Hậu trường sao

Takehiro Tomiyasu - niềm tự hào mới của bóng đá Nhật Bản ở trời Âu

13/11/2021, 07:00

Trong đội hình tuyển Nhật Bản làm khách tại Mỹ Đình tối 11/11 có một cái tên đang nổi như cồn.

Đó là hậu vệ Takehiro Tomiyasu, cầu thủ thuộc biên chế Arsenal, người góp công lớn giúp đội bóng thành London trải qua chuỗi 8 trận bất bại gần nhất.

img

Takehiro Tomiyasu chơi nổi bật trong màu áo Arsenal. Ảnh: AFP

Mảnh ghép hoàn hảo của Arsenal

Đầu tháng 9/2021, Arsenal gây bất ngờ khi công bố bản hợp đồng mang tên Takehiro Tomiyasu từ Bologna với mức giá 18 triệu bảng. Tomiyasu khi đó là cái tên hoàn toàn xa lạ và người hâm mộ Pháo thủ bắt đầu hoài nghi về tính hiệu quả của thương vụ này.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng, tất cả đều hiểu đây là một món hời, một mảnh ghép hoàn hảo cho đội bóng áo đỏ thành London.

Dù mới chân ướt chân ráo tới sân Emirates nhưng Tomiyasu đã nhanh chóng chiếm suất đá chính.

Thậm chí, anh còn không tập cùng đồng đội buổi nào trước khi có trận ra mắt gặp Norwich rồi hòa nhập nhanh một cách đáng kinh ngạc.

Và như một phép màu, 8 trận cầu thủ châu Á đá chính thì cả 8 lần Pháo thủ đều bất bại, trong đó có 6 chiến thắng. Chuỗi thành tích ấn tượng này đã đưa thày trò HLV Mikel Arteta từ nửa cuối bảng xếp hạng leo lên vị trí thứ 5 và chỉ còn cách top 4 đúng 2 điểm.

HLV Mikel Arteta từng nhận xét về người học trò tới từ châu Á: “Tomi sống lành mạnh, thật thà và không có gì để giấu diếm. Trên sân tập, cậu ấy luôn tỏ thái độ siêng năng còn khi thi đấu là sự tận tụy”.

Trong khi đó, các đồng đội cho rằng, phong cách chơi bóng đơn giản, hiệu quả, không màu mè phản ánh đúng tính cách hiền lành, khiêm tốn và không khoa trương của anh.

Để hình dung rõ nét hơn về sự xuất sắc của Tomiyasu, hãy nhìn vào những con số thống kê sau đây. Anh thực hiện 80 đường chuyền mỗi trận, đạt tỷ lệ thành công gần 79%, quá ấn tượng với một hậu vệ.

Anh còn thực hiện 2,8 pha tranh chấp và 2,3 pha tắc bóng thành công mỗi trận, cao nhất trong số nhóm cầu thủ thường đá chính. Tờ Whoscored chấm hậu vệ Nhật Bản 6,97 điểm từ đầu mùa, chỉ kém tiền vệ Emile Smith Rowe và trung vệ Gabriel.

Một điểm cộng nữa của cầu thủ sinh năm 1998 là anh có thể chơi cả ở vị trí trung vệ lẫn hậu vệ phải. Chính sự cơ động, đa năng này đã giúp anh lọt vào mắt xanh Giám đốc kỹ thuật Edu của Arsenal.

Phần còn lại như đã nói ở trên, anh đang trên đường khẳng định mình ở sân Emirates.

Càng đáng nể hơn, Tomiyasu mới có 3 năm chơi bóng tại châu Âu kể từ khi rời quê nhà vào năm 2018. Cụ thể, anh khoác áo CLB Sint Truiden 1 mùa, chơi cho Bologna 2 mùa trước khi gia nhập đội ngũ Pháo thủ.

Tại Nhật Bản, anh từng chơi cho đội bóng quê nhà Avispa Fukuoka và cũng trưởng thành từ chính lò đào tạo trẻ CLB này. Tuy vậy, ít người biết, năm 11 tuổi, anh từng suýt gia nhập lò La Masia danh tiếng của Barcelona.

Tất nhiên, anh cũng không cần quá tiếc nuối bởi giờ đây anh đang chơi cho một trong những đội bóng lớn nhất châu Âu, ở giải đấu hấp dẫn bậc nhất hành tinh.

“Được chơi ở Ngoại hạng Anh là giấc mơ lớn của tôi khi còn trẻ. Tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình có thể chơi với tư cách là một cầu thủ của Arsenal, một trong những câu lạc bộ lớn nhất thế giới. Mỗi trận đấu vì vậy đều đem đến cho tôi niềm tự hào và sự phấn khích”, tuyển thủ Nhật Bản nói.

Niềm tự hào mới của bóng đá Nhật Bản

Takehiro Tomiyasu sinh ra ở tỉnh Fukuoka, đảo Kyushu trong một gia đình có truyền thống thể thao. Bố anh là một vận động viên bóng chày và Kendo (môn thể thao được ưa thích ở Nhật Bản, người chơi dùng kiếm tre và mặc giáp để thi đấu).

