Xem - ăn - chơi

Tản văn của Tạ Duy Anh: Đồng dao một thuở

31/05/2015, 21:56

Có một thứ nhịp điệu nào đó cứ gắn chặt vào ký ức tôi, chi phối ý nghĩ và hành động của tôi.

 

rong ran
Trẻ em chơi trò Rồng rắn lên mây.

Có lẽ từ khi còn bé lắm tôi đã u ơ hát những câu đồng dao:

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơiĐến ngõ nhà trời

Lạy cậu lạy mợCho cháu về quê

Con dê đi họcCon cóc ở nhà

Con gà bới bếp

Ngồi xệp xuống đây.

Chẳng ai dạy tôi cả. Hình như với những đứa trẻ khác cũng thế. Đứa nào cũng thuộc, chỉ do xem và (khi lớn hơn một chút) cùng chơi trò với nhau. Ngày ấy không có chuyện một đứa trẻ nào đó đóng cửa chơi một mình trong phòng. Đông thì hàng chục đứa. Ít nhất là một cặp. Lớp tuổi nào tự động tìm đến lớp tuổi ấy. Đang tập nói thì đố nhau đếm sao. Một ông sao sáng/ hai ông sáng sao/ ba ông sao sáng... Lũ chíp hôi tụ lại chơi nu na nu nống hoặc chu chi. Một đứa cầm cái, mắt liến láu nhìn, miệng lem lém đọc.

Chi chi chành chành

Cái đanh nổ lửa

Con ngựa đứt cương

Ba Vương tập đế

Nội dung này không cố định, mà tùy biến theo ý thích của người hát, hoặc đôi khi chỉ là vì kiêng tên húy, tên bố mẹ. Chẳng hạn nếu tên Thành hoàng là Cương, thì câu Con ngựa đứt cương biến thành Con ngựa chết trương. Nhưng chả ai bắt bẻ ai. Đứa này hát xong đến lượt đứa khác, đứa khác nữa, quay vòng cho đến khi sang trò mới. Bọn lớn hơn cũng bày nhiều trò hơn. Hết đánh chắt (thường là lũ con gái) sang thi đối đáp.

Một đứa đọc:

Mày tát chuôm tao

Đứa khác tiếp:Tao tát chuôm mày

Đứa kia: Mày đầy rổ cáĐứa này: Tao đầy rổ tôm

Đứa khác: Mày đi chợ Hôm

Đứa khác: Tao đi chợ Mai

Cứ thế bài hát nối dài. Đến chỗ nào bí vần thì thôi. Chẳng ai thắng, chẳng ai thua. Quan trọng là tụ tập và sau mỗi trò lại cười như nắc nẻ, hò hét có khi ầm ĩ cả làng.Thú nhất là những trò chơi dưới trăng. Cả lớn lẫn bé, (có đứa mới lẫm chẫm bước đi) cùng tham gia. Chẳng hạn trò rồng rắn lên mây. Đứa nọ túm áo đứa kia dài hàng nửa vòng sân. Rồi bỗng chẳng ai cầm trịch mà tất cả cùng ngửa cổ nhìn trăng đồng thanh gào:

Rồng rắn lên mây

Có cây xúc xắc

Có nhà điểm mặt

Thầy thuốc có nhà hay không?...

Chỉ cần một đứa ngắc ngứ hoặc đang đi bị vấp là gào sang bài khác:Thả đỉa ba ba

Chớ bắt đàn bàPhải tội đàn ông

Cơm trắng như bông

Gạo tiền như nước.

Rồi chuyển sang Dung dăng, dung dẻ; Trồng đậu trồng cà; ù à ù ập,... hoàn toàn ngẫu hứng.Quanh đi quẩn lại trò chơi ngày bé của tụi tôi chỉ có thế. Sáng, trưa, chiều, tối, mưa dầm gió bấc, chăn trâu cắt cỏ hoặc những đêm trăng... đều có thể chơi. Đã chơi là không biết giờ giấc gì nữa. Ngày sau, đêm sau chơi lại vẫn ngần ấy trò, ngần ấy nội dung nhưng không thấy chán. Giờ đây nhớ lại có những trò thật ngớ ngẩn mà đứa nào cũng háo hức tham gia. Chẳng hạn mỗi khi có mưa rào, không đứa nào bảo đứa nào, tất cả đều ra trước mái hiên nhà mình, nơi hơi mưa mát lịm, cùng gân cổ gào:

Mưa to lên

Ướt ngàn cô tiên

Mưa làm nền, sấm chớp làm nhịp trống phách còn gió thì phụ họa để có thể gào cho tới khi mưa tạnh thì thôi. Vào những hôm ấy khắp làng trên xóm dưới vang lên tiếng trẻ con khiến cho một hiện tượng thiên nhiên thường nhật cũng trở nên vô cùng thiêng liêng.

Và thật kỳ lạ, có một thứ nhịp điệu nào đó cứ gắn chặt vào ký ức tôi, chi phối ý nghĩ và hành động của tôi mà nếu thiếu nó, tôi tin rằng mình sống rất bập bõm. Nó có cả sự hiền hòa mát dịu của trăng, cái phóng dật phiêu du lãng mạn của gió, sự thâm trầm, chắc chắn của đất với niềm thôi thúc bay lên của sao. Trên tất cả là cảm giác chở che của bầu trời, lòng hào phóng nhân hậu của cây cối, trí khôn của ông bà. Tôi chẳng thể và chẳng muốn tách bạch rạch ròi từng thứ thấm vào tôi suốt từ thời thơ bé thông qua những trò chơi bí ẩn đến mức đơn giản ấy. Chỉ biết rằng cảm giác tâm hồn mình luôn được thổi căng lên niềm khát vọng là có thật. Chỉ biết rằng một cái gì đó hài hòa, bình an, mê đắm cứ bao bọc lấy tôi, hướng tôi về phía chân trời, cho tôi sự bền bỉ... là có thật.

Tôi chẳng thể gọi rõ tên nó là cái gì. Nhưng nhờ nó mà tôi biết yêu thương con người, biết xót xa trước nỗi bất hạnh, biết cúi đầu trước vẻ đẹp. Nhờ nó mà giờ đây mỗi đêm trăng ký ức tôi lại sáng lên ánh sáng của giấc mơ, còn khi ngồi nghe mưa tôi thấy da diết âm hưởng một bản nhạc có thể làm dịu đi nỗi nhọc nhằn của công cuộc mưu sinh. Tôi hiểu rằng, không phải ai cũng có cơ hội biến trời đất thành tài sản của mình mặc dù ngày đó chúng tôi là những đứa trẻ nghèo, động một tí là nghêu ngao hát. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.