Khám phá

Tâm hương

05/02/2017, 16:09
image

Đầu năm nào, cứ vào sáng mồng một Tết là tôi lại đi lễ ở chùa làng.

Minh họa tản văn

Ảnh minh họa.

Đầu năm nào, cứ vào sáng mồng một Tết là tôi lại đi lễ ở chùa làng. Phật có ở mọi nơi. Phật thiêng nhất là ngay trong tâm hồn mình. Phật kị nhất những lời đao to búa lớn, những vẻ ngoài hào nhoáng.

Ngày còn bé, tôi thường được đi lễ chùa với bà, bà vẫn rỉ rả dạy tôi như vậy. Bà bảo, cửa vào chùa sở dĩ làm thấp là có ý mỗi khi bước vào phải cúi đầu. Chỉ khi cúi đầu, lòng thanh tịnh, khiêm tốn, thể hiện sự cung kính mới nhanh ngộ đạo. Bà còn dặn, vào chùa phải đi nhẹ, nói khẽ, bỏ hết mọi sự cố chấp, thù oán bên ngoài, luôn mong cho lòng mình khoan dung, thanh thản. Nếu có cầu xin thì cũng chỉ thầm thì trong miệng, xin cho tâm sáng, lòng lành, cầu cho quốc thái dân an, chứ tuyệt không được xin tiền bạc, bổng lộc cho riêng mình.

Thời cuộc thay đổi chóng mặt. Có vẻ như những lời bà nội tôi dạy đã không còn hợp thời. Nếu tính số người đến chùa mỗi dịp lễ Tết thì thời của bà nội chỉ bằng con số nhỏ so với hiện nay. Nhiều người coi việc đi lễ chùa giống như chơi một thứ mốt thời thượng. Đến chùa để cầu Phật, dĩ nhiên. Nhưng đến chùa còn để đỡ thấy mình lạc lõng, để yên chí rằng mình có tín ngưỡng, đã cầu xin sự che chở.

Thế là từ già chí trẻ, đàn ông, đàn bà, đều tìm mọi cách để đến cửa chùa. Nếu xưa kia, trong bộ áo lương màu thâm, vốn là thứ trang phục nhằm giấu đi mọi sự phàm tục khoe mẽ, các con nhang, đệ tử chỉ có tấm lòng thanh tịnh mang theo. Thì ngày nay, trong đủ loại quần áo váy sặc sỡ, người đi lễ chùa cũng luôn chuẩn bị những món đồ lễ súng sính.

Tiện nhất là tiền. Tiền ta, tiền tây đủ cả. Nhiều người đặt đồ lễ hẳn một mâm tú hụ nào xôi, nào gà, thủ lợn, các loại rượu bia, cứ như Phật sẽ nhìn vào lễ mà đưa ra mức ban phát. Khá nhiều người coi Bụt chùa nhà không thiêng, bỏ qua chùa làng cả đời không lai vãng đến, nhất định phải tìm những ngôi chùa xa tít tắp. Họ tìm hiểu, nghe ngóng xem chùa nào thiêng để đến lễ bái. Tiện thể khoe ô tô, khoe các mối quan hệ, khoe gia thế…

Cách lễ bái xưa và nay cũng khác nhau một trời một vực. Xưa là thì thầm, xì xụp, nói bằng sự ăn năn những điều khiến tâm hồn nặng trĩu, để hối lỗi trước Phật, xin được xá những tội mà mình biết là không thể nào tránh hết. Còn ngày nay thì cứ rông rổng khấn ra mồm những lời xin xỏ, không là cầu nhiều tiền bạc thì cũng mong lên quan lên chức để hưởng bổng lộc. Có người còn khấn Phật phù hộ cho họ đánh quả, qua mặt công an phòng thuế trót lọt. Nếu người đi cầu xin đông quá thì đã có dịch vụ khấn hộ. Thậm chí, có cả dịch vụ khấn và cầu tài, cầu lộc qua điện thoại.

Và thế là không ít con đường vào chùa chính là những con đường nhiều chen vai thích cánh nhất, xôi thịt nhất, bát nháo nhất, bi hài nhất, hiểm nguy nhất…

Liệu có bao nhiêu người trong số rất đông ấy nhớ rằng, đến với Phật cũng tức là xa rời và buông bỏ mọi dục vọng? Liệu có ai đủ tự tin về học vấn để dứt khoát không đem theo tiền bạc, rượu thịt đến lễ Phật? Liệu có còn ai chỉ cốt lòng mình được gột rửa mỗi khi lặng lẽ bước vào cửa chùa, chiêm nghiệm những giáo lý sâu xa của Phật, hơn là tìm công cụ hỗ trợ tinh thần cho cuộc bon chen, tàn hại lẫn nhau ngoài trường đời?

Liệu có ai nghĩ rằng, nhét tiền vào tay, vào miệng Phật là hành động báng bổ, hỗn láo vào loại nhất trong số những hành động đáng bị chê trách? Và liệu có còn nhiều người luôn tìm cách nhắc người khác đừng làm ô uế cửa Phật bằng những lễ vật mang màu sắc hối lộ. Phật tu luyện và ngộ đạo để cứu rỗi thế gian, biến thế gian đâu đâu cũng mang Phật tính, chứ không phải để nhận quà biếu xén theo kiểu của một quan tham? Con đường đến với khổ ải chưa bao giờ lại gần như hiện nay và trớ trêu thay, nó luôn bị bẻ vòng qua cửa chùa?

Nếu bà nội tôi còn sống và nhờ tôi đưa đi lễ chùa, bà sẽ lại nói với tôi rằng, lễ phẩm lớn nhất dâng lên Phật chính là lòng từ tâm, thương yêu người nghèo khó, thật thà, liêm chính, biết tha thứ cho kẻ mắc lỗi lầm và tránh xa mọi sự khuất tất. Bởi vì hương thơm tỏa ra từ trong tâm hồn con người mới là sự độ trì lớn nhất của Phật cho chúng sinh, mới là lễ vật lớn nhất mà Phật mong nhận được.

Các cụ ta gọi thứ lễ vật quý giá vô ngần ấy là Tâm hương.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.