìm kiếm, đào tạo và tôn vinh tài xế công nghệ. Cuộc thi này không chỉ giúp tài xế công nghệ có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, mà còn tạo được sự chú ý và công nhận từ cộng đồng về tài xế công nghệ.

Ông Đỗ Mạnh Tuân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be Group cho biết, năm 2014, Uber lần đầu tiên cung cấp dịch vụ gọi xe tại Việt Nam, đến nay đã có nhiều đpn vị tham gia vào thị trường này với các dịch vụ giao hàng, chở khách, giao đồ ăn.

“Công việc này tạo việc làm cho khoảng 300.000 tài xế công nghệ. Tài xế công nghệ không là nhân viên của công ty cung cấp phần mềm, không có các chế độ phúc lợi xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm ý tế, không được đào tạo các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, kỹ năng phục vụ khách hàng. Điều này tạo ra đội ngũ tài xế không chuyên nghiệp, gây rủi ro cho khách hàng và xã hội”, ông Tuân nói.

Cũng theo ông Tuân, bước chân vào thị trường gọi xe năm 2018, Be Group với ứng dụng Be mong muốn tạo đột phá, tiên phong nhận mình là doanh nghiệp vận tải. Be luôn lấy tài xế làm gốc, tài xế luôn là động lực để hoàn thiện chế độ chính sách. Be Group là ứng dụng đầu tiên có bảo hiểm tai nạn 24/7 cho tất cả các chuyến đi của Be. Be cũng là ứng dụng đầu tiên cung cấp bảo hiểm y tế cho tài xế.

“Việc phối hợp với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đào tạo để chuẩn hóa tài xế công nghệ thông qua chuỗi sự kiện, các khóa huấn luyện tài xế chuyên nghiệp”, ông Tuân nói.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, việc đào tạo kiến thức, kỹ năng, kỹ năng mềm khác so với lái xe bình thường. Việc lái xe công nghệ tham gia vào một tổ chức sẽ được đóng các loại bảo hiểm và có nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Mục tiêu là giảm tối đa tai nạn giao thông và để xã hội có cái nhìn khác về hình ảnh tài xế công nghệ.

“Tài xế nói chung và tài xế công nghệ nói riêng là một công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng tốt vì công việc dịch vụ vận tải này liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng con người. Chúng tôi đánh giá cao vai trò tiên phong và tầm nhìn dài hạn của Be Group trong việc chuẩn hóa tài xế công nghệ”, ông Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.