Giao thông

Tài xế lo mất việc, vỡ nợ khi Uber về tay Grab

28/03/2018, 20:30

Cả tài xế taxi và xe ôm công nghệ đều bày tỏ lo lắng sau thương vụ Grab thâu tóm Uber.

7888

Nhiều tài xế coi chạy Grab, Uber là nghề mưu sinh có nguy cơ lâm vào cảnh mất việc làm

Nhận thông báo "chia tay" từ Uber chiều 26/3, những tài xế vay tiền ngân hàng để mua xe chạy GrabCar như anh Nguyễn Phương Long, tài xế xe Uber mang BKS: 30E-385.30 đang rất lo lắng về mức chiết khấu về công ty Grab. Trong khi mức chiết khấu ở Uber đang là 20% thì ở Grab cao hơn rất nhiều, lên đến 28,36%.

Anh Long chia sẻ, nếu sau sáp nhập, Grab vẫn áp mức phí này, nhiều tài xế dù không muốn vẫn phải “bỏ cuộc chơi” do lợi nhuận thấp, nhất là khi chạy quãng đường di chuyển ngắn. "Đơn cử như tôi, trung bình chạy Uber 8-9 tiếng/ngày được khoảng 20 chuyến với thu nhập dao động từ 1 triệu trở lên, nhưng với mức chiết khấu gần 30% của Grab, con số này chắc chắn sẽ giảm nhiều", anh Long nói và bày tỏ, xe là mua trả góp, mỗi tháng phải trả 5 triệu. Nếu mức chiết khấu quá cao, trừ chi phí nhiên liệu, hao mòn xe sẽ chẳng đủ trả lãi ngân hàng.

Éo le hơn, tài xế Uber Phạm Văn Hiệp đang như ngồi trên đống lửa khi trước đây, Grab đã khóa tài khoản của anh. “Để chạy Uber, tôi đã mua trả góp chiếc Huyndai i10 với giá 365 triệu, số tiền trả góp là 8,5 triệu/tháng. Thời điểm hiện tại, trung bình cũng chạy được 15 chuyến/ngàyvới thu nhập từ 1-1,5 triệu. Theo quy định của Grab, những thành viên đã bị công ty khóa tài khoản, sẽ không được cấp lại vĩnh viễn. Do đó, nếu Uber sáp nhập vào Grab, hoặc tôi sẽ phải tham gia vào một hãng taxi truyền thống nào đó để duy trì cuộc sống, hoặc phải bán xe để chi trả tiền lãi góp hàng tháng. Mà nếu bán xe thì lại phải chịu lỗ từ 100 triệu trở lên, cộng với mức thuế chuyển đổi từ xe công ty sang xe cá nhân”, anh Hiệp bày tỏ.

Cũng theo các tài xế Uber, về chất lượng dịch vụ, nếu tài xế Uber chuyển về Grab sẽ gặp phải một số trở ngại lớn như: ứng dụng Grab có nhiều bất tiện hơn với cả lái xe và người dùng; dịch vụ hỗ trợ liên quan đến giá cước, đường đi của Grab thường phản hồi tài xế lâu hơn Uber; giá cước đường dài trung bình của Grab đang cao hơn Uber từ 500–1.000 đồng/km.

Cùng tâm trạng với các tài xế ô tô, những thành viên đang chạy GrabBike hay UberBike cũng đang rơi vào trạng thái “dở khóc dở cười”. Anh Đỗ Xuân Định, một người chạy Grab Bike khu vực Đại học Quốc gia cho hay, nếu 2 hãng Uber và Grab hợp lại là một, chắc chắn số người tham gia vào dịch vụ vận chuyển này rất đông, đồng nghĩa với sự cạnh tranh tăng lên gấp bội. Bình thường nhận được khoảng 10 chuyến/ngày với thu nhập từ 400-500 nghìn đồng, có lẽ sau đó sẽ bị giảm đi 1/3. Lượng khách đã ít giờ lại phải chia năm xẻ bảy, khó càng thêm khó”.

Không chỉ các tài xế taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống cũng đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội chia sẻ, khi Grab thâu tóm xong Uber, nguy cơ độc quyền càng hiện hữu hơn. Khi Grab gần như đã một mình một ngựa, có thể dễ dàng định đoạt giá cước, định đoạt tỷ lệ phần trăm triết khấu của đối tác và tài xế. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng do chịu giá cước nhảy múa. "Cùng đó, việc Grab mua Uber sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Hàng chục nghìn lái xe Uber sẽ đi về đâu khi họ tham gia Grab phải chịu mức triết khấu cao hơn hiện nay", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, Hà Nội hiện có khoảng 60 doanh nghiệp taxi. Hầu như doanh nghiệp nào cũng có App phần mềm của riêng mình. Tuy nhiên, nguyên nhân những App này chưa đủ sức cạnh tranh với Uber, Grab là do taxi truyền thống phải chịu nhiều điều kiện kinh doanh như: bảo hiểm, đăng kiểm, thuế khám sức khỏe cho lái xe nên không còn đủ sức khuyến mại cho khách hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.