Thế giới

Tân Thủ tướng Anh mắc kẹt giữa cuộc chiến Mỹ - Trung

29/07/2019, 06:37

Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa nhậm chức đã gánh trên vai trách nhiệm nặng nề...

img
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson

Trách nhiệm của ông Boris Johnson không chỉ vì vấn đề Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã đến giai đoạn nước rút, vẫn rối như tơ vò mà còn phải chèo lái một nước Anh trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những biến động mạnh mẽ, đặc biệt là cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung.

Bối cảnh phức tạp

Ông Boris Johnson nhậm chức với lời hứa đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu chậm nhất vào ngày 31/10 tới và với Anh, những khoản đầu tư thương mại từ Trung Quốc chưa bao giờ quan trọng và cấp thiết hơn lúc này.

Trong khi đó, nhà tân lãnh đạo Anh còn phải ra quyết định có làm theo yêu cầu của Mỹ cấm công ty công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia vào xây dựng mạng lưới 5G cho Anh hay không.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Huawei - nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - là mối đe dọa an ninh đối với các hệ thống hạ tầng của phương Tây và cảnh báo các nước châu Âu sử dụng công nghệ Huawei có thể làm tổn hại quan hệ với Mỹ.

Trong một bài xã luận đăng tải một ngày sau khi chiến thắng của ông Johnson được công bố, tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) cho biết, lãnh đạo mới của Anh đang đối mặt với thực trạng mối quan hệ Bắc Kinh và Washington mong manh hơn bao giờ hết. “Vì Mỹ đã quyết định đối đầu với Trung Quốc về thương mại, công nghệ cùng nhiều vấn đề khác nên có lẽ Washington đã đưa ra điều kiện với Anh rằng, họ phải rút khỏi các thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc nếu muốn có thỏa thuận thương mại với Mỹ”, China Daily viết.

Trong khi đó, “một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc lại là điều mà Anh cũng đang đặt hy vọng cho thời kỳ hậu Brexit”, theo China Daily.

Ông Johnson và những người có cùng chí hướng vận động Anh rời khỏi Liên minh châu Âu từ lâu luôn ca ngợi: Những thỏa thuận thương mại mới với cả Bắc Kinh, Washington sẽ là cách để giúp nền kinh tế Anh hậu Brexit đứng vững, bù đắp cho hơn một nửa thương mại của Anh đến từ châu Âu có thể bất ổn sau Brexit.

Tuy nhiên, Mỹ từng ám chỉ London phải chọn Mỹ hoặc Trung Quốc trong văn bản thương mại phác thảo những ưu tiên hàng đầu của Washington vào tháng 3. Mỹ cảnh báo sẽ có động thái phù hợp nếu Anh đàm phán thỏa thuận thương mại với một nước “phi thị trường”, ý nhấn mạnh Trung Quốc.

Còn Bắc Kinh khẳng định, họ sẵn sàng mở cửa để thiết lập những mối quan hệ đầu tư và thương mại lớn hơn nữa với Anh. Như vậy, tân Thủ tướng Anh phải lựa chọn đồng minh truyền thống là Mỹ hay Trung Quốc - đối tác đầy tiềm năng có thể là lối thoát cho Anh trong Brexit.

“Kỷ nguyên vàng Anh-Trung 2.0”

Trước đây, khi Boris Johnson là Ngoại trưởng Anh, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 1/2018, ông Johnson đã nhiệt liệt ca ngợi Trung Quốc cùng lãnh đạo nước này. “Chúng tôi rất quan tâm tới điều mà Chủ tịch Tập đang làm và đừng quên Anh là nước đầu tiên trên thế giới tham gia vào Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (có trụ sở tại Bắc Kinh). Có thể nói, Anh là nước rất ủng hộ Trung Quốc”.

Ông Johnson còn tỏ ra nhiệt tình với Dự án đầu tư Sáng kiến vành đai và con đường của Chủ tịch Tập và chào mừng những hoạt động đầu tư của Bắc Kinh vào Vương quốc Anh. Ở cương vị Ngoại trưởng thời điểm đó, ông Johnson khẳng định con gái ông đang học tiếng Trung tại Trung Quốc bởi ông cho rằng “việc học tiếng Trung rất quan trọng”.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, mối quan hệ giữa phương Tây, Bắc Kinh đã thay đổi đáng kể vì cuộc chiến thương mại của Mỹ - Trung Quốc và vẫn chưa rõ quan điểm của ông Johnson có thay đổi hay không. Mới đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn của truyền hình Hong Kong Phoenix Television với ông Johnson, được đăng tải đầu tuần trước, lãnh đạo mới của Anh nói ẩn ý rằng, có thể ông sẽ cởi mở hơn nữa với Trung Quốc.

Tân Thủ tướng Anh nhiều lần bình luận về kế hoạch Vành đai, Con đường của Chủ tịch Trung Quốc và tỏ ra thiện chí sẵn sàng gia nhập dự án đầu tư mạnh tay vào hạ tầng quốc tế của ông Tập.

Tính đến thời điểm này, Italy là quốc gia G7 duy nhất gia nhập Vành đai và Con đường - kế hoạch nhằm xây dựng hành lang thương mại khổng lồ từ Trung Quốc đến châu Âu, châu Phi và phần còn lại của châu Á.

Đánh giá những bình luận đó, nhiều chuyên gia như ông Jin Xu, cựu Cố vấn Bộ trưởng thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh nhận định rằng, có lẽ tân Thủ tướng Anh sẽ chọn Trung Quốc. Trong bài viết trên tờ báo điện tử Global Times, ông Xu viết: “Khi ông Johnson trở thành lãnh đạo nước Anh, London - Bắc Kinh có thể chuẩn bị bước sang kỷ nguyên vàng Anh - Trung 2.0. So với những người tiền nhiệm, ông là nhà ngoại giao cứng rắn nhưng chưa bao giờ có động thái nào làm tổn hại quan hệ với Bắc Kinh. Ngoài ra, là một chính trị gia thực tế, bất cứ điều chỉnh chính sách nào đều nằm trong tầm kiểm soát của ông”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.