An ninh hình sự

Tài xế Grab lấy 10 triệu khách quên có bị xử lý hình sự?

01/03/2018, 19:02

Với việc chiếm đoạt 10 triệu đồng khách bỏ quên, tài xế Grab hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khách hàng N. đã sử dụng dịch vụ GrabCar và để quê

Khách hàng N. đã sử dụng dịch vụ GrabCar và để quên ví.

Chiều 1/3, Grab Việt Nam đã có văn bản gửi giới truyền thông đồng thời xin lỗi khách hàng N. vì sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Văn bản viết: "Ngay khi nhận được thông tin, Grab Việt Nam đã tiến hành ngưng vĩnh viễn quyền sử dụng ứng dụng Grab với tài xế Nguyễn Danh T. Đây là sự cố rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ Grab, cũng như ảnh hưởng uy tín của các tài xế trung thực khác".

Trước đó, một khách hàng đi xe Grab đã có đơn tố cáo về hành vi chiếm đoạt tài sản của tài xế khi người này bỏ quên ví trên xe nhưng không được trả lại.

Sau khi một mực khẳng định không hề nhìn thấy tài sản của khách hàng T.D.N để quên trên xe, ngày 28/2, tài xế Nguyễn Danh T. đã thừa nhận chiếm đoạt số tài sản trên.

Qua quá trình làm việc với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội, tài xế Nguyễn Danh T. khai nhận đã vứt bỏ chiếc ví da cá sấu, chỉ giữ lại 10 triệu đồng tiền mặt và nhiều giấy tờ quan trọng của chị T.D.N. 

Về vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Mai, Công ty Luật Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích, trong vụ việc này, tài sản mà khách hàng bỏ quên trên xe khoảng hơn 10 triệu đồng.

Mặt khác, khách hàng sau khi quên đồ trên xe đã liên hệ với tài xế để yêu cầu được nhận lại đồ nhưng lại bị chặn cuộc gọi, thậm chí hãng xe cũng đã cung cấp số điện thoại cá nhân của tài xế để khách hàng để có thể liên hệ trực tiếp.

Tuy nhiên theo khách hàng khi thử liên lạc vào số điện thoại này, chị N. vẫn bị chủ thuê bao chặn số. Điều đó đã có dấu hiệu của “Tội chiếm giữ tái phép tài sản” theo quy định tại Điều 176, BLHS năm 2015.

Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Tại cơ quan công an, tài xế T. đã thừa nhận hành vi của mình, như vậy vi phạm pháp luật của tài xế T. đã tương đối rõ ràng, việc xử lý vi phạm đối với tài xế T sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.