Chính trị

Tầm nhìn chiến lược, sát thực tiễn sẽ tạo bứt phá

27/01/2021, 08:49

Phát huy được sức mạnh nguồn nhân lực và công nghệ cao là hai yếu tố rất quan trọng góp phần tạo sự bứt phá cho GTVT trong thời gian tới.

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng XIII

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy Bộ GTVT, đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trả lời phỏng vấn Báo Giao thông.

Trọng trách lớn

Đại hội XIII của Đảng nhận được kỳ vọng và sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân. Là đại biểu đại diện cho hàng nghìn đảng viên trong Đảng bộ GTVT dự Đại hội, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

Đại hội lần này là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và Việt Nam, được người dân gửi gắm nhiều kỳ vọng. Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên trong cả nước.

Là một trong hơn 1.500 đại biểu dự Đại hội, đại diện cho gần 8 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ GTVT, tôi thực sự tự hào, vinh dự. Đồng thời, nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi trực tiếp tham gia vào việc quyết định những quyết sách và vấn đề lớn của đất nước tại Đại hội.

Cần có khát vọng, dám nghĩ dám làm

Các mục tiêu phát triển được đặt ra trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII khẳng định hạ tầng giao thông (một mảng rất lớn của cơ sở hạ tầng) vẫn là một mũi nhọn cần đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm kỳ tới, giao thông chỉ có thể bứt phá khi phát huy được sức mạnh nguồn nhân lực và công nghệ cao, ông có đồng tình với quan điểm này?

Tôi cho rằng, đây là hai yếu tố rất quan trọng góp phần tạo sự bứt phá cho giao thông vận tải trong thời gian tới.

Ngoài việc xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch, huy động được nhiều nguồn lực tài chính, có hành lang pháp lý tốt cho đầu tư và vận hành các dự án… thì chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ sẽ quyết định tốc độ bứt phá và sự phát triển bền vững của ngành.

Trong dự thảo văn kiện và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được trình ra Đại hội XIII, có thể thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng tới hai vấn đề này.

Trong chương trình hành động nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng ủy Bộ GTVT, chúng tôi cũng chỉ rõ để GTVT tiếp tục là một trong những khâu đột phá quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ đảng viên trong Đảng bộ phải nâng cao nhận thức, trau dồi nghiệp vụ, nêu gương và nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Phải tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ, nhà khoa học, người lao động có khát vọng, hoài bão, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Cùng với phát triển nguồn nhân lực thì khoa học và công nghệ phải được coi là yếu tố mang tính quyết định đối với năng suất lao động, tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng.

Việt Nam đã hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng các công nghệ thông tin, kết nối internet trong quản lý giao thông, cung cấp dịch vụ vận tải (đặt vé, check-in tàu, máy bay, thu phí tự động…), xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền internet như Uber, Grab, cung cấp các dịch vụ công qua cổng thông tin điện tử (cấp, đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới)… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi ngành GTVT phải có sự thích ứng nhanh hơn nữa.

Mặc dù Bộ GTVT đã cố gắng rất nhiều nhưng việc ứng dụng thành tựu công nghệ, đặc biệt trong tự động hóa, số hóa vẫn còn hạn chế. Đảng ủy và lãnh đạo Bộ GTVT đã có những chỉ đạo ưu tiên đặc biệt cho các dự án công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Mục tiêu là quản lý Nhà nước có thể giám sát mọi công trình và hoạt động giao thông bằng công nghệ, qua theo dõi trực quan, trực tuyến, minh bạch. Các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử tiếp tục được đơn giản hóa và tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Tháo điểm nghẽn xã hội hóa nguồn lực đầu tư giao thông

img

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy Bộ GTVT, đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Tạ Hải

Nhiều thập kỷ qua, một cản trở lớn với đầu tư hạ tầng giao thông là nguồn vốn hạn hẹp. Với các mục tiêu phát triển giao thông được đưa ra trong các văn kiện Đại hội, giải pháp huy động nguồn lực của ngành là gì, thưa ông?

Các văn kiện tại Đại hội Đảng XIII đã thống nhất mục tiêu “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không trọng điểm”.

Để triển khai các kế hoạch cụ thể, đến năm 2025, cần tối thiểu khoảng 310 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư cho giao thông. Tuy nhiên, chúng tôi còn nhiều nhiệm vụ phải làm khi nguồn đầu tư công trung hạn dự kiến cấp cho ngành GTVT chỉ khoảng 220 nghìn tỷ đồng (5 năm trước là 240 nghìn tỷ đồng). Có thể nhiều mục tiêu đặt ra, nhiều công trình quan trọng cấp bách chưa thể đầu tư.

Trong bối cảnh nhu cầu cao mà nguồn vốn có hạn, một trong những công việc của Bộ GTVT là cân nhắc trình tự đầu tư, ưu tiên các dự án tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng, liên vùng, tạo ra các giá trị lớn về kinh tế, xã hội. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ khó khăn của ngành GTVT nói riêng và cả nước nói chung.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vừa có hiệu lực vào tháng 1/2021 có rất nhiều điểm mới, trong đó có việc chia sẻ trách nhiệm, rủi ro, chia sẻ lợi nhuận, có cam kết rõ ràng, minh bạch giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Hiện, còn một số kiến nghị Chính phủ quy định rõ hơn nữa về thu hút nguồn vốn xã hội hóa.

Tôi tin rằng, việc tạo ra các cơ sở pháp lý chặt chẽ, đảm bảo được quyền lợi của các bên sẽ giải quyết được điểm nghẽn. Xã hội hóa nguồn lực đầu tư tốt có thể tạo ra đột phát trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải.

Tầm nhìn chiến lược, sát thực tiễn sẽ tạo bứt phá

Đại hội XIII được kỳ vọng tạo tiền đề, vạch ra những mục tiêu cơ bản và định hướng dài hạn để năm 2045 Việt Nam sẽ thành nước phát triển. Xin ông cho biết, Đảng bộ Bộ GTVT đã chuẩn bị kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội như thế nào?

Với sự chuẩn bị công phu, khoa học cả về các văn kiện và công tác nhân sự, tôi tin tưởng chắc chắn Đại hội XIII sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Đặc biệt, những quyết sách được thông qua tại Đại hội có tầm nhìn chiến lược, sát thực tiễn sẽ là tiền đề cho giao thông bứt phá trong thời gian tới.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đề ra, Đảng bộ Bộ GTVT sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Ngay sau Đại hội, sẽ xây dựng Chương trình hành động của các cấp ủy Đảng thực hiện Nghị quyết.

Đồng thời nghiên cứu, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để ban hành nghị quyết chuyên đề đảm bảo thiết thực, ngắn gọn, có tính khả thi cao.

Với truyền thống “Đi trước mở đường’, tôi tin rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động toàn ngành sẽ đoàn kết, thống nhất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong toàn Đảng bộ Bộ GTVT.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.