Pháp luật

TAND quận 5 cấm Báo Giao thông: Luật sư lên tiếng

29/03/2017, 08:01

Về việc Thẩm phán TAND quận 5 cấm Báo Giao thông đăng về Thành Bưởi, các luật sư nói gì?

4

Xe Thành Bưởi đón khách từ xe trung chuyển tại đường Trần Phú, quận 5

Liên quan việc Thẩm phán TAND quận 5 Đỗ Thị Ngọc Bích ký Quyết định số 72 ngày 23/3, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Luật Tố tụng Dân sự, buộc Báo Giao thông không đăng tải các bài báo mới liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế, phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước” cho đến khi tòa án giải quyết xong vụ án, PV ghi nhận ý kiến của một số luật sư về nội dung quyết định này.

5

 

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM):

Tòa không có quyền can thiệp hoạt động báo chí

Quyết định ngăn chặn này không ổn về mặt pháp lý. Điểm d, Khoản 2, Điều 4, Luật Báo chí quy định báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; Đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Việc TAND quận 5 ra quyết định như vậy là vi phạm Luật Báo chí.

Trong các quy định khác của pháp luật cũng không quy định cụ thể tòa có quyền can thiệp vào hoạt động báo chí, cấm báo chí đăng tải thông tin chống tiêu cực, nên việc tòa ra phán quyết như trên là rất thiếu căn cứ, ngăn cản chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí. Xét theo Luật Báo chí, chỉ có Cục Báo chí (Bộ Thông tin &Truyền thông) mới là cơ quan có thẩm quyền hạn chế quyền này.

Cũng theo Luật Báo chí, Báo Giao thông có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. TAND quận 5 không có quyền can thiệp hoặc buộc Báo Giao thông không được phản ánh các vụ việc tiêu cực, có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân, trong đó có thể có Công ty TNHH Thành Bưởi trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe hợp đồng.

6

 

Luật gia Vũ Minh Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Đương sự có quyền yêu cầu tòa công khai căn cứ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Khoản 1, Điều 111, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự”.

Điểm a, Khoản 1.2, Điều 1, Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng Dân sự nêu rõ:

“Chỉ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây, cá nhân, cơ quan, tổ chức mới có quyền yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được tòa án giải quyết và cần phải được giải quyết ngay, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm... của đương sự”.

Vì thế, căn cứ theo quyền và nghĩa vụ của bị đơn theo quy định tại Điều 70, Điều 72, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Báo Giao thông có thể đề nghị TAND quận 5 công khai căn cứ chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Công ty TNHH Thành Bưởi về: Tính liên quan trực tiếp của biện pháp khẩn cấp tạm thời; Tính cấp bách của biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Theo báo Tuổi trẻ TP.HCM, ngày 28/3, Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết, đã yêu cầu TAND quận 5 báo cáo cụ thể về việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với Báo Giao thông ngày 23/3. Đồng thời, TAND TP cũng yêu cầu TAND quận 5 đưa hồ sơ vụ kiện lên TAND TP.HCM xem xét. Theo bà Hương, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là thẩm quyền của thẩm phán được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có việc tòa áp dụng biện pháp cấm thực hiện một hành vi nhất định liên quan tới cơ quan báo chí. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong lĩnh vực báo chí cần phải xem xét thêm quy định của Luật Báo chí. Do đó, TAND TP.HCM sẽ xem xét toàn diện vụ việc trên cơ sở hồ sơ của TAND quận 5 chuyển lên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.