Chất lượng sống

Tận thấy bệnh viện di động trên biển Đông

24/05/2018, 07:51

Tàu quân y 561 thuộc biên chế của Vùng 4 Hải quân được đánh giá là một trong những tàu bệnh viện hiện đại...

14

Tàu bệnh viện 561

Bệnh viện đa khoa trên biển

Từ khi đưa vào hoạt động (năm 2012) tới nay, con tàu chữ thập màu đỏ này trở thành bệnh viện di động trên biển Đông với trang thiết bị tương đương một bệnh viện đa khoa cấp huyện.

Tháng 4, chúng tôi có mặt trên tàu quân y 561 (tàu bệnh viện Khánh Hòa 01) cùng Đoàn công tác số 4 ra thăm và làm việc với quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đại úy Dương Văn Đắc, Chủ nhiệm Chính trị tàu 561 cho biết: Tàu 561 được đóng tại Công ty Đóng tàu Z189, bàn giao cho Vùng 4 Hải quân từ năm 2012. Con tàu này được đóng hoàn toàn theo công nghệ Hà Lan, đạt tiêu chuẩn quốc tế IMO với thân tàu dài hơn 70m, rộng hơn 13m, chịu được gió cấp 8 và có đôi vây chống lắc. Tàu có tải trọng hơn 150 tấn, chở được hơn 200 người và được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại tương đương một bệnh viện đa khoa cấp huyện ở đất liền.

Đưa chúng tôi đi thăm con tàu, Đại úy Đắc cho biết: “Các khoang đều được trang bị điều hòa, tủ lạnh, tivi kết nối truyền hình vệ tinh, hệ thống liên lạc hiện đại qua vệ tinh Vinasat và các phòng bệnh có hệ thống máy móc thuộc dạng tối tân.

"Nhiều năm qua, quân và dân trên huyện đảo Trường Sa đã quen thuộc với hình ảnh con tàu màu trắng mang biểu tượng chữ thập đỏ của tàu HQ 561 mang tên Khánh Hòa 01. Con tàu bệnh viện này đã tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển. Sự xuất hiện của con tàu trên vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK1 là niềm động viên lớn giúp ngư dân yên tâm bám biển”.

Ông Lê Xuân Thân
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa

Tham quan các buồng bệnh tại tàu HQ 561, chúng tôi bất ngờ về mức độ hiện đại của con tàu này. Ở khoang bệnh viện có đầy đủ các phòng chức năng như: Phòng khám, hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm, phòng mổ, các phòng chuyên khoa... với gần 20 giường bệnh. Buồng giảm áp là một trong những buồng hiện đại nhất, để điều trị các bệnh liên quan đến những bệnh lý nặng như trường hợp ngư dân bị giảm áp do đang lặn biển bị nghẽn oxy. Đặc biệt, ở phòng siêu âm có trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện 175 (TP.HCM).

Sau hơn 5 năm đưa vào hoạt động, tàu bệnh viện HQ 561 đã khám bệnh, cấp phát thuốc, tổ chức cấp cứu cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ và ngư dân tại quần đảo Trường Sa. Ngoài việc cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển và các đảo, tàu còn đảm đương nhiều trọng trách. Đó là việc thăm khám cho quân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 hai năm một lần, mỗi lần kéo dài 1,5 tháng với trên 3.000 lượt người, phục vụ các chuyến thay quân của đơn vị, chở các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại Trường Sa, tham gia các đợt diễn tập quốc tế…

15
Khám bệnh trên tàu bệnh viện 561

Cấp cứu giữa trùng khơi

Trên hành trình thăm các đảo Trường Sa, chúng tôi đã chứng kiến tàu Khánh Hòa 01 dừng lại để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Thời điểm trên, tàu TS 96509 cập mạn tàu bệnh viện Khánh Hòa 01 để đưa lên tàu một ngư dân. Anh Dương Thanh Bình (SN 1975 quê ở Lý Sơn, Quảng Ngãi) là ngư dân trên tàu TS 96509 có biểu hiện đau bụng, liên tục nôn ra máu. Tàu ngư dân đã liên hệ với tàu bệnh viện Khánh Hòa 01 để nhờ các bác sỹ trên tàu khám cho ngư dân bị bệnh. Rất nhanh chóng, việc tổ chức thăm khám, chẩn đoán được các bác sỹ trên tàu tổ chức thực hiện.

