Ảnh minh họa |
V ì nhiều lý do mà thời gian đang cắt nhỏ mỗi chúng ta thành nhiều mảnh. Mỗi mảnh lại bị cắt nhỏ thêm thành những vụn. Hàng ngày mỗi người hầu như đều rơi vào bi kịch sau đây: Không biết nên làm việc gì trước? Thậm chí là không biết cả cái việc còn đang dự định ấy là việc gì! Thế là khi ta bắt tay vào việc này thì ý nghĩ lại để ở những việc khác. Đôi khi làm việc này lại cứ tưởng đang làm việc khác. Nếu là lái xe thì không chóng thì chầy cũng gây tai nạn. Nếu là thợ vận hành trước sau cũng phá máy. Nếu là nhân viên thủ quỹ trước sau cũng thụt két…
Không cần phải hình dung tiếp cũng thấy phía trước họ là gì.
Nhưng như vậy chưa phải là thứ đáng nói ở đây. Sự tán tâm, nhiễu tâm, phân liệt tâm… gắn với cá nhân từng người. Nghĩ linh tinh đương nhiên là chả có gì hay ho nhưng dù sao người ta vẫn còn nghĩ. Sợ nhất là hàm lượng nghĩ cứ ngày một ít dần đi và thấy rõ nhất ở trong lĩnh vực sáng tạo. Thấy rõ nhất không phải lĩnh vực này đội sổ về mặt nghĩ so với các lĩnh vực khác- nhiều lĩnh vực ít nghĩ hơn đến mức có cảm tưởng không còn ai ở đó biết nghĩ là gì nữa - mà chỉ đơn thuần là nghệ thuật không thể giấu được sự nghèo nàn, đúng hơn là sự hời hợt.
Chúng ta đang phải đối mặt với sự hời hợt như một căn bệnh có khả năng lây lan. Chưa bao giờ hời hợt được mùa như bây giờ, ở tất cả mọi nơi, mọi chốn. Có vẻ như sự hời hợt thấm vào trong máu.
Nhưng nói thế có thể sẽ bị trách là trừu tượng quá. Hiện thực dễ thấy hơn là chúng ta mỗi ngày lại nghĩ ít đi. Điều này giống như hiểm hoạ tinh thần hơn chỉ là một thực trạng xã hội. Bạn hãy kiểm tra nhận định trên bằng cách ngẫu nhiên đọc một cuốn sách, kiên nhẫn ngồi nghe những bài hát đang hót, bớt chút thời gian xem hết một bộ phim truyền hình gây cười, thậm chí chỉ cần lặng lẽ đi qua một đoạn vỉa hè mới lát tiền tỉ hoặc mạo hiểm hơn thì tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội…, bạn sẽ thấy, nhận xét như vậy còn nhân hậu và bao dung chán. Nếu suy nghĩ một chút thôi, chỉ cần gọi là có động não, mọi chuyện đã không khiến tràn ngập sự thất vọng như vậy.
Rồi nếu bạn có đủ kiên nhẫn dạo qua những nơi đám trí thức hàng đầu tụ tập nhau lại xả láng, bạn sẽ thấy hình như đang lan tràn một trạng thái vô lo vô nghĩ, vô cảm ở đất nước ngàn năm văn hiến! Một trong những ý nghĩ hiếm hoi còn có ở họ là chả dại gì mà nghĩ nhiều cho đau đầu.
Nhưng câu hỏi khẩn thiết hơn cả cái thực trạng đáng chán kia là: Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta, đang nghĩ, âm thầm nghĩ hoặc cảm thấy đau buồn về thực trạng này?
Bây giờ hay cũng lại phải nhiều năm sau mới có câu trả lời?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận