Điều tra

Tài xế không xuất được nông sản qua Móng Cái vẫn cắn răng đóng "luật"

04/03/2022, 18:33

Tuy cửa khẩu tạm dừng hoạt động, phải quay đầu về nội địa nhờ giải cứu nhưng nhiều lái xe vẫn phải cắn răng nộp 18 triệu đồng cho “nhà luật”.

Nông sản quay đầu nhờ giải cứu vẫn mất 18 triệu đồng tiền “luật”

Phản ánh đến PV Báo Giao thông, tài xế V.Q.L, quê Nghệ An cho biết, ngày 26/2 vừa qua, do nắm được thông tin cơ quan chức năng Trung Quốc tạm dừng thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu Bắc Luân 2, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên anh đã cho xe mít quay về nội địa nhờ “giải cứu”.

img

Xe nông sản chờ thông quan tại Cửa khẩu Bắc Luân 2, TP Móng Cái.

Anh L. cho biết thêm, anh và một số xe cùng chở mít từ Tiền Giang ra Cửa khẩu Bắc Luân 2 từ ngày 15/2.

10 ngày sau, vừa được di chuyển đến nhà kính chờ hoàn thiện thủ tục xuất khẩu qua Trung Quốc thì anh bất ngờ nhận được thông tin Trung Quốc đóng cửa khẩu để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Do vậy, xe anh L. và một xe khác đi cùng đoàn quyết định quay về nội địa nhờ "giải cứu" vì hàng đã chớm hỏng.

Lúc này, bà Thảo, biệt danh là “Thảo P&T”, lãnh đạo Công ty TNHH Phương Thảo (địa chỉ tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Móng Cái) giữ giấy tờ, yêu cầu nộp mỗi xe 18 triệu đồng tiền "luật" mới được quay đầu về nội địa.

“Lúc đó, chúng tôi cũng thắc mắc, yêu cầu kê khai, làm rõ từng khoản tiền đã chi tại cửa khẩu để đối chiếu với chủ hàng nhưng bà Thảo không thực hiện, chỉ nói đây là chi phí tiền “luật” tại cửa khẩu phía Việt Nam. Nếu xe sang Trung Quốc quay về, tiền luật sẽ cao gấp 2 lần như vậy.

Do số tiền quá cao, chúng tôi đã nhiều lần gọi điện nhờ chủ hàng tại miền Nam can thiệp nhưng không có kết quả.

Do bị bà Thảo giữ hết giấy tờ liên quan đến hàng hóa, phương tiện, chúng tôi đành cắn răng chuyển tiền đến số tài khoản ngân hàng của ông Nguyễn Văn Tiến do bà Thảo chỉ định”, tài xế V.Q.L nói.

img

Sao kê chuyển khoản tiền luật của xe mít quay đầu nhờ giải cứu theo yêu cầu của "nhà luật" Thảo P&T.

Trong vai chủ xe cần làm rõ thông tin lái xe cung cấp, PV đã liên lạc và được “nhà luật” Thảo P&T xác nhận số tiền đã chuyển khoản trên.

Người này cho biết, các chi phí liên quan đã giải thích rõ với tài xế, đến nay vụ việc đã giải quyết xong. Người này còn nói nếu thấy “luật” cao, không hợp lý thì "lần sau đừng xuất khẩu sang Trung Quốc nữa".

Trước đó, đầu năm nay, “nhà luật” Thảo P&T cũng đã từng bị nhiều tài xế “tố” giữ xe tại cửa khẩu để gây sức ép, buộc lái xe nộp tiền luật giá cao.

Sau khi Công an tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Móng Cái vào cuộc chỉ đạo điều tra, xử lý, dưới sự “hòa giải” của lực lượng biên phòng và Công an TP Móng Cái, tài xế đứng ra tố cáo vẫn phải nộp 37 triệu đồng “tiền luật” để đưa xe ra khỏi TP Móng Cái.

Nhiều người cho rằng sở dĩ “nhà luật” trên được “ưu ái”, thuận tiện trong làm ăn là do có chồng là lãnh đạo cấp đội tại 1 đồn biên phòng ở TP Móng Cái.

Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn đang mở rộng điều tra

Nhiều lái xe, đơn vị vận tải cũng cho biết, thời gian gần đây do Cửa khẩu Bắc Luân 2 thường xuyên bị ách tắc do lượng hàng đổ về lớn, cơ quan chức năng Trung Quốc siết chặt kiểm soát, tạm dừng thông quan để phòng chống dịch bệnh Covid-19, tình trạng “nhà luật” giữ xe, giấy tờ, ép đưa tiền "luật" giá cao lại tái diễn.

Cụ thể, những xe nông sản không thể xuất khẩu, quay đầu về nội địa đều phải nộp từ 18 đến 20 triệu đồng tiền "luật". Xe xuất khẩu trở về đều phải nộp hơn 30 triệu đồng/chuyến, cao gần gấp 2 lần so với ngày thường.

img

Sao khê chuyển khoản tiền luật của xe mít quay đầu nhờ giải cứu theo yêu cầu của "nhà luật" Thảo P&T.

Trong khi đó, lãnh đạo Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái khẳng định: Theo quy định, xe nông sản xuất khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ phải nộp các khoản phí gồm: Phí hạ tầng cửa khẩu do lực lượng biên phòng thu ngay khi xe vào khu vực cửa khẩu với số tiền 500.000 đồng/xe.

Phí bến bãi do các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng bến bãi tại cửa khẩu thu với giá 200.000 đồng/xe/ngày đêm.

Ngoài ra các lái xe còn phải nộp lệ phí mở tờ khai hải quan là 20.000 đồng, test Covid đối với hàng hóa là 350.000 đồng, phí kiểm dịch (CO), rửa mít, tài bo, công làm thủ tục... tổng chi phí 1 xe nông sản xuất khẩu qua cầu phao Hải Yến là 8,4 triệu đồng.

img

img

Nội dung sao kê khoản tiền 37 triệu đồng tiền luật lái xe phải chuyển cho "nhà luật" Thảo P&T sau khi Công an TP Móng Cái tiền hành hòa giải.

Đối với, xe nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu Bắc Luân 2 có mức chi phí kiểm dịch cao hơn nên tổng chi phí xuất khẩu 1 chuyến xe nông sản xuất khẩu qua đây là 8,9 triệu đồng/xe.

Trước đó, tình trạng “nhà luật” ép tài xế đưa tiền luật giá cao đã được Báo Giao thông nhiều lần phản ánh, sau đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc điều tra vụ việc.

Trao đổi với PV, một điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ việc cho biết: Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn đang cùng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp giải quyết vụ việc.

Bước đầu, nhiều “nhà luật” được Báo Giao thông “chỉ mặt” đã bị triệu tập, làm rõ thông tin liên quan.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra để xử lý những vi phạm liên quan theo quy định.

Trong loạt bài điều tra mà Báo Giao thông đã đăng tải, để có thể xuất hàng qua biên giới, nhiều chủ xe, chủ hàng phải thông qua các “nhà luật” (một dạng "cò" thủ tục hành chính) với mức chi phí vài chục triệu đồng.

Nhiều tài xế rơi vào cảnh vạ vật chờ đợi hàng tháng bởi không đủ tiền “đóng luật”, bị “nhà luật” dùng mọi thủ đoạn giữ xe, đòi tiền.

Lợi dụng tâm lý của các chủ hàng, chủ xe mong muốn được nhanh chóng thông quan hàng hóa (đặc biệt là nông sản), các “nhà luật” tại Móng Cái tha hồ tung hoành, đưa ra các mức giá “trên trời” để chèn ép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.