BS. Thái Đàm Lương, phụ trách quân y trên tàu 561 cho biết: Quá trình thăm khám, anh Dương Thanh Bình có biểu hiện chướng bụng, gan to dưới hạ sườn phải, ấn đau tức. Hình ảnh siêu âm cho thấy, một khối u xâm chiếm toàn bộ gan chứng tỏ anh Bình nhiều khả năng bị ung thư gan nặng thuộc giai đoạn 3. Chúng tôi đã cấp thuốc, hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp để tàu TS96509 đưa bệnh nhân về bờ điều trị.

Gắn bó với tàu bệnh viện HQ 561 từ khi con tàu này được biên chế vào lực lượng Hải quân, BS. Lương tâm sự: “Cuộc sống của tôi và đồng đội gắn liền với con tàu và biển đảo. Cứu chữa kịp thời và giành lại sự sống cho ngư dân trên biển là niềm vui, hạnh phúc của tôi và anh em trên tàu”.

BS. Lương kể, đã thực hiện nhiều ca cấp cứu gian nan giữa trùng khơi sóng nước. Đơn cử ngày 12/6/2015, khi tàu HQ 561 rời khu vực nhà giàn DK1 nhận được điện khẩn có một trường hợp ngư dân cần cấp cứu. Ngư dân này là anh Đặng Văn Bình (SN 1965 ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Khi đang đánh cá trên biển, do sóng quá lớn anh Bình bị ngã đập đầu suống sàn tàu bất tỉnh.Tàu cá đã liên hệ với nhà giàn DK1 để nhờ tàu bệnh viện cấp cứu. Giữa sóng to, gió lớn tàu HQ 561 đã tiếp cận tàu cá để đưa ngư dân đang bất tỉnh lên tàu cấp cứu. Các bác sĩ trên tàu HQ 561 đã hội chẩn với Bệnh viện 175 qua hệ thống truyền hình trực tiếp, xác định anh Bình bị chấn thương sọ não. Ngay trong đêm, tàu HQ 561 đã đưa bệnh nhân Bình về đảo Trường Sa lớn để sáng hôm sau trực thăng được điều ra đưa bệnh nhân đến thẳng Bệnh viện 175 điều trị. Do chẩn đoán chính xác và cấp cứu kịp thời nên sau một thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục.

Một trường hợp phải mổ ngay trong đêm là ngư dân Huỳnh Văn Kiên (21 tuổi, quê Bình Thuận) đang đánh cá tại khu vực đảo Núi Le, bị viêm ruột thừa cấp, bệnh đã trở nặng. Lần này ê-kíp mổ từ 21h40 - hơn 22h mới kết thúc. Sau đó, ê-kíp lại trắng đêm trực, theo dõi sức khỏe bệnh nhân 24/24h cho tới khi bệnh nhân hồi phục.

Một trong những lợi thế của tàu bệnh viện HQ 561 là được trang bị hệ thống truyền hình trực tiếp về đất liền. “Những ca cấp cứu, mổ... quan trọng chúng tôi đều tiến hành hội chẩn với y, bác sĩ Bệnh viện 175 bất kể giờ giấc. Nhờ đó, việc cứu chữa bệnh nhân được kịp thời, dựa trên phác đồ điều trị do Bệnh viện 175 cung cấp”, BS. Lương cho biết. Tuy vậy, trong ngành Y tế vai trò của người bác sỹ trực tiếp điều trị là vô cùng quan trọng. Với đặc thù lênh đênh trên biển, ít có cơ hội tiếp cận với các thông tin y học nên trong những thời gian tàu về bờ, các y, bác sỹ trên tàu được cử tới các bệnh viện lớn ở Hà Nội để học hỏi, nâng cao trình độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.