Mẹ anh là một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp trong khi hai chị gái đều là vận động viên bơi lội. Bản thân Tomiyasu cũng được định hướng theo đuổi môn thể thao dưới nước và anh tỏ ra thích thú với điều này.

Tôi tự nhận thấy mình là một cầu thủ thông minh nên có thể đọc được các tình huống tiếp theo. Tôi nghĩ rằng tôi có thể chơi bằng cả hai chân, tôi có thể chơi mọi vị trí nơi hàng thủ. Nhưng đối với tôi, chơi ở vị trí nào không quan trọng, điều quan trọng nhất là được ra sân. Vì vậy, nếu HLV bảo tôi chơi tiền đạo tôi cũng sẵn sàng.
Takehiro Tomiyasu


Tuy nhiên, năm 8 tuổi, một tai nạn nhỏ khiến anh bị khâu ở miệng, phải tạm rời xa bể bơi và bước ngoặt để anh tới với bóng đá đã xuất hiện.

Trong thời gian không đi bơi, chàng trai trẻ tìm tới môn thể thao vua, anh chơi bóng cùng đám bạn bên hành lang căn hộ.

Hôm đó, thầy Kanji Tsuji, giáo viên phụ trách đội bóng của trường tiểu học Sanchiku bất ngờ đi ngang qua và chứng kiến Tomi trình diễn tốc độ cũng như kỹ thuật tuyệt vời.

“Chỉ cần cậu ấy bứt tốc, tôi tin không ai ở Fukuoka có thể bắt kịp”, thầy Tsuji nhớ lại. Sau đó, ông tìm tới gia đình để thuyết phục bố mẹ Tomi cho anh gia nhập đội bóng trường tiểu học Sanchiku. Vốn ủng hộ các con chơi thể thao nên bố mẹ anh lập tức đồng ý. Kể từ đó, chàng trai sinh năm 1998 đã cảm thấy mình thuộc về bóng đá và dành toàn bộ tâm trí cho trái bóng.

Tại đội bóng, thầy Tsuji không chỉ giúp cậu học trò nhỏ phát huy tốc độ mà còn dạy cậu khả năng kiểm soát trái bóng, kỹ thuật rê bóng cũng như làm chủ không gian xung quanh.

“Tomi tiến bộ rất nhanh, cậu ấy gần như có thể bắt nhịp với mọi bài tập mà tôi đưa ra một cách hoàn hảo. Từ thời điểm đó, tôi đã biết cậu ấy sẽ trở thành một cầu thủ tài năng”, ông Tsuji nói.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của cầu thủ từng từ chối gia nhập lò La Masia không phải là năng khiếu thiên bẩm mà là sự chăm chỉ không ai theo kịp.

“Ở tuổi lên 9, Tomi gần như không ngừng việc tập luyện. Anh tập luyện hơn 10 giờ mỗi ngày, luôn tới sớm hơn các đồng đội và về muộn nhất. Ngay cả khi toàn đội được nghỉ, anh vẫn duy trì việc tập luyện. Không vào được sân, anh ra tập tại công viên, hoàn toàn không dành tâm trí vào những trò chơi điện tử. Nhờ vậy, Tomi giỏi hơn nhiều so với các cầu thủ cùng lứa trong đội”, tờ Lifebogger (chuyên viết về đời tư ngôi sao) tiết lộ.

Chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của Tomi, HLV của anh đã giới thiệu anh gia nhập Trung tâm đào tạo của CLB Barcelona tại Fukuoka.

Anh nhanh chóng thuyết phục được đội ngũ tuyển trạch viên và trở thành một phần của đội U11 nơi đây. Thậm chí, anh đã trở thành đội trưởng, dẫn dắt đồng đội giành Cúp Quốc tế Địa Trung Hải.

Không lâu sau, anh được “quy hoạch” để sang Tây Ban Nha, tập luyện tại lò La Masia. Tuy nhiên, những rắc rối về pháp lý khi di chuyển các cầu thủ trẻ giữa các quốc gia đã khiến Barcelona ngậm ngùi từ bỏ viên ngọc thô ở xứ mặt trời mọc.

Không cần nói cũng biết anh chàng thất vọng đến nhường nào. Bố mẹ anh sau đó đã xin cho anh gia nhập lò đào tạo trẻ của CLB Avispa Fukuoka.

Tại đây, Tomi vẫn giữ được sự nhiệt huyết vốn có, trưởng thành nhanh chóng và ra mắt đội 1 khi mới 17 tuổi. 20 tuổi, anh được CLB Sint Truiden của Bỉ chiêu mộ. Đây cũng là đội bóng Công Phượng từng khoác áo. 21 tuổi, anh chuyển tới Serie A thi đấu cho Bologna và giờ, ở tuổi 23 anh là một phần của Arsenal.

Báo giới Nhật Bản cũng như giới chuyên môn rất có niềm tin rằng Tomi sẽ tiếp tục tiến xa, trở thành niềm tự hào mới của bóng đá Nhật Bản ở châu Âu.

Tương lai khó nói trước nhưng nếu tiếp tục chơi bóng bằng sự tận tụy, khiêm nhường và không ngừng học hỏi, tin rằng không xa tên tuổi của anh chàng sinh ra ở Fukuoka sẽ được nhắc tới thường xuyên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.