Thế giới

Tấn công bằng ô tô, thủ đoạn mới của “sói đơn độc”

24/03/2017, 08:30

Vụ tấn công khủng bố trước cửa tòa nhà Quốc hội Anh khiến 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương...

21

Nghị sĩ Tobias Ellwood (người mặc vest, mặt dính máu) không màng nguy hiểm chạy tới cấp cứu sĩ quan cảnh sát bị kẻ khủng bố tấn công

Vụ tấn công khủng bố trước cửa tòa nhà Quốc hội Anh khiến 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương đã gây chấn động nước Anh nói riêng, các nước phương Tây nói chung về hiểm họa khủng bố với phương thức mới đang đang len lỏi, khó lường giữa lòng châu Âu.

Tấn công bằng ô tô - thách thức với an ninh

Vụ khủng bố xảy ra tối 22/3 (theo giờ Việt Nam) khi kẻ tấn công lái một chiếc ô tô lao vào người đi bộ trên cầu Westminster khiến hai người thiệt mạng, sau đó lao tới trước khu vực tòa nhà Quốc hội, tìm cách vào trong tòa nhà. Nghi phạm đã dùng dao tấn công một cảnh sát không vũ trang, sau đó bị cảnh sát bắn chết.

Theo ABC News, vụ khủng bố này cùng với vụ tấn công bằng xe tải tại Berlin (Đức) khiến 12 người thiệt mạng trước thềm Giáng sinh năm 2016 cho thấy, những kẻ tấn công kiểu “sói đơn độc” dùng ô tô làm vũ khí để tấn công những người vô tội. Do đó, nhiệm vụ phòng tránh khủng bố hiện nay lại càng khó khăn hơn.

Ông Peter Bergen, chuyên gia về chống khủng bố, từng chia sẻ trên CNN từ những năm 2010 rằng, chi nhánh Al-Qaeda ở Yemen đã xúi giục những kẻ trung thành ở phương Tây sử dụng xe làm vũ khí tấn công. Thậm chí, tháng 11 vừa qua, Tổ chức khủng bố IS còn đăng một bài viết trên tạp chí trực tuyến, giải thích tường tận cách thực hiện các vụ tấn công khủng bố bằng xe tải, danh sách đề xuất các mục tiêu và bí quyết những loại xe tải nên sử dụng trong các vụ giết người hàng loạt.

“Đáng chú ý, những thông tin này không chỉ xuất hiện trên các diễn đàn thánh chiến mà còn lan ra mạng xã hội và rất dễ dàng được tìm kiếm”, ông Rita Katz, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tình báo SITE cho hay.

Sự tàn bạo của những vụ tấn công thô sơ và bất ngờ này đặt ra những thách thức to lớn đối với an ninh các nước phương Tây và toàn thế giới.

Theo ABC News, thảm họa tại Anh sẽ không phải là vụ tấn công bằng xe cuối cùng, mà có khả năng sẽ diễn biến phức tạp và tàn bạo hơn chẳng hạn như biến xe cộ thành các... cỗ máy mang bom. Trong khi đó, các thành phố mở tại phương Tây luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tổn thương vì những vụ tấn công như vậy.

Nguy cơ khủng bố tại châu Âu ngày càng cao

ABC News nhận định, không thể coi tình trạng khủng hoảng tại Trung Đông khác biệt so với những gì đang diễn ra trên đường phố London, Brussels, Berlin, Nice hay ở những nơi khác đang chứng kiến những biến động tôn giáo, trải dài từ Trung Đông đến Nam Á. Mối đe dọa khủng bố do IS kích động hiện nay đã thấm sâu vào xã hội phương Tây và tốt nhất chúng ta nên thừa nhận thẳng thắn và chuẩn bị các phương án đối phó.

Kể từ khi khủng bố tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào năm 2014, đã xảy ra hơn 70 vụ tấn công man rợ do những kẻ trung thành với IS trực tiếp tiến hành hoặc kích động người bản địa tại 20 nước (ngoại trừ Syria và Iraq), theo CNN. Nếu thêm cả hai đất nước Syria và Iraq, con số này có lẽ lên tới hàng trăm.

Năm 2016, con số thương vong vì các vụ tấn công liên quan tới IS tăng mạnh tại khu vực Trung Đông và châu Âu, bao gồm các vụ đánh bom sân ga và sân bay tại Brussels khiến 32 người thiệt mạng và 340 người bị thương.

Theo ABC News dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, dù các thành trì của IS tại Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria) bị các cuộc không kích chống khủng bố làm suy yếu nhưng đó cũng có thể là cơ hội để chúng tăng cường các hoạt động giết người hàng loạt tại nơi khác.

Nói cách khác, nguy cơ khủng bố với các nước liên quan tới cuộc chiến IS sẽ tăng cao. Một khi IS từ bỏ các thành trì tại Trung Đông cũng đồng nghĩa mối nguy hiểm với các nước phương Tây tăng cao.

Tại London, các nước đồng minh với Anh, các nhà lãnh đạo đều thể hiện sự kiên quyết đồng lòng chống khủng bố nhưng tất cả đều hiểu, nếu chỉ nói không sẽ rất khó để có thể ngăn chặn các vụ tấn công cực đoan tiếp diễn trong tương lai.

Nếu cài then cửa, vụ tấn công đã có thể được ngăn chặn ?

Sau vụ tấn công, giới chức Anh đặt nghi vấn về tình hình an ninh cũng như các biện pháp phòng tránh. Tờ Telegraph dẫn lời nhiều nghị sĩ Anh cho biết, vụ tấn công khủng bố đáng lẽ có thể ngăn chặn được nếu cảnh sát làm nhiệm vụ rà soát an ninh cẩn thận ở những điểm an ninh lỏng lẻo và đơn giản là cài then chặt chẽ. Theo họ, kẻ tấn công có thể lao phương tiện qua cổng vào tòa nhà New Palace Yard - nơi Thủ tướng và các thành viên chính phủ sử dụng vì lúc đó cửa không bị khóa. Khu vực này do hai sĩ quan cảnh sát giám sát, chỉ được khép hờ vì thường xuyên được sử dụng. Nếu cánh cổng hai lớp sắt này chỉ đơn giản được cài then chặt chẽ thì tên khủng bố khó có thể vượt qua.

Động cơ và nguyên nhân vụ tấn công đang được điều tra. Một quan chức chống khủng bố cấp cao tại Anh cho biết, đến chiều 23/3, có 7 nghi phạm bị bắt giữ tại 6 địa điểm khác nhau liên quan tới vụ khủng bố.

Xuân Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.