Hỏi - Đáp

Tài xế taxi đâm cướp: Sẽ ra sao khi tên cướp tử vong?

23/04/2017, 19:59

Tài xế taxi lao xe vào tên cướp được ví như "Lục Vân Tiên", nhưng hậu quả thế nào khi tên cướp tử vong?

tài xế taxi đâm tên cướp

Hiện trường vụ tài xế taxi đâm tên cướp

Anh Nguyễn Văn Hoàng, tài xế taxi hãng Mai Linh cho biết sáng 20/4, khi đang lái xe trên đường Hoàng Văn Thụ (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM), anh nhìn thấy một thanh niên giật túi xách của người phụ nữ đang đi bộ rồi tháo chạy.

Phát hiện vụ việc, anh Hoàng ngay lập tức đánh lái tông thẳng vào xe tên cướp khiến người này cùng xe máy văng lên lề đường. Kẻ xấu nhanh chóng đứng dậy và nhảy lên xe đồng bọn tẩu thoát.

TÀI XẾ TAXI LAO VÀO TÊN CƯỚP ĐƯỢC THƯỞNG 13 TRIỆU

Tài xế Hoàng cho biết tên cướp đã chạy thoát nhưng anh may mắn giành lại túi xách, bên trong chứa tiền và nhiều giấy tờ quan trọng cho nạn nhân.

Ngay sau khi clip về vụ tài xế taxi đâm văng tên cướp được đăng tải trên mạng xã hội, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc này.Trong đó, những người ủng hộ cho rằng tài xế đã làm đúng, các ý kiến khác thì lo ngại về tính pháp lý.

VIDEO TÀI XẾ TAXI ĐÂM VĂNG TÊN CƯỚP:

Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Đăng Quang (Trưởng văn phòng luật sư Đăng Quang và cộng sự- Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích:

Pháp luật hiện hành qui định, chỉ có cơ quan điều tra, viện kiểm sát mới có quyền bắt giữ người.

Trong trường hợp phạm tội quả tang, pháp luật quy định mọi người dân có quyền truy bắt người phạm tội quả tang nhưng phải bàn giao cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo thẩm quyền, chứ không có luật nào quy định cho người điều khiển phương tiện đâm vào tên cướp, mặc dù tên cướp đó vừa thực hiện hành vi cướp tài sản.

Việc tước đoạt sinh mạng người khác thì chỉ có cơ quan thi hành án hình sự được phép thực hiện, khi đã có bản án tuyên tử hình. Bởi thế, không ai có quyền tước đoạt sinh mạng người khác, kể cả đó là tên cướp. Pháp luật hiện hành quy định tội danh cướp tài sản không áp dụng hình phạt tử hình.

Mặc dù tài xế taxi trông thấy tên cướp, cướp tài sản nhưng anh ta chỉ có quyền đuổi bắt để đưa người đó đến cơ quan công an gần nhất xử lý theo thẩm quyền, trong khi đó tài xế taxi lại đâm thẳng vào tên cướp là không được phép.

Pháp luật hiện hành cũng quy định ô tô, xe máy được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ để lao thẳng vào người khác phải nhận thức được và pháp luật cũng buộc anh phải nhận thức được rằng có thể xảy ra chết người, nên nếu vẫn cố tình là vi phạm pháp luật.

Trong vụ việc nếu trên, tên cướp may mắn không chết, còn nếu tên cướp tử vong, tài xế sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người, với khung hình phạt tù từ 7-15 năm. 

Tuy nhiên trường hợp này sẽ có tình tiết giảm nhẹ nếu tài xế chứng minh được hành vi của mình là chỉ để ngăn chặn cướp.

Điều 93, Bộ luật hình sự, quy định về Tội giết người:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.